Khép lại điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr hôm 22-3 đã nhận được báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ hồi năm 2016.
Ngay lập tức, các nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã nhanh chóng thúc giục ông Barr cung cấp nội dung báo cáo được mong đợi này. Riêng Đảng Dân chủ còn đòi hỏi ông Barr công bố tất cả nội dung do lo ngại Nhà Trắng can thiệp vào chuyện này.
Theo quy định của Bộ Tư pháp Mỹ, ông Barr được quyền quyết định công bố bao nhiêu nội dung trong báo cáo. Trước mắt, nhiều khả năng những kết luận chính trong báo cáo sẽ sớm được gửi đến các nhà làm luật. Theo hãng tin Reuters, vấn đề được quan tâm nhất là liệu báo cáo có nội dung nào cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump có hành động sai trái hay không.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller Ảnh: REUTERS
Cuộc điều tra của ông Mueller tập trung tìm hiểu liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga để tác động đến kết quả cuộc bầu cử hay không. Ngoài ra, một nội dung quan trọng khác là liệu ông Trump có cản trở cuộc điều tra của ông Mueller hay không.
Dù vậy, một quan chức cấp cao Bộ Tư pháp Mỹ cho biết ông Mueller không đề nghị thêm bất kỳ truy tố nào, qua đó cho thấy sẽ không có cáo buộc hình sự nào nhằm vào các cộng sự của ông Trump đến từ cuộc điều tra. Cho đến giờ, công tố viên đặc biệt này đã đưa ra cáo buộc chống lại 34 người và 3 công ty. Trong đó, một số cựu phụ tá của ông Trump đã bị kết án tù, như cựu giám đốc chiến dịch tranh cử Paul Manafort, cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và cựu luật sư cá nhân Michael Cohen.
Theo đài CNN, vẫn còn quá sớm để cho rằng báo cáo điều tra của ông Mueller sẽ tác động thế nào đến ông Trump. Tuy nhiên, quá trình điều tra kết thúc mà không đưa ra thêm bất kỳ cáo buộc nào nhằm vào đội ngũ của tổng thống Mỹ được xem là chiến thắng đáng kể cho chính quyền ông Trump.
Người Lao động