Khánh Hòa có 111 dự án chậm tiến độ
Một góc TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Quốc Toàn
Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 111 dự án có nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách bị chậm tiến độ hoặc không triển khai.
- 10-12-2022Người giàu ở Việt Nam và châu Á đang dành tiền cho mục đích gì và có xu hướng đầu tư vào những loại tài sản gì?
- 09-12-2022Công nghiệp xanh của Việt Nam 'hút' hàng trăm tỷ USD từ EU
Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong năm 2022, các dự án có nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn triển khai chậm tiến độ hoặc không triển khai từ 2 đến 10 năm là 111 dự án (trong đó TP. Nha Trang có 40 dự án).
Đối với các dự án chậm tiến độ trên, Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa chia thành 3 nhóm. Nhóm dự án chậm tiến độ, kiến nghị thu hồi có 12 dự án (trong đó có 7 dự án thuộc địa bàn TP. Nha Trang). Nhóm dự án có vướng mắc liên quan đến quy hoạch, mật độ xây dựng, thủ tục đầu tư, xây dựng có 28 dự án (15 dự án tại TP. Nha Trang).
Nhóm dự án tiếp tục rà soát, kiểm tra về quy hoạch, tình hình triển khai dự án; nguyên nhân chậm tiến độ; lỗi vi phạm của nhà đầu tư; xử lý vi phạm hành chính, về đất đai; quyết định ngừng hoạt động của dự án; chấm dứt hoạt động của dự án; thẩm định năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà đầu tư có 71 dự án (có 20 dự án thuộc địa bàn TP. Nha Trang).
Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho hay, đối với nhóm dự án chậm tiến độ, kiến nghị thu hồi (12 dự án), Sở đã yêu cầu nhà đầu tư báo cáo tình hình thực hiện dự án; đồng thời, đã tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm 8 dự án do chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, Sở này cũng đã lấy ý kiến của các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án 3 dự án theo Luật Đầu tư 2020 và 4 dự án sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư sau khi có quyết định thu hồi đất.
Về khó khăn trong việc áp dụng quy định của pháp luật về đầu tư để thực hiện xử lý đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ, thu hồi dự án đầu tư, Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho hay, theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020, để đủ điều kiện chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án chậm tiến độ phải thực hiện một số thủ tục như kiểm tra, lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt, tạm ngừng hoạt động dự án để khắc phục vi phạm...
Sau thời gian tạm ngừng hoạt động, nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động, Sở KH&ĐT sẽ mời nhà đầu tư đến đối thoại, lập biên bản làm việc, sau đó báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến chủ trương về việc chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án.
"Như vậy, để đảm bảo việc chấm dứt hoạt động dự án đúng theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và tránh các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư, cần một khoảng thời gian nhất định để thực hiện đầy đủ thủ tục chấm dứt hoạt động dự án do chậm tiến độ. Điều này khác với Luật Đầu tư năm 2014 sẽ ban hành quyết định chấm dứt hoạt động dự án ngay khi xác định dự án chậm tiến độ", Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho hay.
Nhà đầu tư