Khi giới trẻ hoang mang về "tuổi thọ" của hôn nhân, cặp đôi này đã sống bên nhau 78 năm nhờ bí quyết này
Hai cụ Morrie Markoff (103 tuổi) và Betty Markoff (100 tuổi) người Mỹ cho biết, không có bí quyết gì đặc biệt đối với cuộc hôn nhân rất dài của họ ngoài lòng khoan dung, sự tôn trọng và may mắn.
- 12-02-2017Tình yêu có 5 giai đoạn nhưng hầu hết chỉ đến thứ 3 là dừng
- 25-12-2016Loạt thông điệp đầy ắp tình yêu thương từ các nhân vật truyền cảm hứng năm 2016!
- 22-11-2016"Ông bà anh" có tình yêu đẹp, chúng mình bây giờ cũng thế!
"Chúng tôi không còn quen ai khác trên 100 tuổi. Chúng tôi thực sự là trường hợp đặc biệt: 78 năm cưới nhau, một người 103 tuổi và người kia là 100 tuổi. Chúng tôi sống lâu hơn nhiều người. Và tôi biết rằng điều này rất hiếm. Chúng tôi thật may mắn. Lời chúc tốt nhất tôi muốn dành cho các bạn là may mắn như chúng tôi" - ông Morrie ngồi bên chiếc ghế bành trong căn hộ ở trung tâm Los Angeles bên người vợ thương yêu của mình, bà Betty và nói.
Ông Markoff hóm hỉnh: "Chúng tôi đã ở bên nhau gần tám thập kỷ song vẫn chưa 'hạ gục' nhau". Bà Betty đệm theo: "Chúng tôi cũng có lần to tiếng, song ơn Chúa, ông ấy chưa bao giờ đánh tôi và tôi cũng vậy".
Đến lượt ông Morrie đùa sẽ đổi bà để lấy hai phụ nữ 50 tuổi. Song cho dù họ đã tranh luận gì chăng nữa, thì đó cũng chỉ là câu chuyện của quá khứ. Bà Betty vừa nói vừa quàng tay qua cổ ông Morrie: "Bây giờ cuộc sống của chúng tôi bình yên”.
Cụ ông Morrie
Chia sẻ về bí quyết của cuộc hôn nhân kéo dài gần 80 năm của mình, bà Betty cho rằng, các cặp đôi đừng để bất kỳ lời càu nhàu, ca thán nào biến thành cơn giận dữ. "Lòng khoan dung và sự tôn trọng. Bạn phải có hai hành trang đó. Morrie chưa bao giờ dùng từ yêu. Tôi thì có, song hành động từ 'phía đối phương' cũng đồng nghĩa như vậy".
Tại sao không nói lời yêu? Ông Morrie trả lời: "Đối với tôi, từ yêu mang tính chất sở hữu, kiểm soát và đòi hỏi. Tôi muốn sử dụng từ khác thay thế đó là 'quan tâm'. Bạn quan tâm đến mọi người. 'Quan tâm' đối với tôi có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Yêu là từ riêng tư song từ đó mọi người còn dùng để nói tất cả mọi thứ có thể. Ví dụ, tôi yêu môn quần vợt. Tôi ôm, hôn vợ mình thường xuyên, tôi quan tâm, săn sóc bà ấy rất nhiều". Ông Morrie cho biết ngày ông bà về bên nhau là ngày may mắn nhất trong cuộc đời của ông.
Họ gặp nhau tại New York vào năm 1938 tại lễ cưới của anh họ Betty. Tại tiệc cưới, cô Betty khi đó ngồi bàn ăn bên trái chàng Morrie. Ông Morrie kể: "Ngồi bên phải tôi là Rose Lebovsky, một cô gái rất xinh đẹp, kiêu sa, con nhà giàu có. Betty đã hỏi tôi: Sao anh lại chọn em? Tôi nói: Đó là vì em ăn ít hơn".
Bạn bè của Betty không tin tưởng lắm vào chàng thợ máy hào hoa, người đã lớn lên ở khu nhà tập thể ở East Harlem. Song Betty đã đồng ý để Morrie chở về nhà.
