Khẩu vị đầu tư của Dragon Capital thay đổi như thế nào?
Thời gian gần đây, Dragon Capital liên tục bán ra cổ phiếu nhóm ngân hàng khi thị giá cổ phiếu nhóm này giảm đến 30-40% trong nửa đầu năm nay, dù thực tế quý I ngành này vẫn đạt tăng trưởng lợi nhuận 29% so với cùng kỳ.
Thời gian gần đây, Dragon Capital liên tục bán ra cổ phiếu nhóm ngân hàng khi thị giá cổ phiếu nhóm này giảm đến 30-40% trong nửa đầu năm nay, dù thực tế quý I ngành này vẫn đạt tăng trưởng lợi nhuận 29% so với cùng kỳ. Trong bảng tỷ trọng các ngành của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý, nhóm ngân hàng cũng đã giảm từ 35,7% tại 31/12/2021 xuống 34,2% tại 31/5.
Tính riêng trong tháng 6, Dragon Capital đã bán 1,9 triệu cổ phiếu VPB của VPBank (HoSE: VPB). Mới đây nhất, trong ngày 17/6, hai đơn vị thành viên là Norges Bank và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity] đã bán 780.000 đơn vị MBB. Theo đó, thông qua các quỹ thành viên, Dragon Capital giảm lượng sở hữu còn 5,99% vốn điều lệ VPBank, tương đương 266,2 triệu cổ phần.
Trong các quỹ của Dragon Capital, VEIL sở hữu lượng cổ phiếu VPB lớn nhất với 1,97% vốn VPBank, tương đương 87,5 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu VPB tụt xuống vị trí thứ 2 trong top 10 khoản đầu tư của VEIL từ ngày 2/6, đứng sau MWG. Tại thời điểm cuối tháng 6, khoản đầu tư vào VPBank chiếm 11,3% tổng tài sản VEIL với 230,9 triệu USD.
Ngoài VPBank, Dragon Capital cũng thoái bớt vốn tại MB ( HoSE:MBB ) và không còn là cổ đông lớn từ 16/5 sau khi 4 trên 12 quỹ thành viên bán tổng cộng 2,8 triệu đơn vị.
Cụ thể, trong ngày giao dịch 12/5, VEIL - quỹ thành viên nắm giữ nhiều đơn vị MBB nhất, bán ra 1,5 triệu đơn vị, giảm sở hữu còn 1,02% vốn với 38,7 triệu cổ phần. Sau đó, cổ phiếu ngân hàng MB không còn đứng trong top 10 các khoản đầu tư lớn nhất của VEIL kể từ ngày 9/6 đến nay.
Không chỉ VEIL, quỹ Norges Bank cũng bán ra một triệu cổ phiếu MBB, giảm lượng nắm giữ còn 1,05% với 39,5 triệu cổ phần. Hai quỹ Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity] và KB Vietnam Focus Balanced Fund bán lần lượt 250.000 và 68.300 đơn vị.
Bên cạnh đó, Dragon Capital cũng hạ tỷ trọng ở các mã vốn hóa lớn khác như HPG của Hòa Phát ( HoSE:HPG ), VIC của Vingroup ( HoSE:VIC ), hay MWG của Thế Giới Di Động ( HoSE:MWG )… Chỉ trong 3 tháng từ tháng 3 đến tháng 6, VEIL cũng đã bán ròng 34,4 triệu cổ phần Hòa Phát sau khi cổ phiếu HPG mất 33,8% giá trị. VEIL cũng đã loại VIC khỏi top 10 khoản đầu tư lớn nhất từ 2/6.
Động thái liên tục bán ra của Dragon Capital còn ở cổ phiếu MWG khi 3,7 triệu đơn vị được bán ra trong thời gian từ 15/4 đến 17/6. Riêng trong ngày 17/6, 3 quỹ thành viên là Norges Bank, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity] thoái tổng cộng gần 1,1 triệu đơn vị MWG. Theo đó, lượng sở hữu của nhóm quỹ giảm còn 9,98% với 73,1 triệu cổ phiếu.
