Khảo sát toàn cầu về COVID-19: Trung Quốc thắng Mỹ 1-0, "trò chơi đổ lỗi" của Mỹ đã thất bại?
Kết quả của một cuộc khảo sát mới được công bố cho thấy đa số những người được hỏi tin rằng Trung Quốc đã phản ứng tốt trước đại dịch COVID-19, theo Reuters.
- 15-06-2020Vì sao Trung Quốc chưa đáp trả động thái mới nhất của Mỹ nhắm vào Huawei
- 15-06-2020Trung Quốc phục hồi không như kỳ vọng trong tháng 5
- 15-06-2020Trung Quốc kêu gọi ngăn chặn virus lây lan tại Bắc Kinh
Kết quả khảo sát vừa được Quỹ Liên minh Dân chủ (Alliance of Democracies Foundation - thuộc công ty Dalia Research của Đức) công bố hôm thứ 2 (15/6) vừa qua cho thấy nhiều người trên thế giới tin rằng Trung Quốc đã phản ứng tốt hơn Mỹ trước sự tấn công của đại dịch COVID-19 , hãng thông tấn Reuters đưa tin.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu của Quỹ Liên minh Dân chủ đã tiến hành thăm dò ý kiến của hơn 120.000 người đến từ quốc gia trên thế giới, và kết quả thu được cho thấy có hơn 60% số người được hỏi đánh giá Trung Quốc đã phản ứng tốt trước đại dịch. Trong khi đó, chỉ có khoảng hơn 30% số người tham gia khảo sát tin rằng cách phản ứng của Mỹ có hiệu quả.
Khi thu hẹp phạm vi về các đối tượng tham gia khảo sát ở Mỹ, kết quả cho thấy chỉ có hơn 50% số người Mỹ được hỏi tin rằng chính phủ của họ đã phản ứng tốt trước dịch bệnh.
Khảo sát này cũng thu được kết quả rằng phần lớn người tham gia khảo sát đến từ các nước Hy Lạp, Ireland, Hàn Quốc, Australia, Đan Mạch và đảo Đài Loan tin rằng chính quyền của họ đã xử lý tốt đại dịch COVID-19. Trong khi đó, những người đến từ Brazil, Pháp, Mỹ, Italy và Anh lại có câu trả lời ngược lại.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm tại Bắc Kinh hôm 15/6. Ảnh: Reuters
"Trò chơi đổ lỗi" của Mỹ đã thất bại?
Trong một bài xã luận được đăng tải trên trang CGTN của Trung Quốc, ông Tom Fowdy, một nhà phân tích chính trị và quan hệ quốc tế người Anh, đã bình luận rằng kết quả khảo sát trên dường như đã chứng minh rằng "trò chơi đổ lỗi" của Mỹ đối với Trung Quốc đã "thất bại".
Cụ thể, ông Fowdy cho rằng kết quả khảo sát đã phản ánh đúng thực tế: Mặc dù Trung Quốc đang phải đối mặt với ổ dịch mới và nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 ở thủ đô Bắc Kinh, nhưng số ca nhiễm và tử vong do dịch bệnh tại Mỹ (hơn 2,1 triệu ca nhiễm và hơn 11,4 ngàn ca tử vong) vẫn quá "áp đảo".
Hơn nữa, trong những tuần gần đây, khi Mỹ bắt đầu tái mở cửa, số ca nhiễm COVID-19 tại các tiểu bang miền Nam cũng có xu hướng tăng mạnh trở lại.
Trước khi kết quả khảo sát này được công bố, Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo và các quan chức trong chính quyền Mỹ đã nhiều lần đổ lỗi cho Bắc Kinh vì tình hình dịch bệnh ở Mỹ và cáo buộc Trung Quốc đã "che giấu" dịch bệnh trong giai đoạn đầu và không có sự chuẩn bị hay áp dụng các biện pháp phù hợp, khiến virus lây lan khắp thế giới.
Trái lại, theo nhà phân tích Fowdy, nhiều người trên thế giới vẫn không bị những lời cáo buộc của phía Mỹ thuyết phục. "Điều này chứng tỏ rằng việc biến một quốc gia khác thành người xấu không thể giúp [Mỹ] lấy lại được lòng tin đã mất".
Ông Fowdy cho biết, mặc dù truyền thông phương Tây hầu như đều đưa tin một chiều về tình hình dịch bệnh và cách phản ứng của Trung Quốc, nhưng nhiều người đã công nhận rằng các biện pháp mà quốc gia này áp dụng đều rất nghiêm ngặt, như việc phong tỏa nhiều thành phố, tạm đóng cửa các công ty, cơ sở kinh doanh không thiết yếu, yêu cầu người dân ở nhà, kiểm dịch trên diện rộng và hạn chế di chuyển.
Cùng với những biện pháp trên là việc triển khai xét nghiệm trên diện rộng, ví dụ như 11 triệu dân tại Vũ Hán đã trải nghiệm điều này. Mặc dù truyền thông phương Tây nhiều lần "gièm pha" cách phản ứng của Trung Quốc, nhưng cuối cùng nhiều quốc gia phương Tây cũng đã phải học theo kinh nghiệm chống dịch của Bắc Kinh.
Trái lại, nhiều người cũng đã công nhận rằng cách phản ứng của Mỹ trước dịch bệnh "thiếu tổ chức" và "mâu thuẫn", theo ông Fowdy.
Để chứng minh cho lập luận của mình, nhà phân tích này cho biết vào thời điểm dịch bệnh mới bùng phát, ông Trump đã "phớt lờ các cảnh báo sớm, cho rằng virus là tin vịt, không tổ chức xét nghiệm sớm, ưu tiên kinh tế hơn việc phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh, cùng những xung đột giữa ông Trump và các quan chức y tế, thống đốc tiểu bang... và thậm chí là cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Hơn nữa, "trò chơi đổ lỗi" cho Trung Quốc của ông Trump không có tầm ảnh hưởng lớn bằng truyền thông, nhà phân tích Fowdy cho biết. "Trò chơi đổ lỗi" này không hề vớt vát được danh dự cho Mỹ như kỳ vọng, mà ngược lại, nó đã gây tổn hại đến hình ảnh của nước Mỹ, ông Fowdy kết luận.
Tổ quốc