Khảo sát 'siêu dự án' bơm tiêu nghìn tỷ Yên Nghĩa
Sáng 25/8, các đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội đã tiến hành khảo sát thực địa tại Trạm bơm Cự Khối (phường Cự Khối),Trạm xử lý nước thải khu đô thị Việt Hưng (phường Việt Hưng, quận Long Biên) và dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông).
- 25-08-20224 tỷ USD vốn FDI từ Hàn Quốc 'chờ' đầu tư vào Hải Phòng
- 25-08-2022Phó Chủ tịch JETRO khẳng định niềm tin lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản với Việt Nam
- 24-08-2022Giải mã chuyện một tỉnh miền núi bất ngờ tăng 41 bậc trong bảng xếp hạng đắt đỏ
Sáng 25/8, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức 2 Đoàn giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn quận Long Biên và Hà Đông.
Đoàn giám sát tại địa bàn quận Long Biên do Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn dẫn đầu, đã khảo sát thực địa tại Trạm bơm Cự Khối (phường Cự Khối),Trạm xử lý nước thải khu đô thị Việt Hưng (phường Việt Hưng, quận Long Biên).
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khảo sát thực địa tại buổi giám sát. Ảnh: PV
Đoàn giám sát ở địa bàn quận Hà Đông do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà dẫn đầu, khảo sát thực địa dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông).
Tại quận Long Biên, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Mạnh Hà cho biết, năm 2021, quận đã tiến hành kiểm tra 110 cơ sở về nước thải công nghiệp, xử phạt 7 cơ sở vi phạm với số tiền 376 triệu đồng và đình chỉ hoạt động trong vòng 6 tháng với 5 cơ sở.
Trong 6 tháng năm 2022, UBND quận thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với 18 cơ sở có xả nước thải ra hệ thống sông Cầu Bây, từ đó ban hành quyết định xử phạt 3 đơn vị có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường với tổng số tiền phạt 18,6 triệu đồng.
Theo lãnh đạo quận, để có thể giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nước sông Cầu Bây và các điểm tiếp nhận từ các nguồn thải sinh hoạt trong khu dân cư, rất cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 3 dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn quận, gồm: Dự án Nhà máy xử lý nước thải Phúc Đồng, phường Phúc Đồng (công suất 31.500m3/ng-đ); Nhà máy xử lý nước thải An Lạc, phường Cự Khối, Phúc Đồng (29.600m3/ng-đ); Nhà máy xử lý nước thải Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy (22.000m3/ng-đ).
Kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu quận cần quan tâm đặc biệt, gắn môi trường chặt chẽ với phát triển kinh tế-xã hội với những cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của quận. Đồng thời gợi ý quận xây dựng đề án tổng thể về lĩnh vực xử lý nước thải, đưa ra những giải pháp căn cơ để khắc phục tồn tại, từ đó mới tạo chuyển biến trong lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực thoát nước, quận rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ thành phố đã giao, tập trung triển khai dứt điểm và phải quyết liệt triển khai xây dựng các trạm xử lý nước thải, thoát nước đã có kế hoạch, quy hoạch. Sở Xây dựng, Ban Đô thị HĐND thành phố theo dõi, tổng hợp toàn bộ các kết quả thực hiện của quận, tham mưu thành phố có chỉ đạo kịp thời.
Tại quận Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND quận Bùi Xuân Hà cho biết, hệ thống thoát nước trên địa bàn quận chưa được đầu tư đồng bộ theo tốc độ đô thị hóa; hệ thống thoát nước chưa được đầu tư tách biệt giữa hệ thống thoát nước mưa và nước thải.
Quận đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố ( Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa ) với tổng diện tích là 51,6ha, trong đó diện tích phải giải phóng mặt bằng 30,73ha gồm 2 giai đoạn thuộc địa bàn 6 phường, liên quan đến 652 tổ chức, hộ gia đình nằm dọc 2 bên bờ kênh La Khê.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà khảo sát thực địa tại dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa. Ảnh: PV
UBND quận cũng đang thực hiện 30 dự án có liên quan đến cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, cải tạo ao làng, giếng đình, bổ sung, xây mới hệ thống rãnh thoát trong các công viên cây xanh thuộc thẩm quyền quản lý của UBND quận.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đề nghị quận Hà Đông cần nghiên cứu, đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt những khu vực có cụm công nghiệp và làng nghề; chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án, công trình thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn, đặc biệt giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố.
Bà Hà đề nghị các sở ngành của thành phố tổng hợp rà soát hệ thống thoát nước thải của quận Hà Đông, vì đây là quận có tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều khu đô thị mới phát triển; qua đó đoàn có bức tranh tổng thể về nước thải đô thị, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc còn tồn tại, bất cập trong công tác quản lý về nhà nước lĩnh vực này trên địa bàn quận.
Tiền Phong