Khi cổ đông ngoại là ‘cầu nối’ đưa doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới
Không dừng lại ở khoản tài chính được đầu tư, nhiều doanh nghiệp Việt đang hết sức chú trọng tới việc tìm kiếm đối tác ngoại có thể đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm và cùng họ mở rộng kinh doanh ra thị trường thế giới.
CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group, HOSE: PAN) vừa công bố hoàn tất phát hành 13,4 triệu cổ phần cho đối tác Nhật là Tập đoàn Sojitz giá 61.000 đồng/cp, so với mức tối thiểu 55.000 đồng/cp được ĐHCĐ phê duyệt. Dù huy động được số vốn hơn 817 tỷ đồng thu được, lãnh đạo The PAN Group khẳng định với chiến lược kinh doanh hấp dẫn và tốc độ tăng trưởng cao của tập đoàn hiện nay, mục tiêu của đợt phát hành không nhằm vào việc tìm kiếm một nhà đầu tư tài chính thông thường. Thay vào đó, thông qua mối quan hệ hợp tác chiến lược với một tập đoàn đa ngành hàng đầu Nhật Bản, PAN cùng đối tác có thể dựa trên nền tảng có sẵn để nâng tầm các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam, phân phối thị trường trong và ngoài nước.
Sojitz hiện có khoảng 440 công ty con và công ty liên kết, hoạt động thương mại và đầu tư tại nhiều quốc gia trên thế giới với doanh thu hàng năm trên 16 tỷ USD. Trong khi đó, The PAN Group là tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm, với các công ty con là các doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất - chế biến thủy sản, bánh kẹo, hạt điều, giống cây trồng… Do vậy, quan hệ hợp tác giữa 2 bên được kỳ vọng sẽ nối dài "cây cầu" đưa các sản phẩm của PAN nói riêng và nông sản – thực phẩm Việt Nam ra thế giới.
Quan hệ hợp tác với cổ đông ngoại có thể là tiền đề để doanh nghiệp đưa các sản phẩm xuất khẩu ra thế giới.
Trên thực tế, những nhịp đầu tiên của "cây cầu" đã được The PAN Group xây dựng nhiều năm qua và ngày càng được củng cố vững chắc thông qua các sản phẩm công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của Nhật và các thị trường quốc tế. Gần đây nhất, CTCP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed, HOSE: NSC), một đơn vị thành viên của PAN, vừa ra mắt sản phẩm gạo Nhật VJ Pearl Rice, vốn được sản xuất với sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ chuyên gia đến từ đất nước "Mặt trời mọc". Loại gạo mới này cũng nối tiếp vào chuỗi "sản phẩm Nhật" của Vinaseed bên cạnh Dưa lưới Nhật Akina, Dưa lưới Nhật Ichiba, Dưa lưới Nhật Taka, Gạo Nhật Japonica… Trước đó, một đơn vị thành viên khác là PAN-Saladbowl là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu được hoa cúc vào Nhật. Tương tự là những sản phẩm thủy sản (tôm, cá tra, ngao…) của các công ty như Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC), Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT)… cũng đã chinh phục các thị trường như châu Âu, Nhật, Mỹ, Trung Quốc…
The PAN Group là ví dụ tiêu biểu cho việc doanh nghiệp Việt chọn "bắt tay" với đối tác chiến lược ngoại với mục tiêu không chỉ là tìm nhà đầu tư tài chính. Gần đây nhất, ngành dược chứng kiến 2 thương vụ đáng chú ý khi Tập đoàn Taisho (Nhật) đã nâng sở hữu tại Dược Hậu Giang từ 25% lên 32% sau khi HĐQT thông qua. Tương tự là việc Traphaco đón 2 đối tác ngoại mua cổ phần trên thị trường, sở hữu 40% vốn công ty, trong đó có sự xuất hiện của Tập đoàn Dược phẩm Daewoong (Hàn Quốc).
Năm trước, CTCP Nhựa Tiền Phong cũng chấp thuận để Tập đoàn Sekisui (Nhật) nắm giữ 15% vốn. Hai bên đã xây dựng quan hệ hợp tác từ trước khi Sekisui trở thành cổ đông lớn và tiếp tục duy trì thời gian qua. Ngoài các đơn vị trên, một số doanh nghiệp khác cũng từng đón sự tham gia của đối tác ngoại, trở thành cổ đông lớn như Cotecons, Thế giới di động, Vingroup… Ngay trong ngành tài chính, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) gần đây cũng ghi nhận việc cổ đông lớn là Công ty Chứng khoán Daiwa nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 20%, qua đó tiếp tục khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên.
