Khẩn trương báo cáo Chính phủ lộ trình cải cách tiền lương
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và vực dậy lĩnh vực công nghiệp.
- 09-09-2023ĐỀ XUẤT MỚI VỀ TIỀN LƯƠNG ĐÓNG BHXH: Có hạn chế tình trạng doanh nghiệp lách luật?
- 24-08-2023Xác định nguồn tiền lương bổ sung để VNA trả cho phi công người Việt Nam
- 14-08-2023Chi trả hơn 2.000 tỷ đồng tiền lương hưu tháng 7
Ngày 9-9, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2023. Ảnh: Nhật Bắc
Trong đó, tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng.
Về đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP), đẩy mạnh đầu tư toàn xã hội, tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.
Về xuất khẩu, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới, nhất là tiêu chuẩn xanh; tận dụng cơ hội các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới.
Về tiêu dùng, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tổ chức rộng khắp các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng; phát triển mạnh thương mại điện tử; tăng cường kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại…
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ nút thắt tín dụng; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định, điều kiện, thủ tục cho vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Thực hiện hiệu quả các gói tín dụng chính sách, trong đó có gói 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất, 15.000 tỉ đồng cho ngành hàng đồ gỗ, thủy sản…
Bộ Tài chính thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; chủ động nghiên cứu, kịp thời đề xuất các giải pháp phù hợp để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh thời gian tới, tiếp tục đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ về phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần đôn đốc, hướng dẫn đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân, thu hút vốn FDI và các dự án đối tác công tư (PPP). Khẩn trương thẩm định các quy hoạch, các dự án cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) ở các dự án cao tốc Nam Định - Thái Bình; Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường, các dự án bất động sản. Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo triển khai các công trình, dự án giao thông chiến lược, có tính liên vùng, nhất là sân bay Long Thành và các dự án cao tốc.
Bộ Y tế cần khẩn trương xử lý dứt điểm 2 Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai ở Hà Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và những bất cập về cơ sở vật chất tại các trường học.
Người lao động