Cụ bà Betty
Bà kể lại: "Ông ấy khi đó rất điển trai với mái tóc xoăn, đen. Trong một buổi hẹn hò đầu tiên, ô tô bị hỏng và ông ấy chỉ lặng lẽ, kiên nhẫn sửa. Không rối rít, kêu ca như những người khác và điều đó làm tôi ấn tượng". Óc hài hước của ông Morrie cũng là một điểm khiến bà Betty xiêu lòng.
"Bà đã có một lời cầu hôn đáng nhớ?" Bà Betty trả lời "Ồ, không. Ông ấy chưa bao giờ cầu hôn. Ông ấy chỉ hỏi: Em có thích sống ở California không?"
Rồi Morrie gửi vé xe buýt cho Betty và đón bà ở Los Angeles sau một cuôc hành trình kéo dài bốn ngày. Họ đã tìm thấy một giáo sỹ Do Thái trong khả năng chi trả của mình và có một buổi lễ đơn giản cùng với lời chúc phúc: "Cầu chúc cuộc hôn nhân của các con tinh khiết như vàng ở nhẫn trên tay”. Betty và Morrie nhìn nhau cùng phá lên cười bởi họ đã mua phải một chiếc nhẫn vàng giả ở Woolworths.
Bà Betty cho biết tuổi già đã lấy đi của bà nhiều năng lượng: "Tôi đi không vững và bị lẫn". Song ông Morrie và bà Betty vẫn đi ra ngoài ăn sáng và sức khoẻ giảm sút được bù đắp phần nào chính bởi sự cảm kích sâu sắc về thế giới xung quanh họ. Bà Betty thích ngồi ngoài một quán cà phê địa phương để ngắm mặt trời mọc và lặn, muốn được trông thấy những đứa trẻ chơi té nước ở đài phun nước gần đó...
Ông Morrie nói một cách trầm tư: "Tôi đã sống một cuộc đời dài và trọn vẹn. Tôi chưa bao giờ có một phút buồn chán. Tôi luôn bận rộn với công việc hay làm mọi thứ, hoặc chụp ảnh, hay đi du lịch và gần đây nhất là việc viết lách (ông vừa hoàn thành một cuốn hồi ký). Và luôn có một cuốn sách nữa để đọc. Đôi khi, ông nói: "Tôi có quá nhiều thứ để làm, tôi không có thời gian để chết".
Trước ngày sinh nhật lần thứ 99 của mình, ông Morrie gần kề đến "cửa tử” khi bị nhồi máu cơ tim, song bà Betty đã nhanh chóng gọi xe cấp cứu. "Bà ấy đã cứu vớt cuộc đời tôi”, ông nói. Ngay sau khi trải qua phẫu thuật, ông Morrie trở lại nguyên với con người sống động và hài hước. Ông nói: "Các bác sỹ phẫu thuật mà làm tôi chết thì không phải là ý tưởng tốt đâu, vì tôi có quan hệ tốt với các luật sư”.
Sống một cuộc sống dài và hạnh phúc như ngày hôm nay, theo ông Morrie, đó là một điều may mắn. Ông nói: "Nếu tôi là một người tín ngưỡng, tôi sẽ quy cho sự trường thọ của mình là nhờ ơn đấng tối cao. Song tôi không phải là người như vậy, nên tôi đơn giản nghĩ đó là nhờ may mắn". Điều may mắn thứ hai của ông đó là con gái của ông bà sống ở toà nhà bên cạnh, vì vậy nếu một trong hai ông bà ra đi trước cũng sẽ không để lại sự quá trống trải cho người còn lại.
Là người cảm thấy thời gian còn lại của mình không lâu, ông Morrie khuyên rằng "bạn không cần nhiều tiền để sống một cuộc sống nhiệt huyết và tích cực".
Tay để bên đầu gối bà Betty, ông Morrie nhìn vợ của mình, người mà ông chưa bao giờ nói lời yêu và nói: "Sau 78 năm, tôi có thể nói tôi đã không phạm sai lầm. Chúng tôi cũng có những lúc sóng gió, song chúng tôi vẫn ở đây, luôn bên nhau".