MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khẩu nghiệp và bài học từ Đức Phật: Tu cái miệng là tu hơn nửa đời người

18-04-2017 - 21:03 PM | Sống

Trong nhà Phật, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nhất, vì nó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến sự đổ vỡ, dẫn đến sự đau khổ tột cùng, dẫn tới mọi sự phiền não… Một lời nói vô tình có thể làm mình và người khác đau khổ, ray rứt cả cuộc đời.

Khẩu nghiệp từ đâu mà ra?

Khẩu nghiệp là nghiệp do lời nói gây ra. Bất cứ những gì ta nói ra đều có tác động lợi hoặc hại, tốt hoặc xấu, xảy ra ngay tức thì hoặc để lại hậu quả sau này. Theo Phật dạy thì trong 10 nghiệp lớn của con người, có 4 nghiệp từ miệng gây ra: chuyện không nói có, chuyện có nói không; nói lời hung ác; nói lưỡi đôi chiều và nói lời thêu dệt.

Tuy nhiên, ngoài 4 điều trên, trong cuộc sống hàng ngày cái miệng còn tạo thêm nhiều nghiệp khác nữa như ăn uống cầu kỳ; hay phê bình, chê bai người khác; rêu rao bắt lỗi người khác.

Do vậy Kinh Phật cũng dạy, trong sinh hoạt hàng ngày có 4 hạng người chúng ta nên tránh: những kẻ hay đổ lỗi cho người khác; hay nói chuyện mê tín, tà kiến; khẩu Phật, tâm xà; và những kẻ làm ít kể nhiều. Từ cái miệng mà ta có thể biết tâm ý và đánh giá được người khác, để có cách ứng xử thích nghi.

Hậu quả khôn lường

Ai cũng biết rằng vết thương trên thân thể dễ lành hơn vết thương gây ra do lời nói. Khẩu nghiệp ác từ các lời nói tạo ra những hậu quả xấu, làm hại cho chính người nói ra và những người liên quan. Khẩu nghiệp còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng, cả xã hội.

Chúng ta không nên nói lời ác độc, nói cho sướng miệng, toàn dùng những lời cay cú chửi bới nhục mạ người khác, tâm ác thì nói ác rồi làm ác, thân khẩu ý đều ác thì ngày xuống địa ngục không còn xa. Chớ nên nguyền rủa người ta, không nên nói lời tục tĩu khó nghe…

Không nói thêu dệt tức không nói thêm bớt, nghe câu chuyện ở đây xong đi kể cho người khác nghe, mà thường khi kể lại thì hay thêm chút ít để tăng phần phóng đại cuốn hút.

Như vậy, với những người thường dùng lời nói thâm độc, thô bạo, mắng nhiếc, chửi rủa… trong cuộc sống hàng ngày của họ, trước hết, chính bản thân của người ấy đã thể hiện lối sống thiếu phẩm chất, đạo đức, văn minh trong lời nói, trong giao tiếp và dẫn đến hạ thấp uy tín của tự thân, những người xung quanh sẽ dần dần xa lánh họ.

Trong xã hội hiện nay, nhiều người online trên mạng xã hội như facebook, Twitter… thường dùng những lời lẽ ác ngữ, thô tục, xúc phạm đến người khác cũng đã trở thành một hiện tượng. Mặc dù họ không ám chỉ đích danh một ai, nhưng đây cũng là việc mà tất cả chúng ta nên tránh.

Không chỉ viết những lời ác, mà thậm chí chỉ cần nhấp chuột tán thành, ủng hộ những lời ác ngữ đều nguy hiểm cả, vì nhiều lần làm như vậy, không ai kiểm soát, không ai khuyên nhủ nên lâu ngày sẽ trở thành một thói quen.

Phật giáo gọi điều này là nghiệp, mà đã là nghiệp thì nó sẽ chi phối đối với đời sống của tự thân người đó. Vì thế, một lời ác khẩu, ác ngữ đều có thể đưa đến hậu quả khó lường. Do vậy mà Tây phương cũng có câu: “Trước khi nói phải uống lưỡi bảy lần”.

Bên cạnh đó, ác khẩu còn liên quan đến việc nói dối. Có nhiều loại nói dối: Nói dối với đùa vui, nói dối với mục đích lừa phỉnh, nói dối để khoe khoang, nói dối vì sợ hãi, nói dối để thu lợi bất chính…

Tùy theo mục đích của nói dối mà tạo ra nghiệp tội nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp nói dối với mục đích cứu giúp hoặc bảo vệ tính mạng cho người khác thì không bị tính là khẩu nghiệp.

Huy Hoàng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên