Khánh Hòa gỡ khó cho nhà đầu tư
Nhiều nhà đầu tư bị "chôn vốn" ở Khánh Hòa sau khi nhiều cơ quan trung ương vào thanh tra, kiểm tra, dự án bị đình trệ, mong muốn chính quyền sớm tháo gỡ khó khăn để tiếp tục đầu tư, phát triển.
- 30-12-2021Đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2021 giảm 1,6 lần do một dự án của PVN
- 30-12-2021Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2021 đạt gần 2.900 nghìn tỷ đồng, tăng mức thấp nhất nhiều năm
- 29-12-2021CPI năm 2021 tăng 1,84%, lạm phát tăng 0,81%
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân vừa chủ trì hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) tỉnh nhằm nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn cho DN đang đầu tư ở địa phương.
Chi hơn 1.000 tỉ đồng mà chưa được hoàn vốn
Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết DN này đang gặp khó với 2 dự án BT (xây dựng - chuyển giao) với UBND tỉnh Khánh Hòa vào năm 2017 tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Cụ thể, DN đã triển khai và được hoàn thành nghiệm thu hệ thống thoát nước mưa, đưa vào hoạt động từ tháng 11-2019; nghiệm thu đưa vào hoạt động tuyến đường nhánh tháng 3-2021. Để hoàn thành 2 dự án này, Tập đoàn Hưng Thịnh đã chi hơn 1.000 tỉ đồng nhưng chưa được giao quỹ đất hoàn vốn.
Theo ông Dũng, 2 dự án nói trên đã được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện và đưa ra kết luận phù hợp quy định pháp luật. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã có văn bản cho ý kiến đủ điều kiện thanh toán quỹ đất hoàn vốn cho 2 dự án. "Đề nghị tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ việc thanh toán quỹ đất cho Tập đoàn Hưng Thịnh vì hiện nay DN đang phải gánh chi phí tài chính trong suốt quá trình chờ đợi này" - ông Dũng nói.
Việc dừng triển khai các dự án có "đất ở không hình thành đơn vị ở" xây dựng condotel để chuyển sang đất thương mại - dịch vụ đã ảnh hưởng đến nhiều DN và các nhà đầu tư thứ cấp. Lý do thời gian sử dụng đất các DN đã đóng tiền theo dạng không có thời hạn nhưng nay chỉ còn 30-35 năm. Theo Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa, hiện địa phương có hơn 30.000 condotel - gồm TP Nha Trang có hơn 20 dự án condotel với khoảng 20.000 căn và khu bán đảo Cam Ranh có 22 dự án với khoảng 10.000 căn - liên quan đến "đất ở không hình thành đơn vị ở". Để giải quyết khó khăn cho những dự án bất động sản du lịch, các DN đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa mạnh dạn triển khai cấp chủ quyền căn hộ condotel theo đúng quy định pháp luật cho những nhà đầu tư thứ cấp.
Nhiều nhà đầu tư đề nghị tỉnh Khánh Hòa tạo điều kiện thuận lợi trong các thủ tục hành chính để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.
TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với nhiều dự án vướng mắc về “đất ở không hình thành đơn vị ở”
Tháo gỡ khó khăn
Ông Vũ Chí Hiếu - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa - cho biết đối với các dự án có "đất ở không hình thành đơn vị ở" phải điều chỉnh lại thời gian hoạt động sở sẽ tiếp tục có văn bản tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết các vấn đề trên. Đồng thời, sẽ kiến nghị, tham mưu UBND tỉnh về quy hoạch sử dụng đất đối với quy hoạch đang thực hiện để thu hút đầu tư các lĩnh vực mới.
Hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như: chính sách miễn - giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; gia hạn thời hạn nộp các loại thuế trong năm 2021 là 670,7 tỉ đồng; giảm thuế thu nhập cá nhân năm 2021 khoảng 107,3 tỉ đồng; giảm tiền thuê đất năm 2021 ước là 72 tỉ đồng...
Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết tỉnh sẵn sàng đồng hành với DN để vượt qua khó khăn trước mắt. Theo ông Tuân, các vướng mắc về đất đai mà DN kiến nghị nguyên nhân là do thời gian qua tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, vướng mắc về thẩm định giá đất... Tỉnh tiếp thu các kiến nghị của DN và sẽ có văn bản trả lời hoặc có hướng chỉ đạo xử lý. "Tôi đề nghị các sở - ngành tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các DN để có báo cáo tham mưu cho tỉnh để có hướng giải quyết. Trách nhiệm của tỉnh là sẽ báo cáo Thủ tướng và các bộ - ngành để có hướng giải quyết cho DN" - ông Tuân yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, thời gian tới, đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ vào làm việc với tỉnh, đề nghị các DN đang có những dự án bị vướng do thanh tra, chưa thể triển khai nên gặp trực tiếp đoàn kiểm tra để đề đạt ý kiến, nguyện vọng. Sau đó, căn cứ trên kết luận của đoàn thanh tra, UBND tỉnh sẽ nhanh chóng giải quyết.
Tụt giảm nhiều chỉ số
Năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Khánh Hòa ước giảm 6,5% so với năm 2020; dự kiến kết quả thực hiện cả năm 2021, thu ngân sách ước đạt 12.620 tỉ đồng, bằng 91,7% dự toán, bằng 91,3% so với năm 2020; chi cân đối ngân sách ước đạt gần 12.908 tỉ đồng, bằng 117,7% dự toán. Năm 2021, Khánh Hòa chỉ thu hút được 19 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký hơn 3.272 tỉ đồng (năm 2020 có 22 dự án với tổng vốn đầu tư 7.516,7 tỉ đồng). Tổng thu nội địa nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tính đến ngày 30-11, chỉ đạt 10.785 tỉ đồng, đạt 93,7% dự toán Bộ Tài chính giao.
Người lao động