Song hành cùng việc trở thành cổ đông lớn, đối tác ngoại đã hỗ trợ doanh nghiệp nội trên nhiều mặt, trong đó có công nghệ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất. Tập đoàn Sekisui sau khi hợp tác với Nhựa Tiền Phong đã chuyển giao cho công ty công nghệ, khuôn, các thiết bị để tiến hành sản xuất và bán các sản phẩm mang nhãn hiệu của Sekisui. Nhờ đó, Nhựa Tiền Phong đã từng bước tiếp thu trình độ, khả năng công nghệ, đặc biệt là kinh nghiệm sản xuất và phân phối sản phẩm của đối tác trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và các công trình xây dựng cao cấp tại Việt Nam.
Một yếu tố khác doanh nghiệp nội được tiếp nhận từ đối tác ngoại là kinh nghiệm xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự, quản trị doanh nghiệp. Công ty Chứng khoán Sài Gòn, sau khi trở thành đối tác chiến lược của Daiwa, không chỉ tiếp cận và đưa vào sử dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại mà còn áp dụng các giải pháp quản trị tiêu biểu trên thế giới. Sau 19 năm thành lập, SSI duy trì và khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực môi giới chứng khoán trên thị trường nội địa.
Hệ thống phân phối của đối tác tại thị trường nước ngoài có thể là trợ lực lớn cho doanh nghiệp Việt.
Một lợi ích khác mà doanh nghiệp nhận được từ đối tác ngoại là việc phát triển thị trường, mạng lưới khách hàng, đưa sản phẩm tiếp cận tới nhiều nước trên thế giới. Như trường hợp của Dược Hậu Giang, song song việc nhận chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm, nâng cấp dây chuyền sản xuất thuốc với sự hỗ trợ của Taisho, công ty còn được phép nhập sản phẩm chiến lược có lợi thế cạnh tranh của Tập đoàn Nhật để kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, thuốc của Dược Hậu Giang sẽ được xuất khẩu đến các thị trường sẵn có của Taisho. Tương tự DHG, các doanh nghiệp như Nhựa Tiền Phong, Domesco, Nhựa Bình Minh… đều được tận dụng thị trường của các đối tác chiến lược để mở rộng sự hiện diện tại nhiều quốc gia.
Ông Henrik Audon, đồng sáng lập và nguyên Chủ tịch của M&A International Inc., liên minh về tư vấn sáp nhập và mua bán công ty (M&A), từng chia sẻ trên báo chí, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần đơn thuần dòng vốn mà là các đối tác chiến lược quốc tế, những đơn vị thực sự có khả năng tạo ra giá trị gia tăng và giúp công ty có vị trí cạnh tranh tốt trên thị trường toàn cầu.
Các doanh nghiệp Việt có thể nâng cao những năng lực kinh doanh thông qua hình thức tiếp nhận công nghệ, quản trị, hệ thống công nghệ thông tin, nghiên cứu và phát triển, tiếp vận và một danh mục sản phẩm/dịch vụ đa dạng thích ứng với thị trường Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp còn có cơ hội phát triển và điều chỉnh danh mục sản phẩm để trở nên cạnh tranh trên thị trường quốc tế thông qua hệ thống phân phối của đối tác nước ngoài.
Như trường hợp gần đây nhất của The PAN Group, lãnh đạo công ty tin tưởng việc hợp tác với Sojitz sẽ là một cột mốc quan trọng trong lộ trình phát triển của công ty. "Song song với việc góp vốn, chúng tôi cùng thành lập Ủy ban Hợp tác với sự tham gia của lãnh đạo chủ chốt hai tập đoàn do người đứng đầu Tập đoàn Pan làm chủ tịch. Uỷ ban Hợp tác sẽ tập hợp các chuyên gia đầu ngành từ phía Việt Nam và Nhật Bản hình thành và thúc đẩy việc triển khai các dự án nông nghiêp và thực phẩm của 2 bên tại Việt Nam, cũng như tại các nước khác trong khu vực", bà Nguyễn Thị Trà My – Tổng giám đốc The PAN Group tiết lộ.
Nhịp sống kinh tế