Cùng với việc bán hạ tỷ trọng cổ phiếu bluechip, Dragon Capital chuyển hướng đầu tư vào nhóm hàng hóa như phân bón, dầu khí. Nhóm cổ phiếu này hút dòng tiền lớn một phần nhờ giá cả hàng hoá tăng mạnh khi lạm phát leo thang.
Dragon Capital đã gom hơn 4 triệu DPM của Đạm Phú Mỹ ( HoSE:DPM ) trong chưa tới 2 tuần tháng 6. Nhóm quỹ này trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp sản xuất phân bón này vào ngày 10/6, sở hữu 19,9 triệu cổ phần (tỷ lệ 5,08%) sau khi hai quỹ thành viên Amersham Industries Limited và VEIL mua thêm vào ngày 8/6. Tới 20/6, Dragon Capital mua thêm 740.000 đơn vị, nâng lượng sở hữu từ 23,4 triệu cổ phần (tỷ lệ 5,97%) lên 24,1 triệu cổ phần (tỷ lệ 6,16%).
Một đại diện khác của ngành phân bón là DGC của Hóa chất Đức Giang ( HoSE:DGC ) đã xuất hiện trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL từ ngày 2/6, với tỷ trọng 3,35% thay thế vị trí số 9 của VIC. Tại ngày 30/6, giá trị đầu tư mã này là 74,9 triệu USD, chiếm 3,7% danh mục quỹ.
Ngoài ra, đại diện nhóm năng lượng là GAS của PV GAS ( HoSE:GAS ) cũng đứng trong top 10 khoản đầu tư của VEIL trong ngày 30/6 với tỷ trọng 3,3% tương đương 67,6 triệu USD.
Theo đánh giá của ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Chứng khoán MB (MBS), có nhiều dấu hiệu cho thấy giá hàng hóa dần hạ nhiệt, tạo áp lực cho những nhóm cổ phiếu này. Cụ thể, giá một số hàng hoá cơ bản như giá quặng sắt, đồng, thép, dầu, khí ga thiên nhiên và nhiều loại hàng hoá khác đang có xu hướng tạo đỉnh và đi xuống.
Đối với nhóm phân bón, giá ure trên thị trường thế giới những ngày cuối tháng 6 ghi nhận giảm nhiệt. Cụ thể, tại thị trường Trung Quốc, giá ure dao động khoảng 460 USD/tấn. Giá mặt hàng này liên tục giảm từ ngày 15/6 và hiện thấp hơn đỉnh của giữa tháng 5 khoảng 5%.
Tại Việt Nam, giá phân đạm sau khi tạo đỉnh ở mốc 18.000 đồng/kg vào tháng 4 đến nay đã giảm rất mạnh. Theo góc nhìn dài hạn, lợi nhuận của những doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ giá phân bón tăng có thể sụt giảm nghiêm trọng nếu giá phân bón giảm về ngưỡng 12.500 đồng như trước dịch Covid. Điều này có thể khiến mức độ giảm của cổ phiếu phân bón sẽ còn khốc liệt hơn rất nhiều.
Còn đối nhóm cổ phiếu dầu khí, chuyên gia cho rằng giá dầu dù giảm nhiều song vẫn duy trì mức cao trên 100 USD/thùng. Theo đồ thị kỹ thuật, giá dầu có thể tiếp tục giảm và hình thành mô hình hai đỉnh.
Theo ông Tuấn, nhóm này cũng sẽ có sự phân hóa lớn. Đối với doanh nghiệp liên quan đến phân phối sản phẩm khí, kết quả kinh doanh không bị ảnh hưởng nhiều nên vẫn duy trì ổn định trong thời gian tới. Mặt khác, một số cổ phiếu trong nhóm dịch vụ dầu khí lại chịu ảnh hưởng bởi giá dầu, từ đó tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu.
Người Đồng Hành