Khát nhân lực công nghệ cao, Singapore muốn đón thêm lao động nước ngoài
Singapore tuyên bố cần phải đón thêm lao động nước ngoài trong các lĩnh vực như lập trình phần mềm...
- 08-09-2018Singapore và câu chuyện nâng giá nước để thúc đẩy CMCN 4.0
- 06-09-2018Vì sao hơn 90% hộ gia đình Singapore mua được nhà riêng?
- 05-09-2018Học cách người Singapore cải cách hệ thống giáo dục
Singapore, quốc gia đang đối mặt với tình trạng dân số lão hóa và thiếu nhân lực công nghệ cao, tuyên bố cần phải đón thêm lao động nước ngoài trong các lĩnh vực như lập trình phần mềm. Bên cạnh đó, đảo quốc sư tử cũng đang nỗ lực cân bằng lại hệ thống giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tương lai.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore Ong Ye Kung nói rằng một vấn đề chính hiện nay đối với nước này là liệu có đủ nguồn nhân lực để duy trì sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích hoạt động doanh nghiệp.
Ông Ong cho biết Singapore sẽ tiếp tục mở rộng cửa đón lao động nước ngoài trong những ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng duy trì một hệ thống hạn ngạch lao động ngoại quốc đối với những ngành đòi hỏi kỹ năng thấp hơn như xây dựng.
"Thế giới nơi đâu cũng thiếu nhân tài như kỹ sư AI, lập trình viên phần mềm", ông Ong nói. "Chúng tôi rộng cửa đón họ vì chúng tôi cần một lực lượng đông đảo lao động trình độ cao để phát triển những lĩnh vực này. Song song với đó, chúng tôi tiếp tục đào tạo người Singapore cho những công việc như vậy".
Ông Ong, 48 tuổi, là một trong số những bộ trưởng trẻ tuổi hiện nay của Singapore được xem là có khả năng trở thành người kế nhiệm đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long. Ông trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore sau đợt cải tổ nội các hồi tháng 4.
Tỷ lệ giữa kim ngạch thương mại so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Singapore cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới - Nguồn: Ngân hàng Thế giới (WB)/Bloomberg.
Đảo quốc nhỏ bé và giàu có Singapore là một trong những nền kinh tế có mức độ phụ thuộc vào thương mại cao nhất thế giới. Những năm gần đây, nước này phát triển theo hướng trở thành một trung tâm tài chính công nghệ cao và một quốc gia có mức độ phát triển mạnh mẽ về kỹ thuật số. Chiến lược này được gọi là "Smart Nation" - tạm dịch: "Quốc gia thông minh".
An sinh xã hội và chăm sóc y tế hiện đang là những thách thức lớn nhất đối với Singapore, bởi dân số nước này đang lão hóa nhanh chóng, ông Ong cho hay. Theo số liệu từ Chính phủ Singapore, khoảng 1/4 dân số nước này sẽ là những người từ 65 tuổi trở lên vào năm 2030.
"Chúng tôi cần phải có một sự dịch chuyển, để trở thành một nền kinh tế dựa trên sáng tạo và năng suất", ông Ong nói.
Vị Bộ trưởng cũng nói rằng Singapore cần đẩy mạnh việc dạy học sinh-sinh viên tư duy phản biện. "Trước đây, mọi người quen với quan niệm ‘tri thức là sức mạnh’. Giờ đây, sức mạnh là phải biết tri thức nào cần bỏ qua, tri thức nào cần tiếp nhận, và bạn phải tự quyết định cho bản thân mình", ông nói.
Theo ông Ong, hệ thống giáo dục hiện nay của Singapore "có những điểm mạnh không nên loại bỏ", nhưng vẫn cần phải có những điều chỉnh giữa việc tập trung thái quá vào kết quả các kỳ thi và chất lượng đầu ra.
"Chúng tôi cần cân bằng để việc đi học trở nên vui vẻ hơn, và trẻ em có đam mê và có khả năng quyết định các em muốn làm gì", ông Ong nói. "Giáo dục không chỉ là điểm số, mà còn là phát triển đam mê, đưa ra ý tưởng về tương lai của mỗi em học sinh, về hành trình của mỗi em, và về các kỹ năng mềm".
Với mức độ phụ thuộc cao vào thương mại, Singapore đang ở trong một thế cân bằng mong manh trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất và lớn thứ tư của nước này.
"Mối quan hệ thương mại song phương trên thế giới quan trọng nhất trên thế giới là giữa Mỹ và Trung Quốc", ông Ong nói. "Nếu mối quan hệ này không diễn ra tốt đẹp, bắt đầu tư thương mại, thì cả thế giới sẽ chịu ảnh hưởng".
Gần đây, các nước Đông Nam Á nhận được nhiều đơn hàng hơn trong một số lĩnh vực nhất định, khi sản phẩm của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế quan bổ sung. Tuy nhiên, ông Ong xem đây chỉ là một lợi ích nhất thời che mờ sự nguy hiểm của mối quan hệ bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Mối lo là trong trung và dài hạn, cuộc chiến thương mại có thể dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực đối với niềm tin của nhà đầu tư và niềm tin toàn cầu. Tôi cho là điều đó sẽ xảy ra", ông Ong phát biểu.
VnEconomy