Khi Bí thư Thăng lên xe đi Bình Dương tìm hiểu nhà giá rẻ
Từ nhiều năm qua, người dân thu nhập thấp tại TP.HCM vẫn đau đáu giấc mơ an cư. Nhà giá rẻ 100 triệu đồng ở Bình Dương là bài học đáng mơ ước, vậy nhưng vì sao TP.HCM vẫn chưa tìm được cách làm tương tự?
- 08-02-2017Vì sao các đại gia đổ xô xây nhà giá rẻ?
- 07-02-2017Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM bàn về nhà giá rẻ
- 06-02-2017Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ trong năm 2017
Người nghèo sẽ được thuê nhà giá rẻ
Câu chuyện Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng thân chinh tìm hiểu mô hình xây nhà giá rẻ ở Bình Dương cuối tuần qua khiến cho giấc mơ an cư của người có thu nhập thấp tại thành phố lớn này có triển vọng thực tế hơn. Tuy nhiên, để xây dựng được những dự án có giá bán 100 triệu đồng/căn như Bình Dương tại TP.HCM là không dễ vì vẫn còn đó nhiều rào cản.
Những năm qua, dù TP.HCM đã có kế hoạch phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho người thu nhập thấp nhưng con số đạt được còn nhiều hạn chế. Cụ thể, theo ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, 10 năm qua, từ nguồn vốn trong và ngoài ngân sách thành phố đã hoàn thành 14 dự án NƠXH với hơn 5.100 căn.
Người nghèo ở TP.HCM sắp được thuê nhà giá rẻ.
Giai đoạn 2016 – 2020, thành phố lên kế hoạch triển khai 39 dự án với quy mô 45.000 căn. Đến nay đã có 9 dự án khởi công, 14 dự án được chấp thuận đầu tư và 16 dự án công nhận chủ đầu tư. Trong năm nay, thành phố dự kiến hoàn thành 1.650 căn và tiếp tục khởi công 23 dự án quy mô 19.000 căn.
Trong số 45.000 căn NƠXH, ông Trần Trọng Tuấn cho hay TP.HCM sẽ dành 20% (khoảng 9.000 căn) để cho thuê và đây là lần đầu tiên thành phố triển khai chính sách này. Để đưa ra mức giá thuê phù hợp, sở xây dựng thành phố sẽ làm việc với chủ đầu tư dự án. Chính sách cho thuê NƠXH này hướng đến mục tiêu giải quyết bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn, trong đó có những hộ nằm trong chương trình di dời 20.000 nhà ven kênh rạch trong thời gian tới.
Lời giải bài toán nhà giá rẻ
Những vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng NƠXH được xem là câu chuyện dài kỳ, tìm mãi chưa có lối ra của doanh nghiệp. Ông Trương Anh Tuấn – Giám đốc Địa ốc Hoàng Quân, doanh nghiệp phát triển NƠXH với quy mô lớn nhất tại TP.HCM từng chia sẻ, nguyên nhân khiến các dự án NƠXH chậm triển khai vì tốn nhiều thời gian cho thủ tục pháp lý. Ông lấy dẫn chứng khi thực hiện dự án NƠXH ở Q.2, công ty đăng ký hồ sơ từ năm 2014 nhưng 2 năm sau mới được chấp thuận. Tại các tỉnh, Hoàng Quân được giao đất “sạch” để xây dựng dự án, trong khi đó tại TP.HCM, doanh nghiệp phải mua đất và tự giải phóng mặt bằng.
Đồng tình quan điểm trên, ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng hiện nay thủ tục pháp lý ở TP.HCM còn rối rắm. Theo ông, hiện quy trình về thủ tục pháp lý cho nhà ở thương mại và NƠXH là như nhau, việc tốn nhiều thời gian cho thủ tục trong khi lợi nhuận không nhiều khiến doanh nghiệp quay lưng với NƠXH.
“Công ty tôi đang mất hơn 2 năm để làm thủ tục pháp lý cho một dự án nhưng cũng chưa đâu vào đâu. Cần có quy trình riêng về thủ tục pháp lý cho các dự án NƠXH, tối ưu chỉ tốn từ 3 – 6 tháng, để giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian”, ông Nghĩa chia sẻ.
Theo ông Nghĩa, nói Bình Dương có nhà giá 100 triệu đồng là chưa đầy đủ, bởi đây là giá của một số ít căn trong một dự án lớn. Thực tế Bình Dương đang bán nhà giá rẻ ở mức 120 – 150 triệu đồng/căn. Để có mức giá này, doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi như hạ tầng có sẵn, được giao đất, thủ tục nhanh chóng, chi phí xây dựng rẻ…
“TP.HCM hoàn toàn có thể làm được nhà giá rẻ từ 150 – 180 triệu đồng/căn nếu doanh nghiệp được ưu đãi như ở Bình Dương”, ông Nghĩa nói và giải thích đến nay TP.HCM vẫn chưa làm được như tỉnh bạn vì thời gian thủ tục pháp lý lâu, giá đất cao, chi phí xây dựng đắt đỏ…
Là một người tâm huyết với nhà giá rẻ, ông Nguyễn Văn Đực – Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, cách đây 10 năm ông đã từng đề xuất không nên phân biệt diện tích tối thiểu cho nhà ở thương mại (từ 45m2/căn) và NƠXH (từ 25m2/căn) để giải quyết bài toán nhà ở. Sau khi công ty ông được cho làm thí điểm dự án 30m2/căn và được thị trường đón nhận thì từ đó về sau không doanh nghiệp nào được xây nhà ở thương mại diện tích nhỏ như vậy nữa.
Ông Nguyễn Văn Đực đặt câu hỏi tại sao lại phân biệt diện tích nhà ở thương mại và NƠXH trong khi tại TP.HCM nhu cầu nhà ở nói chung của người dân rất bức thiết? Ngoài ra, theo ông, quy định trong một dự án nhà ở thương mại chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH như hiện nay là phi thực tế bởi người nghèo không thể sống trong chung cư cao cấp với những tiện ích đắt tiền.
“Chính quyền TP.HCM hỗ trợ bằng cách gia tăng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, giảm lãi vay ngân hàng, giảm các thủ tục đầu tư dự án NƠXH… với một chiến lược dài hơi chứ không thể dựa vào một vài doanh nghiệp. Có như vậy TP.HCM mới có những dự án nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp”, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho hay.
Infonet