Khi doanh nghiệp đổ dồn về tỉnh lẻ khai phá những thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mới nổi
Các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn đang đổ dồn về nhiều tỉnh, thành vùng ven biển. Trong đó, có những địa phương đã được biết đến như những điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng từ trước, nhưng nay đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm làm mới. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt "ông lớn" địa ốc TPHCM đã liên tục tìm kiếm các thị trường miền Trung để tung ra những dự án mang đẳng cấp mới.
Theo nhận định của một chuyên gia nghiên cứu của công ty CBRE Việt Nam, với những thị trường nghỉ dưỡng quen thuộc thì các nhà đầu tư mới tiếp cận quỹ đất sẽ bị đắt đỏ, giá cao. Bởi vậy, họ sẽ tìm kiếm các địa phương mới, cũng là thay đổi thói quen, thị hiếu du lịch - nghỉ dưỡng của những lớp khách hàng mới.
Quan trọng hơn hết, hệ thống hạ tầng được cải thiện đã thúc đẩy bất động sản du lịch phát triển mạnh mẽ tại các vùng đất mới nổi. Riêng thị trường BĐS nghỉ dưỡng mới chủ yếu là khách du lịch trong nước, du lịch biển. Thị trường truyền thống lại quen thuộc với du khách và khách hàng quốc tế.
Cùng chung quan điểm trên, tại Diễn đàn M&A diễn ra tại TPHCM mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng các yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thay đổi nhanh chóng của bức tranh BĐS nghỉ dưỡng này bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng với các đường bay quốc tế mới, chính sách khích lệ từ Chính phủ và sự đóng góp của các nhà đầu tư tư nhân. Có thể nói, Việt Nam đang có những đặc điểm tương tự như Thái Lan cách đây mười năm trước và do đó có thể đi theo định hướng phát triển tương tự.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm hơn đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua không có nhiều giao dịch mua bán được thực hiện đặc biệt là ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang hoạt động với nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung khan hiếm và các chủ sở hữu đang nắm giữ tài sản ít có nhu cầu thoái vốn.
Một trong những xu hướng nổi bật có thể kể đến là công nghệ thông tin đã có tác động lớn đến ngành du lịch ở cả phân khúc nghỉ dưỡng và công vụ. Sự phát triển công nghệ thông tin sẽ giúp việc du lịch trở nên dễ dàng hơn với những sản phẩm mang chất lượng tốt hơn cùng với nhiều lựa chọn lưu trú khác nhau nhờ vào sự trợ giúp của các công cụ và ứng dụng hỗ trợ du khách thực hiện các thao tác một cách dễ dàng.
Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), nhận định thị trường BĐS nghỉ dưỡng năm ngoái và đầu năm nay đã phát triển hơn cả mong đợi. Các chủ đầu tư đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nhiều dự án quy mô lớn hơn, trải rộng khắp các tỉnh, thành có lợi thế du lịch biển.
"Quan sát cho thấy dòng vốn vẫn đang tiếp tục được đổ vào các địa điểm du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc hay Vũng Tàu, Phan Thiết... Thị trường dự kiến sẽ đón nhận thêm nhiều nguồn cung mới và được đầu tư tích hợp nhiều hạng mục tiện ích. Nguồn cung mới sẽ khiến thị trường cạnh tranh hơn", ông Chiến cho biết thêm.
Một nhà đầu tư khác cũng nhận định rằng hiện nhu cầu của các tập đoàn nước ngoài không mua các dự án condotel, mà chủ yếu là mua khách sạn để vận hành, tập trung vào các địa điểm thu hút khách du lịch như Hà Nội, TPHCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh, hay các địa phương mới nổi như Ninh Thuận, Quy Nhơn (Bình Định), Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Yên... do những khu vực này quỹ đất còn lớn, tạo được giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao theo thời gian.
Bên cạnh đó, một số quỹ đầu tư nước ngoài đến từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang tích cực tìm kiếm các khách sạn, dự án khu dân cư ven biển có sẵn, vị trí đẹp có thể cải tạo để phát triển thành một chuỗi khu nghỉ dưỡng khép kín. Theo đó, các chủ đầu tư đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nhiều dự án quy mô lớn hơn, trải rộng khắp các tỉnh, thành có lợi thế du lịch biển.
Đơn cử như nhắc đến các thị trường ven biển phía Nam, thời gian qua khá nhiều siêu dự án đã được các doanh nghiệp rót hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư như Dự án Novaworld Phan Thiết có quy mô lên đến 1.000ha do Novaland đầu tư, hay dự án Novaworld Hồ Tràm tại tỉnh Bà Rịa-Vùng Tàu với quy mô các giai đoạn cũng lên đến cả ngàn ha, đây là đại đô thị nếu được đầu tư đúng nghĩa, sau khi hoàn thành sẽ tạo nên một câu chuyện mới của bất động sản nghỉ dưỡng.
Còn tại khu vực miền Trung, ngoài những thị trường lâu nay được biết đến nhiều như Nha Trang hay Đà Nẵng, thì Ninh Thuận hay Quy Nhơn (Bình Định) đã và đang lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư trong thời gian một năm trở lại đây. Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay, một số khu vực như Quy Nhơn, Nhơn Hội, Nhơn Lý của tỉnh Bình Định được khá nhiều nhà đầu tư đổ bộ vào để phát triển các dự án. Thực tế này xuất phát từ tiềm năng "rừng vàng, biển bạc" của vùng đất võ lâu nay được ví như nàng công chúa ngủ quên, đang bắt đầu được đánh thức.
Trong các yếu tố tác động đến các nhà đầu tư, không thể không nói về chính sách của các địa phương. Chẳng hạn vào năm 2016, UBND tỉnh Bình Định bắt đầu có chủ trương xã hội hóa phát triển quỹ đất bằng việc kêu gọi các nhà đầu tư vào tham gia đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển khu nhà ở thương mại, khu đô thị mới hiện đại.
Để thu hút hơn nữa nguồn khách du lịch trong và ngoài nước, cơ sở hạ tầng tại Quy Nhơn đang được đẩy mạnh đầu tư, nhiều dự án giao thông đường bộ đang được triển khai thực hiện như tuyến Ngô Mây nối dài, tuyến quốc lộ 1D, tuyến quốc lộ 19B. Song song đó, Cảng hàng không Phù Cát, nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 35km về hướng Tây Bắc đang được nâng cấp mở rộng với công suất thiết kế 1,5 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng để nâng công suất lên 2,4 triệu hành khách/năm.
Theo dự kiến, cảng sẽ mở chuyến bay quốc tế đầu tiên từ sân bay Phù Cát trong tháng 9 tới. Đó là chưa kể việc Bamboo Airways cũng đã tổ chức lễ khởi công Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways có quy mô 10 ha, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, dự kiến hoạt động vào năm 2022.
Chủ trương trên của chính quyền địa phương đã tạo điều kiện môi trường thông thoáng, minh bạch, chính sách cởi mở cho các đại gia địa ốc "đổ bộ" với quy mô lớn vào thị trường bất động sản Quy Nhơn – Bình Định như FLC, Sun Group, TMS Group, tập đoàn Hưng Thịnh, Phát Đạt, một số tập đoàn đa quốc gia… Và mới đây nhất là "ông lớn" địa ốc Novaland cũng đang chuẩn bị sẵn quỹ đất khá lớn tại bãi biển Nhơn Hội cho một kế hoạch dài hơi với các sản phẩm nghỉ dưỡng chuẩn quốc tế.
Qua tìm hiểu được biết, Tập đoàn TMS đã đầu tư xây dựng dự án TMS Luxury Hotel & Residence Quy Nhon - tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ condotel hiện đại tại TP. Quy Nhơn. Tiếp đó, một ông lớn BĐS tại TPHCM vừa tiết lộ chuẩn bị triển khai dự án khu nghỉ dưỡng rộng hơn 1.200ha nằm ven biển Nhơn Hội. Hay như mới đây, công ty địa ốc Phát Đạt vừa trúng đấu giá khu đất rộng gần 35ha ngay mặt biển nơi đây, chuẩn bị phát triển một khu nghỉ dưỡng sang trọng. Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết cũng sẽ đầu tư hai dự án condotel và biệt thự biển quy mô khá lớn tại Quy Nhơn trong năm nay...
Bên cạnh đó, một dự án lớn đang được chú ý là Nhơn Hội New City do Phát Đạt làm chủ đầu tư và DKRA Vietnam phân phối chiến lược. Dự án có quy mô hơn 34ha thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội 601,8ha nằm ngay cạnh FLC Quy Nhơn, phía Đông giáp đường Vành Đai 2 và phía Tây giáp Quốc Lộ 19B.
Đáng chú ý, Nhơn Hội New City thu hút nhờ mức giá bán chỉ từ 1,49 tỷ đồng/nền, sổ đỏ trao tay và phương thức thanh toán linh hoạt nhiều đợt. Với hạ tầng hoàn thiện và tiến độ thi công nhanh chóng, hơn 1,300 sản phẩm vừa công bố đã được thị trường đón nhận. Cuối tháng 7 vừa qua, Nhơn Hội New City đã thực hiện lễ bàn giao nền cho khách hàng.
Ông Mauro Gasparotti, giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ thêm về triển vọng thị trường nghỉ dưỡng: "Chúng tôi thường khuyến khích các chủ đầu tư nghiên cứu các xu hướng và sản phẩm mới vốn chưa có nhiều sự hiện diện tại thị trường Việt Nam như Khu dân cư có thương hiệu (Branded residences), khách sạn dịch vụ giới hạn (select-service hotel) hay resort với các dịch vụ chú trọng trải nghiệm nhằm đa dạng hóa lựa chọn lưu trú và nắm bắt nhu cầu của thế hệ du khách mới.
Tuy nhiên, các sản phẩm này cũng đòi hỏi chủ đầu tư phải có những hiểu biết nhất định về mô hình và ý tưởng cũng như cách thức hợp tác giữa các bên liên quan để đảm bảo việc triển khai và tính khả thi của dự án.
"Chúng tôi cũng hy vọng trong tương lai sẽ thấy nhiều dự án xanh và chú trọng vào sự phát triển bền vững. Các yếu tố này sẽ trở thành tiêu chí quan trọng đối với khách hàng. Một số điểm đến khá bình lặng trong thời gian qua như Huế hay Mũi Né được kỳ vọng sẽ trở lại và cạnh tranh với thị trường du lịch ven biển với nhiều cơ hội phát triển mới. Chúng tôi cũng ghi nhận sự cạnh tranh mạnh mẽ của nhiều thị trường mới nổi ven biển miền Trung, nhất là các địa phương đang hình thành nhiều đường bay dài trong và ngoài nước. Nhìn chung, chúng tôi vẫn có cái nhìn tích cực về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam trong năm 2019 và mong chờ những kết quả tốt trong năm tới", vị này cho biết thêm.