Khẳng định không chuyển địa điểm sản xuất về Hàn Quốc, Samsung vừa rót thêm vốn "khủng" vào Thái Nguyên, vừa hợp tác phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam
Thời gian gần đây, Samsung đã có nhiều động thái thể hiện tính cam kết cao với Việt Nam.
- 22-02-2022Thực hư chuyện Samsung chuyển dây chuyền sản xuất từ Việt Nam về Hàn Quốc
- 17-02-2022Samsung rót thêm 920 triệu USD vào Thái Nguyên: Nhìn lại lý do các đại gia ngành điện tử thường đặt nhà máy ở các tỉnh phía Bắc
- 16-02-2022Samsung sẽ đầu tư thêm 920 triệu USD vào Thái Nguyên
Mới đây, xuất hiện thông tin Samsung Electronics chuyển một số dây chuyền sản xuất từ nhà máy ở Việt Nam về Hàn Quốc khiến một số luồng tin cho rằng Samsung đang chuyển địa điểm sản xuất khỏi Việt Nam. Song, thông tin thay đổi địa điểm sản xuất đã được Samsung phản hồi là không chính xác.
Samsung Electronics khẳng định với báo chí sẽ không chuyển địa điểm sản xuất của công ty từ nước ngoài về Hàn Quốc: "Để đảm bảo sản xuất ổn định điện thoại thông minh màn hình gập, một số dây chuyền sản xuất linh kiện theo quy trình của đối tác Việt Nam đã được chuyển về Gumi vào cuối tháng 8 và tháng 9/2021".
Trái lại, thời gian gần đây, Samsung đã có nhiều động thái thể hiện tính cam kết cao với Việt Nam. Điển hình là việc đầu tư thêm 920 triệu USD vào nhà máy ở Thái Nguyên. Ngày 16/2/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam. Cụ thể, Samsung sẽ đầu tư thêm 920 triệu USD để nâng cấp vốn đầu tư của Nhà máy Samsung Electro-Mechanics tại Thái Nguyên lên 2,27 tỷ USD.
Song song với việc đầu tư, hôm nay (22/2), Bộ Công Thương (Cục Công nghiệp) đã phối hợp với Samsung Việt Nam tổ chức "Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Nhà máy thông minh giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam".
Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã nghiên cứu xây dựng Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh tại Việt Nam với mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng Nhà máy thông minh trong 2 năm (2022 – 2023) nhằm nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước, cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp.
Tham gia chương trình, các Tư vấn viên sẽ được đào tạo trong 12 tuần (bao gồm 3 tuần học lý thuyết và 9 tuần học thực hành) nhằm nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng thiết lập nhà máy thông minh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Tôi cho rằng dự án hợp tác trên là một chương trình đào tạo bài bản, thiết thực và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng tầm nền công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi kỳ vọng các học viên và doanh nghiệp tham gia Dự án sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích cũng như những kỹ năng cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu".
Ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ: "Tại dự án lần này, các chuyên gia của Samsung Hàn Quốc trong lĩnh vực nhà máy thông minh sẽ tham gia hướng dẫn trực tiếp tại nhà máy của các doanh nghiệp tham gia, nên tôi hy vọng rằng sự hỗ trợ này sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực lên một tầm cao mới".
Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh là chương trình mới nhất nằm trong chuỗi các hoạt động tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam và đào tạo chuyên gia Việt Nam nhằm nhân rộng hiệu quả, củng cố sức mạnh tổng hợp và tiếp tục tăng cường các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công thương phối hợp với Samsung triển khai.
Từ năm 2015, Bộ Công thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn 2018-2021, Bộ Công thương và Samsung đã đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực khuôn mẫu trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công thương và Samsung tiếp tục triển khai dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu trong giai đoạn 2020 – 2023.