MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khánh Hòa đề nghị Trung ương hỗ trợ 25.000 tấn gạo, 1.000 tỷ khắc phục bão lũ

07-11-2017 - 10:38 AM | Xã hội

Theo Ban chỉ đạo, một số cấp chính quyền địa phương và người dân chưa tập trung cao độ, chưa quyết liệt và thiếu kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn; Việc kiểm soát, tổ chức neo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở nhiều cơn bão đặc biệt là bão số 12 còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát với thực tế, nhất là phương án sơ tán, di dời dân ở những nơi không an toàn.

Tại cuộc họp ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 12 được tổ chức vào chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, bão số 12 được dự báo là cơn bão mạnh, cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4, nguy hiểm và khốc liệt hơn cơn bão số 10.

Còn theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai: Đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào khu vực.

Theo báo cáo, số người chết do bão 12 lên tới 46 người, số người mất tích vẫn còn 15 người. Về nhà ở, số nhà sập đổ 1.358 nhà, 114.866 nhà tốc mái, hư hỏng.

Về thiệt hại tàu thuyền, tại vùng biển Bình Định, xảy ra sự cố tàu vận tải nghiêm trọng với 10 tàu (101 thuyền viên) bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0, Cảng Quy Nhơn (riêng tàu Thanh Hải 18 hiện chưa xác định được số thuyền viên).

Hiện đã cứu vớt được 88 người, 8 người chết và 5 người mất tích.

Đến nay, đã có hơn 1.280 tàu cá bị chìm, hư hỏng. Khoảng 5.300 ha lúa, 14.850 ha rau màu bị ngập, thiệt hại...

Tại Khánh Hòa , ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, bão đổ bộ trực tiếp vào tỉnh, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, hư hỏng nhiều công sở, trường học, thông tin liên lạc bị mất, thiệt hại ước tính 7.000 tỷ đồng.

Bão khiến 27 người chết, 133 người bị thương; hơn 900 nhà bị đổ sập, …

Khánh Hòa kiến nghị Trung ương hỗ trợ 25.000 tấn gạo, chất khử trùng, hóa chất xử lý mầm bệnh. Tỉnh cũng đề nghị hỗ trợ 1.155 tỷ đồng kinh phí để khắc phục các hạ tầng trên địa bàn bị hư hỏng, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam bố trí thêm nhân lực vào khắc phục những nơi còn đang mất điện, đảm bảo cho nhân dân ổn định cuộc sống.

Ở Phú Yên: Lãnh đạo tỉnh cho biết, bão số 12 đã gây thiệt hại khá nặng nề, rất may mắn trên địa bàn tỉnh không ghi nhận trường hợp nào bị thiệt mạng.

Tuy nhiên, hệ thống điện một số nơi trên địa bàn vẫn còn đang gặp sự cố, dự kiến đến 8/11 sẽ khắc phục xong.

Tỉnh Phú Yên kiến nghị với Trung ương hỗ trợ 300 tấn gạo, 320 tỷ đồng để khắc phục các cơ sở hạ tầng bị hư hỏng do bão.

Tỉnh Bình Định: Đại diện tỉnh cho biết, bão số 12 đã làm 3 người chết, 3 người mất tích, 152 nhà sập, hơn 800 nhà hỏng; 3 cầu sập…

“Bão số 12 đã làm 8 tàu bị chìm, trong đó có 2 tàu nước ngoài. Sự cố tàu bị chìm là không ai lường trước được.

Vì cảng Quy Nhơn theo thiết kế chỉ có thể chứa được 30 tàu vào tránh trú, tuy nhiên, vừa qua đã có 104 tàu hàng và nhiều tàu công suất lớn, vãng lai vào tránh trú không xin phép.

Trong số 104 tàu thuyền, chúng tôi chỉ bố trí được 53 tàu, còn 51 tàu phải tránh trú ở phao số 0. Ngoài ra, thời điểm đó còn có 21 tàu khác tự vào tránh trú”, lãnh đạo tỉnh cho hay.

Đến chiều 6/11, lực lượng cứu hộ tỉnh Bình Định đã tìm thấy 10 thi thể thuyền viên mất tích nói trên, hiện vẫn còn 3 thuyền viên chưa tìm thấy.

Tới đây tỉnh sẽ tập trung giúp dân sửa chữa nhà cửa, bố trí nhà tạm cho dân.

Bình Định đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.000 tấn gạo, 150 tỷ đồng, hỗ trợ các chất khử trùng, hóa chất xử lý mầm bệnh và hỗ trợ cán bộ có kinh nghiệm đến tỉnh Bình Định xử lý sự cố tràn dầu trên biển.

Quảng Nam: Đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là đợt mưa lớn nhất từ trước tới nay ở Quảng Nam, hiện nay mực nước các sông đang ở báo động 3.

Quốc lộ 2 ngập nước sâu chưa đi lại được. Bão số 12 đã khiến 10 người chết, 10 người mất tích và 15 người bị thương.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện nay Bộ chưa nhận được đề xuất chính thức từ các địa phương.

Tuy nhiên, theo đề xuất của Khánh Hòa về 25.000 tấn gạo là quá lớn. Đại diện Bộ Tài chính cũng yêu cầu các địa phương rà soát, báo cáo lại để có phương án hỗ trợ.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định trước mắt giải quyết một lượng gạo cần thiết cho các địa phương bị thiệt hại nặng ít nhất 500 tấn, các địa phương thiệt hại nhẹ từ 100- 200 tấn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Tài Chính sớm trình phương án hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng, tổng ngân sách hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ hỗ trợ cho các tỉnh bị thiệt thại nặng như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế…

Còn Bộ Y tế phải giải quyết nhanh vấn đề cấp thuốc xử lý khử trùng dịch bệnh cho bà con, không để xảy ra dịch bệnh mới có thuốc.

Theo Diệu Thùy

Infornet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên