MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khánh Hoà: Phát huy vị thế dẫn đầu tăng trưởng vùng Bắc Trung Bộ, tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, trong năm 2024, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Khánh Hoà: Phát huy vị thế dẫn đầu tăng trưởng vùng Bắc Trung Bộ, tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh- Ảnh 1.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân

Người dân và doanh nghiệp chung sức, đồng lòng

Trong năm 2023, với mức tăng GRDP 10,35%, tỉnh Khánh Hoà đứng thứ 4 cả nước và dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ trong những ngày đầu năm mới 2024, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, những thành tựu này của tỉnh Khánh Hoà là nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực, chung sức và đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà, tỉnh luôn bám sát thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội của Trung ương đề ra. Tỉnh cũng đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, lệ phí, tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất…

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong năm 2023, tỉnh Khánh Hòa đã đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công, ra mắt Cổng thông tin Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hoà, ban hành Quy chế phối hợp trao đổi cung cấp thông tin và giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Các dự án đầu tư trọng điểm cũng đã được tỉnh triển khai xây dựng trong thời gian qua và hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đây là những dự án có đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh Khánh Hòa trong năm 2023 như: Các tuyến đường cao tốc, nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong…

"Việc tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành các dự án trọng điểm, liên kết vùng có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng nhấn mạnh, những kết quả mà tỉnh đạt được không chỉ nhờ vào sự quyết tâm, nỗ lực của địa phương mà còn có sự quan tâm chỉ đạo, điều hành từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng và Quốc hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tích cực đổi mới, sáng tạo, năng động, quyết liệt trong quản lý, điều hành. Lãnh đạo Chính phủ và các thành viên Chính phủ luôn phát huy vai trò, trí tuệ của tập thể gắn với việc đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Chính phủ, nắm chắc tình hình, chỉ đạo xử lý kịp thời, nhạy bén những vấn đề phát sinh.

Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, dành nhiều thời gian, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, đặt nhiệm vụ trọng tâm vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh.

Chính phủ đã chỉ đạo thành lập các Tổ công tác của Thành viên Chính phủ trực tiếp làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thành lập 5 Tổ công tác để thúc đẩy, kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến cao tốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mỏ đất, cát, vật liệu xây dựng;… qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển, hỗ trợ tăng trưởng.

"Chính các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao và hiệu quả nêu trên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để khơi thông nguồn lực, duy trì sự tăng trưởng trong điều kiện nền kinh tế thế giới với nhiều bất ổn", ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định.

2 quy hoạch quan trọng thu hút các nguồn lực đầu tư

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà khẳng định, tỉnh luôn bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhất là đối với những vấn đề lớn, khó, phức tạp.

Cũng trong năm 2023, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành công tác lập quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 quy hoạch là quy hoạch tỉnh Khánh Hoà thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là 2 quy hoạch quan trọng làm cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy định thuộc thẩm quyền. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa và Trung ương đã ban hành đầy đủ các quy định để triển khai Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, có một số nội dung quan trọng như: Thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch phân khu tại Khu kinh tế Vân Phong làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư chiến lược; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hoà…

Khánh Hoà: Phát huy vị thế dẫn đầu tăng trưởng vùng Bắc Trung Bộ, tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh- Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến Lễ trao thỏa thuận hợp tác xây dựng tại khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hoà) với Tập đoàn Taisei

Các quy hoạch quan trọng năm 2024

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.

Đó là tổ chức triển khai hiệu quả các quy hoạch quan trọng của tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề cương nhiệm vụ tổng thể xây dựng Khánh Hoà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng thời, triển khai thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2035, bảo đảm mục tiêu, lộ trình theo quy định của Trung ương và phù hợp với mục tiêu phát triển của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược để tận dụng tối đa cơ chế, chính sách theo hoá Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Tích cực mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch.

Tập trung xử lý dứt điểm các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025; tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các tuyến đường cao tốc, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các dự án đầu tư Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, trong năm 2024, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Theo Hiền Minh

Báo Chính phủ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên