MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khẩu vị đầu tư mới năm 2017 của “siêu tổng công ty” Nhà nước

Đã bán những lượng vốn lớn để thu về hàng trăm ngàn tỷ đồng cho Nhà nước, song nhiều năm qua, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ít nhiều vẫn “loay hoay” trong việc sử dụng nguồn tiền để tái đầu tư.

Tuy nhiên, người đứng đầu SCIC Nguyễn Đức Chi khẳng định, năm 2017, cách thức đầu tư của tổng công ty này sẽ có những khác biệt.

Một năm lãi lớn nhờ Vinamilk

Tính đến 31/12/2016, danh mục của SCIC có 146 doanh nghiệp với vốn Nhà nước theo giá trị sổ sách là 18.841 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 88.108 tỷ đồng.

Theo báo cáo tổng kết của SCIC, năm 2016, tổng công ty đã bán vốn thành công tại 73 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 71 doanh nghiệp) và có 37 doanh nghiệp trong danh sách khó bán, thu về 16.112 tỷ đồng trên giá vốn 3.083 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,2 lần, chênh lệch bán vốn năm 2016 ghi nhận là 13.029 tỷ đồng.

Với kết quả này, SCIC đã vượt hết các chỉ tiêu đề ra trong năm 2016.

Lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 18.629 tỷ đồng, gấp hai lần so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 15.826 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của SCIC năm 2016 đạt 19,9%.

Đóng góp lớn vào mức lợi nhuận cao kỷ lục này của SCIC là “gà đẻ trứng vàng” Vinamilk. Năm qua, Vinamilk trả cổ tức bằng tiền cao nhất trong lịch sử đạt tỷ lệ 60%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận về 6.000 đồng.

Đồng thời, ngày 12/12/2016, SCIC đã bán được 5,4% vốn điều lệ của Vinamilk cho tập đoàn đồ uống F&N của Thái Lan với giá 144.000 đồng/cổ phiếu, thu về 11.300 tỷ đồng.

“Việc lãi cao có đặc thù riêng chứ không phải do kinh doanh xuất sắc, điều này chúng tôi thừa nhận”, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC nói.

Đầu tư gì năm 2017?

Doanh thu và lợi nhuận lớn, SCIC được phép giữ lại một phần vào quỹ phát triển doanh nghiệp để thực hiện tái đầu tư. Tuy nhiên, việc tái đầu tư của SCIC trong những năm qua không có nhiều dấu ấn, khi tổng công ty này chủ yếu chọn hai kênh đầu tư an toàn là gửi ngân hàng, mua trái phiếu. Song độ sinh lời của kênh đầu tư này khá thấp.

Báo cáo tài chính năm 2015 ghi nhận tổng tài sản của SCIC khoảng 73.300 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 35.000 tỷ. Phần lớn tài sản mà SCIC đang quản lý, trị giá gần 46.000 tỷ đồng, được rót vào hai kênh đầu tư khá an toàn là gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi (25.300 tỷ đồng) và mua trái phiếu (20.500 tỷ đồng). SCIC cũng là một trong những tổ chức mua lượng lớn trái phiếu Chính phủ năm 2016.

Hiện SCIC chưa công bố báo cáo tài chính năm 2016, song ông Nguyễn Đức Chi khẳng định, là đơn vị cầm vốn Nhà nước đi đầu tư, nên phải tính toán rất kỹ trước khi “xuống tiền”, trên tiêu chí phải an toàn nhất và có đóng góp cho xã hội.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, 2017 sẽ là năm bản lề của SCIC, khi “khẩu vị” đầu tư sẽ thay đổi, với việc đẩy mạnh rót vốn vào lĩnh vực y tế, đang là nhu cầu bức thiết của xã hội hiện nay.

“Chúng tôi đã lên kế hoạch xây dựng một bệnh viên ở Thái Nguyên theo hình thức BOT, có thể bán lại sau khi thu hồi vốn. Đồng thời, SCIC đã bàn với Bộ Y tế để xây dựng bệnh viện K, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. Ngoài ra sẽ chú trọng đầu tư hạ tầng, xử lý rác thải, môi trường. Đây là những lĩnh vực bức thiết, ít hấp dẫn tư nhân, có thể nó không sinh lời lớn nhất nhưng phù hợp với yêu cầu xã hội, mà vẫn có lãi”, ông Chi nói.

SCIC cũng đang thực hiện các dự án nhà máy sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp, nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam. Ông Chi cho biết đã đàm phán với đối tác nước ngoài về việc chuyển giao công nghệ và sẽ thực hiện ngay trong năm 2017, đảm bảo Việt Nam có thể sản xuất được vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1 với quy mô lớn.

Bán vốn sẽ tính cả giá trị đất

Về dự án sân bay Long Thành, người đứng đầu SCIC cho hay, tổng công ty này sẵn sàng tham gia. Với loạt các dự án khác đang triển khai, ông Chi cho biết sẽ được đẩy nhanh tiến độ trong năm nay, như dự án Tháp Tài chính, dự án tại khu đất 29 Liễu Giai, dự án Tháp Truyền hình Việt Nam (hợp tác cùng VTV)...

Về việc bán vốn Nhà nước, ông Chi khẳng định, khi bán vốn tại một doanh nghiệp cụ thể, ban chuyên trách của SCIC sẽ họp và quyết định bán theo lô hay chia nhỏ, bán thời điểm nào là phù hợp, lên sàn rồi mới bán hay ngược lại...

“Với các doanh nghiệp thua lỗ, hoạt động không hiệu quả không thể bán ngay, SCIC sẽ cử chuyên viên cao cấp đến cải tổ quản lý, điều hành doanh nghiệp, đến khi có lãi trở lại sẽ tiến hành bán”, ông Chi nói và cho biết tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện đều bắt buộc phải niêm yết trên sàn chứng khoán để minh bạch, nhà đầu tư nhìn vào sẽ thấy được hiệu quả hay không, giá trị thực ra sao.

Ông cũng nhấn mạnh khi thực hiện bán vốn sẽ tính cả giá trị đất mà doanh nghiệp sở hữu bên cạnh các yếu tố sản xuất, kinh doanh, tiềm năng thương hiệu…, để đảm bảo không thất thoát tài sản Nhà nước.

Ngoài ra, SCIC sẽ tiếp tục tập trung tái cơ cấu, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài tại một số doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt, nâng cao chất lượng hệ thống người đại diện.

Theo Bạch Dương

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên