Khan hiếm nguồn cung, giá chào bán biệt thự du lịch ở Đà Nẵng dự kiến ở mức cao
Phân khúc biệt thự du lịch chứng kiến sự khan hiếm nguồn cung mới. Các dự án tương lai đều là dự án có thương hiệu cao cấp và dự kiến được chào bán ở mức khá cao.
- 27-07-20223-6 tháng tới là thời điểm khó khăn đối với bất động sản
- 27-07-2022Giá chung cư đã qua sử dụng tăng mạnh, chủ nhà chốt lời đến 50%: Ai bảo chung cư là tiêu sản?
- 27-07-2022Vùng ven Hà Nội rầm rộ đấu giá đất trở lại
Tại báo cáo về tình hình thị trường bất động sản tại Đà Nẵng, CBRE Việt Nam nhận định thị trường bất động sản Đà Nẵng chứng kiến sự suy giảm nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng bị ngưng trệ khi hoạt động du lịch "đóng băng".
Kể từ giai đoạn mở cửa đầu năm 2022 đến nay, Đà Nẵng dần lấy lại đà phát triển khi chú trọng hơn vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng và tiếp tục mở rộng phát triển chuỗi đô thị thông minh với kỳ vọng đưa thành phố vào bản đồ đô thị sống và nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Tuy nhiên, nguồn cung mới của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bán còn khá khan hiếm. Trong nửa đầu năm nay, chỉ có thêm một dự án căn hộ du lịch (condotel) mới được ghi nhận. Tổng nguồn cung condotel tại Đà Nẵng là 7.384 căn hộ (16 dự án) và tổng nguồn cung biệt thự du lịch bán là 2.533 căn (13 dự án).
Trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường condotel vẫn có thêm một số dự án mới mở bán. Giá bán trung bình hiện đạt 2.431 USD/m2. Tỷ lệ bán hàng lũy kế tính đến 6 tháng đầu năm 2022 được ghi nhận ở mức gần 85%.
Từ tháng 8/2021, Đà Nẵng đã chính thức ngừng cấp phép cho các dự án condotel mới nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối cung – cầu sau thời gian dài tăng trưởng nóng. Như vậy, số lượng dự án condotel mở bán trong tương lai dự kiến khá ít và nguồn cung mới chủ yếu đến từ các dự án đã được cấp phép từ trước hoặc những giai đoạn mở bán tiếp theo. Đà Nẵng sẽ có thêm khoảng 1.800 căn condotel trong giai đoạn 2022 – 2024.
Condotel tại Đà Nẵng đã bùng nổ mạnh mẽ từ nhiều năm trước và hiện đang bước vào giai đoạn ổn định. Việc thiếu khung pháp lý chuẩn chỉnh vẫn là rào cản lớn để tạo đà khôi phục phân khúc này. Vì vậy, ngay cả khi nguồn cung mới có xu hướng giảm, mặt bằng giá sẽ không có nhiều biến động và chỉ duy trì ổn định. Nguồn cung mới hạn chế hỗ trợ tỷ lệ hấp thụ lũy kế lên đến 91% trong vòng 3 năm tới.
Phân khúc biệt thự du lịch cũng chứng kiến sự khan hiếm nguồn cung mới. Các dự án tương lai này đều là dự án có thương hiệu cao cấp và dự kiến được chào bán ở mức khá cao.
Đưa ra nhận định về triển vọng thị trường, chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng đang dần hình thành xu hướng phát triển ly tâm, tương tự như Hà Nội và TP.HCM. Phần lớn dự án BĐS tại Đà Nẵng hiện nay đều tập trung ở các quận trung tâm hay khu vực dọc bãi biển Mỹ Khê. Trong giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ mở rộng không gian phát triển về phía Tây Bắc và Đông Nam, hướng tới hình thành các khu đô thị vệ tinh. Trong đó, khu vực Tây Bắc là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao, và cũng là điểm giao của các nút giao thông trọng điểm nên kết nối thuận tiện với lận cận và trung tâm thành phố.
Nhiều chủ đầu tư đã đổ bộ về đây và phát triển các dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng phức hợp, nhằm đón đầu làn sóng dịch chuyển của bộ phân cư dân chất lượng cao về đây, trong đó phải kể đến nhóm chuyên gia nước ngoài làm việc tại các cụm/khu công nghiệp. Phía Đông Nam Đà Nẵng lại sở hữu kết nối liên vùng với khu vực Quảng Nam, có thể hình thành dải đô thị - du lịch ven biển. Do đó, khu vực này được định hướng sẽ phát triển các khu đô thị du lịch – sinh thái, nhất là vị trí dọc ven sông Cổ Cò nhằm khai thác lợi thế cảnh quan. Điểm hạn chế hiện hữu của hai khu vực Tây Bắc và Đông Nam là thiếu hệ thống tiện ích phụ trợ cũng như cần có thêm cải thiện về mặt hạ tầng (khơi thông dòng sông Cổ Cò) để tối ưu hóa tiềm năng phát triển.
Trong bối cảnh những xu hướng du lịch mới nổi như "staycation" hay "workstation" lên ngôi giai đoạn hậu dịch Covid-19, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng cũng có thêm nhiều dự án bắt nhịp làn sóng mới này. Sự đa dạng về mô hình sản phẩm nghỉ dưỡng giúp thị trường gia tăng lực hút, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều tệp khách tiềm năng. Một số thương hiệu khách sạn mới, mang phong cách trẻ trung và hiện đại, sẽ sớm gia nhập Đà Nẵng với các sản phẩm nghỉ dưỡng hướng đến tệp khách trẻ thuộc thế hệ Millennials và Gen Z, nhóm khách ưa thích sự di chuyển và đề cao tính linh hoạt. Điểm chung của những dự án mới này sẽ tạo không gian riêng để khách lưu trú, bên cạnh đó thiết kế nhiều không gian sinh hoạt chung, không gian làm việc chung (co-working space) để có thể kết hợp mô hình tận hưởng nghỉ dưỡng và làm việc hiệu quả.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành, CBRE Việt Nam cho biết: "Sau đại dịch, bất động sản Đà Nẵng đang có nhiều bước chuyển mình tích cực, từng bước thu hút dòng vốn đầu tư quay lại khu vực này. Với mục tiêu phát triển thông minh và bền vững, ở giai đoạn tiếp theo, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh phát triển bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng".