Khi du lịch dịp nghỉ lễ biến thành "hành xác"
Du lịch hút khách là điểm đáng mừng vì nó phản ánh sự sung túc của xã hội và sẽ kéo theo nhiều ngành khác phát triển theo, song bên cạnh đó cũng có không ít vấn đề tồn tại
- 03-05-2017Sau nghỉ lễ, giá vàng vẫn lình xình đi ngang
- 02-05-201710 hình ảnh gây "sửng sốt" dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
- 02-05-2017Biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam gây thất vọng ngày nghỉ lễ
4 ngày nghỉ lễ đã qua nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại. Một ấn tượng đậm nét nhất với rất nhiều người chọn đi du lịch thời gian đó, có lẽ đúng như tờ Thanh niên nhận định: Khắp nơi đều quá tải!
Một điểm sáng của hoạt động du lịch kỳ này, đó là du lịch biển. Trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các địa phương có thế mạnh về du lịch biển đạt doanh thu cao nhờ lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tăng đột biến.
Tại Khánh Hòa, tổng lượt khách đến các điểm tham quan, vui chơi, giải trí trong 4 ngày ước đạt trên 650.000 lượt. Tại Vũng Tàu, Hạ Long - Quảng Ninh, Sầm Sơn - Thanh Hóa cũng "thắng lớn" với hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn lượt khách, các khách sạn, nhà nghỉ hoạt động hết công suất.
Đáng mừng nhất là du lịch biển miền Trung đang dần hồi sinh sau sự cố môi trường vào năm ngoái gây thiệt hại nặng nề. Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, các bãi biển miền Trung từ Nghệ An đến Huế đồng loạt "vỡ trận" do lượng khách đột ngột dồn về quá lớn. Du khách ăn hải sản, tắm biển nườm nượp. Đây là tín hiệu vui, hứa hẹn một năm kinh doanh thành công cho du lịch biển nơi đây.
Thế nhưng, bên cạnh điểm sáng thì những điểm tối vẫn còn không ít. Tình trạng tắc nghẽn giao thông ở các thành phố lớn, nhất là ngày đầu kỳ nghỉ, tình trạng ùn ứ quá tải ở các điểm vui chơi, tình trạng chật vật chen lấn tại các bến xe, sân bay; chật vật tìm phòng nghỉ; rồi hình ảnh bãi biển tràn ngập rác thải do khách xả xuống. Hàng quán bán đồ ăn, thức uống bày ra khắp nơi. Không ít quán ăn ra tay "chặt chém" du khách.
Tờ Người Lao động ghi nhận cảm thán của không ít du khách, khi đi chơi lễ mà như đi hành xác. Háo hức đến nơi, nhưng vừa đến đã lại... muốn về.
Tờ Tiền Phong nhận định: "Dường như chúng ta đang thừa nhu cầu hưởng thụ song lại thiếu vắng hẳn ý thức ở nhiều phạm trù, từ sự tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng luật lệ giao thông tới sự chuyên nghiệp hay đạo đức kinh doanh…"
Tờ Người Lao động cho rằng: "Đừng tổ chức du lịch chỉ chăm chăm vào túi tiền của du khách và khai thác tối đa tiềm năng thiên nhiên sẵn có, hãy học những quốc gia có ngành du lịch bảo tồn. Những khu rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm mật, du khách tham quan với số lượng hạn chế và nguyên tắc luôn được đặt ra: Đừng để lại gì trong rừng ngoài những dấu chân".
VTV1