MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khánh Hòa: "Đất vàng" bỏ không hàng chục năm

26-08-2021 - 08:01 AM | Bất động sản

Tỉnh Khánh Hòa tìm cách xử lý hàng chục khu "đất vàng" ở các vị trí đắc địa bỏ không, lãng phí tài nguyên.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa rà soát lại danh sách, hồ sơ đất đai đối với các thửa đất để tổ chức đấu giá hoặc quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Vướng nhiều thủ tục

Tại TP Nha Trang hiện còn nhiều khu đất do nhà nước quản lý nằm ở vị trí đắc địa lại đang bỏ không. Điển hình là khu đất kho cảng Bình Tân rộng khoảng 6,1 ha, nằm ở vị trí 4 mặt tiền đường Phước Long, Nguyễn Lộ Trạch, Hoàng Sa, Trường Sa. Do khu đất nằm gần biển nên được nhiều nhà đầu tư quan tâm để thực hiện dự án. Tuy nhiên, nơi này vẫn là bãi đất trống, đầy rác thải nhếch nhác.

Cách đó không xa, khu đất của đại dự án lấn biển là Công viên vui chơi giải trí Nha Trang Sao nằm ngay mặt tiền đường biển Phạm Văn Đồng với diện tích hơn 10 ha. Sau khi UBND tỉnh thu hồi giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý, nơi đây hiện là bãi đất trống, nhiều người lén lút đổ xà bần, rác thải.

Một khu đất tốn không biết bao nhiêu giấy mực cũng "án binh bất động" là khu đất đường biển số 48-48A Trần Phú rộng hơn 3.642 m2, nằm ngay Quảng trường Hai Tháng Tư, được ví là đất "kim cương" TP Nha Trang. 18 năm nay, số phận của khu đất này vẫn chưa được quyết định.

Ngay cả trụ sở Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa nằm ở số 70 Trần Phú với diện tích khoảng 8.000 m2 cũng đang bỏ trống. Sau khi UBND tỉnh ký hợp đồng BT xây dựng trụ sở mới ở phường Phước Long thì trụ sở này bỏ không. Khu đất của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và nhiều trụ sở làm việc của một số cơ quan trung ương đã di dời như Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế cũng cùng chung số phận.

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa được giao quản lý 29 khu đất, chủ yếu ở TP Nha Trang và TP Cam Ranh. Để tránh lãng phí, trung tâm đã lập phương án và trình Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa thẩm định các khu đất do trung tâm đang quản lý gồm: số 170 Lê Hồng Phong, số 7 Trường Sơn, số 10 Trường Sơn, số 1A Phước Long, số 9 Trường Sơn để làm bãi giữ xe. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng các khu đất này không cao do nhu cầu bến bãi tại thời điểm này gần như không có. Bên cạnh đó, 7 khu đất đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 nhưng vẫn chưa hoàn thiện vì gặp nhiều vướng mắc.

Ông Nguyễn Tiến Lưu, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa, cho biết việc đấu giá nhiều khu đất hiện gặp khó khăn vì vướng các thủ tục. Như khu đất 48-48A Trần Phú, khi thu hồi đất và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, UBND tỉnh đã đưa ra tiêu chí phải hoàn trả hơn 236,6 tỉ đồng cho nhà đầu tư cũ. Tuy nhiên, qua rà soát, UBND tỉnh nhận thấy việc đưa ra tiêu chí này không phù hợp với quy định tại Luật Đất đai. Ngoài ra, nhiều lô đất khác phải đợi các thủ tục thẩm định giá, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu TP Nha Trang được phê duyệt mới có thể hoàn thiện thủ tục.

Khánh Hòa: Đất vàng bỏ không hàng chục năm - Ảnh 1.

Khu đất kho cảng Bình Tân với 4 mặt tiền rộng khoảng 6,1 ha ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đang để trống

Không thể cho thuê ngắn hạn

Từ năm 2017 trở về trước, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa đều khai thác cho thuê các khu đất này. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm toán yêu cầu trung tâm phải xây dựng kế hoạch khai thác được UBND tỉnh duyệt nên đã dừng việc cho thuê.

Trong các phương án đưa ra trình UBND tỉnh Khánh Hòa hiện nay, trung tâm đề nghị cho thuê lại các khu đất với thời gian thuê tối đa không quá 6 tháng, nếu người thuê còn nhu cầu thuê thì sẽ tiếp tục thực hiện ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thuê 6 tháng (số lần gia hạn không quá 3 lần) và thực hiện thanh lý hợp đồng với người thuê khi cấp thẩm quyền bàn giao cho người sử dụng đất theo quy định mà không cần hỏi ý kiến người thuê.

Ông Lưu cho rằng nếu khai thác tốt việc cho thuê sẽ tiết kiệm chi phí hơn 1 tỉ đồng mỗi năm chi để xây dựng tường rào, quản lý, bảo vệ, tránh tình trạng lén đổ xà bần, rác thải, đồng thời thu về ngân sách nhà nước khoảng 6-7 tỉ đồng/năm từ tiền cho thuê.

Tuy nhiên, trong các cuộc họp về xử lý các khu đất trống này, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường (TN-MT), Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa cho rằng các quy định pháp luật về đất đai không quy định đối với các trường hợp "cho thuê mặt bằng nhàn rỗi" nên UBND tỉnh không thống nhất với đề xuất của trung tâm đưa ra.

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh đã có chủ trương sắp xếp, quản lý, sử dụng, đấu giá các khu đất để tránh tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, tỉnh đang báo cáo lãnh đạo trung ương, các bộ, ngành để cho ý kiến xử lý cụ thể từng trường hợp để đúng quy định.

Trước mắt, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản giao Sở TN-MT chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát lại danh sách, hồ sơ đất đai đối với các thửa đất được giao quản lý, trong đó xác định tổng thửa đất đơn vị đang quản lý, địa chỉ, loại đất của từng thửa đất này hoàn thành trước ngày 30-8.

Phân làm 2 loại để sử dụng đúng mục đích

Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa cho biết trên cơ sở rà soát các thửa đất sẽ phân làm 2 loại: Trường hợp bảo đảm đấu giá quyền sử dụng đất thì xác định loại đất để thực hiện đấu giá và cập nhật vào quy hoạch giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2021. Đối với các thửa đất chưa đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất thì đề xuất phương án sử dụng đất hiệu quả, trong đó cần xác định các thửa đất phải tiếp tục thực hiện theo quy hoạch được duyệt, các thửa đất cần điều chỉnh quy hoạch để đưa vào mục đích sử dụng đất.

Theo Kỳ Nam

Người lao động

Trở lên trên