Khao khát tiêu tiền để “chữa lành” của người Mỹ đẩy FED vào thế khó trong cuộc chiến chống lạm phát và hạ lãi suất
Người tiêu dùng tại nền kinh tế hàng đầu thế giới phàn nàn rằng mọi thứ đang trở nên quá đắt đỏ, nhưng họ vẫn tiếp tục tiêu rất nhiều tiền. Thậm chí, họ cho rằng mình chỉ sống một lần nên không ngại chi tiêu để “chữa lành”.
Nhiều người từng nhìn chằm chằm vào giá vé máy bay, một chiếc áo mới hoặc một món ăn và phàn nàn: “Tại sao lại đắt đến vậy?”. Nhưng rồi sau đó họ vẫn mua chúng.
Nền kinh tế trên những con số vẫn tốt, nhưng trong thế giới thực nhiều người cảm thấy như đang bị mắc kẹt. Lạm phát đang khiến nhiều thứ trở nên đắt đỏ đến kinh ngạc, xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang tiếp tục dốc ví để chi tiêu. Doanh số bán lẻ tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, đạt 709,6 tỷ USD và cao hơn ước tính. Các con số của tháng 2 cũng được điều chỉnh tăng. Người tiêu dùng đã chứng minh họ là động lực của nền kinh tế.
Nhà kinh tế Lydia Boussour tại EY cho biết: “Người tiêu dùng không hài lòng về lạm phát, nhưng dữ liệu cho chúng ta thấy rằng ngay cả khi họ cảm thấy không ổn, họ vẫn tiếp tục chi tiêu”.
Điều đó đặt ra câu hỏi: Tại sao mọi người lại sẵn sàng chi tiêu để vượt qua áp lực về giá? Theo các chuyên gia, việc chi tiêu “trả thù” gia tăng là do nhiều yếu tố. Một phần, nhiều người vẫn đủ ổn định về tài chính để mở hầu bao. Ở góc độ tài chính, nhiều người hiểu rằng giá sẽ không quay trở lại mức của năm 2019 và chấp nhận điều đó.
Ở cấp độ kinh tế vĩ mô, tài chính của người dân đang ở trạng thái tốt, nên họ có thể xoay xở trước các chi phí gia tăng. Thị trường lao động rất mạnh và tăng trưởng tiền lương đã vượt xa lạm phát trong nhiều tháng. Từ năm 2019 đến năm 2022, tài sản trung bình của hộ gia đình sau khi điều chỉnh theo lạm phát đã tăng 37%.
Nhưng một vết nứt đã bắt đầu xuất hiện. Tiền tiết kiệm của người dân đã giảm, đồng thời các khoản nợ quá hạn về thẻ tín dụng và các khoản vay mua ô tô đang gia tăng. Đặc biệt, các hộ gia đình có thu nhập thấp có nhiều khả năng gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhìn chung thì người Mỹ vẫn đang trong trạng thái tốt.
Ngoài vấn đề tài chính, còn rất nhiều yếu tố tinh thần và cảm xúc tác động đến việc người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu khi giá cả tăng. Claire Tassin, nhà phân tích bán lẻ và thương mại điện tử tại Morning Consult cho biết: “Phần lớn mọi người đã chấp nhận rằng giá cả trên thị trường hiện nay là giá nguyên trạng. Chúng ta đã thích nghi với mức giá tăng cao này”.
Ngoài ra, nhiều người đang vung tiền với quan điểm YOLO (có nghĩa là bạn chỉ sống một lần). Họ chi tiền vé xem buổi biểu diễn của Taylor Swift và đặt vé đi du lịch châu Âu. Họ cảm thấy rằng bản thân xứng đáng được thưởng và cần được “chữa lành” sau đại dịch Covid-19.
Nhu cầu gia tăng cũng xuất phát từ hành vi tiêu dùng phô trương, tức mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ để thể hiện đẳng cấp. Một số người tiêu dùng thu nhập cao chuyển từ những thương hiệu rẻ tiền sang đắt tiền hơn và trở nên ít nhạy cảm về giá cả.
Giáo sư Ravi Dhar cho biết có sự khác biệt đang diễn ra giữa hoàn cảnh của mọi người hiện tại và cách họ cảm nhận về tương lai. Họ xem tin tức thấy tin sa thải hoặc xung đột toàn cầu thì sẽ cảm thấy lo lắng về nền kinh tế. Nhưng khi nói đến chi tiêu, họ vẫn có việc làm và thậm chí còn được tăng lương nên việc mua sắm không còn là vấn đề.
Giáo sư cho biết: “Họ có cảm giác lo lắng về tương lai không biết thay đổi ra sao, trong khi chi tiêu lại được quyết định bởi tình hình hiện tại. Những dự đoán của họ trở nên bi quan hơn, nhưng hành vi của họ thì không”.
Tham khảo BI
Nhịp sống Thị trường