MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khánh Hòa: Chủ đầu tư hai dự án thủy điện nhỏ và vừa xin điều chỉnh quy hoạch

Khánh Hòa: Chủ đầu tư hai dự án thủy điện nhỏ và vừa xin điều chỉnh quy hoạch

UBND tỉnh Khánh Hòa đã đưa 4 dự án ra khỏi quy hoạch với lý do hiệu quả kinh tế thấp, diện tích rừng bị ảnh hưởng nhiều, chậm triển khai và chưa có nhà đầu tư đăng ký.

Tuy nhiên, cũng có 02 dự án đang xin điều chỉnh quy hoạch cũng đang nhận được sự quan tâm của dư luận...

Đưa 4 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mới đây đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác dự án, công trình thủy điện.

Theo đó, Bộ này đề nghị các tỉnh, thành phố tạm dừng đối với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng; Chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá đảm bảo không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường và không ảnh hưởng lớn đến dân cư, không chiếm dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng đã ra thông báo sẽ không phát triển thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Được biết, tại tỉnh Khánh Hòa có 8 dự án thủy điện vừa và nhỏ được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, gồm: Ea Krong Rou, Sông Giang 2, Sông Giang 1, Sông Chò 2, Sông Cái, Hoa Sơn, Sông Trang, Khánh Thượng với tổng công suất hơn 110 MW.

Trong số này, có 3 dự án đang phát điện với công suất khoảng 30MW/nhà máy, gồm: Nhà máy thủy điện Ea Krong Rou, Nhà máy thủy điện sông Giang, Nhà máy thủy điện Sông Chò 2 tại huyện Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa. Ngoài ra, Nhà máy thủy điện Sông Giang 1, công suất 12MW cũng đang được đầu tư tại huyện Khánh Vĩnh.

Ngoài ra, sau khi rà soát, tỉnh Khánh Hòa cũng đã thu hồi thỏa thuận đầu tư, đưa 4 dự án (gồm: Sông Trang công suất 5 W, Khánh Thượng công suất 18 MW, Sông Cái công suất 2 MW, Hoa Sơn công suất 4W.), còn lại ra khỏi quy hoạch với lý do hiệu quả kinh tế thấp, diện tích rừng bị ảnh hưởng nhiều, chậm triển khai và chưa có nhà đầu tư đăng ký.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh không phát triển thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn: "Với những thủy điện vừa và nhỏ trước đây đã phê duyệt, đã triển khai xây dựng thì chúng tôi yêu cầu tuyệt đối không mở rộng, giữ ở mức trước đây đã phê duyệt đầu tư, đảm bảo cho vùng hạ du. Đồng thời nên sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện khí hóa lỏng... để đảm bảo môi trường thực sự trong lành, an toàn cho người".

Hai dự án xin điều chỉnh quy hoạch

Cũng tại Khánh Hòa, thông tin về việc chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2 xin điều chỉnh quy hoạch cũng đang nhận được sự quan tâm của dư luận...

Theo đó, dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2 là hai bậc thang thủy điện trên sông Giang thuộc Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2005, đồng thời cụm Dự án cũng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo thẩm quyền, do Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang làm chủ đầu tư.

Cụ thể, dự án thủy điện Sông Giang 1 được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 19/5/2011 và thay đổi lần thứ nhất ngày 29/6/2015 với quy mô công suất 12 MW. Hiện nay, dự án này đang thi công xây dựng.

Đối với dự án thủy điện Sông Giang 2, đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 25/01/2010 và thay đổi lần thứ sáu ngày 28/10/2013 với quy mô công suất 37 MW. Dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành ổn định từ tháng 12/2014.

Tuy nhiên vừa qua, Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang (chủ đầu tư dự án) đã có tờ trình gửi Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh quy hoạch Dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2.

Để có cơ sở xem xét, thẩm định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, Bộ Công Thương đã có Văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu Hồ sơ quy hoạch và có ý kiến đối với đề nghị của Chủ đầu tư dự án. Trong đó, Bộ Công Thương đã đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức rà soát kiểm tra kỹ các vấn đề liên qua đến cụm dự án này.

Được biết, hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa có văn bản trả lời và Bộ Công Thương cũng chưa tổ chức thẩm định hồ sơ quy hoạch đối với các dự án này. Giải quyết những đề nghị của chủ đầu tư là điều mà không chỉ Bộ Công Thương mà các bộ, ngành địa phương cùng phải thực hiện; bởi đó là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước. Trên tất cả, những giải quyết đó đều phải tuân thủ quy định và pháp luật.

Theo Thục Uyên

Diền đàn doanh nghiệp

Trở lên trên