MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi nào là thời điểm tốt để yêu cầu sếp tăng lương?

10-03-2018 - 13:10 PM | Sống

Công ty sẽ không quan tâm đến các vấn đề rắc rối cá nhân liên quan đến tài chính của bạn. Mức lương bạn nhận được chính là giá trị sức lao động của bạn trong công việc.

Theo một khảo sát do trang tìm kiếm việc làm JobStreet.com thực hiện năm 2017 cho thấy Việt Nam có tốc độ tăng lương bình quân năm nhanh nhất so với khu vực. Cụ thể, tính trung bình tỷ lệ tăng lương của Việt Nam từ 20% đến 24%, trong khi ở các nước khác chỉ khoảng 16%. Những vị trí có tốc độ tăng lương cao bao gồm giám đốc cấp cao, trưởng phòng cấp trung.

Tuy nhiên nếu bạn là một nhân viên bình thường và muốn tăng lương sau một thời gian gắn bó với công ty thì phải đề xuất ra sao? Theo các chuyên gia quản lý nhân sự, đàm phán tăng lương trong nội bộ tổ chức cũng cần những điểm chú ý tinh tế ít người để ý tới.

Chuẩn bị một lý do hợp lý

Nếu bạn muốn yêu cầu tăng lương, hãy chuẩn bị một lý do hợp lý. Công ty sẽ không quan tâm đến các vấn đề rắc rối cá nhân liên quan đến tài chính của bạn. Mức lương bạn nhận được chính là giá trị sức lao động của bạn trong công việc.

Trước khi đưa ra đòi hỏi tăng lương, bạn cần chuẩn bị danh sách những việc đã hoàn thành tốt tác động tích cực tới quyết định tăng lương cho bạn từ lãnh đạo. Bạn nên nghiêm khắc với bản thân trong quá trình tổng hợp thông tin về thành tựu công việc. Thành thực đánh giá liệu bạn đã trang bị được đầy đủ các kỹ năng cần thiết, hoàn thành vượt mức công việc, vượt quá những kỳ vọng đủ để công ty phải tăng lương để giữ bạn ở lại hay chưa?

Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo bằng cách so sánh mức lương của bạn với mức lương của những người trẻ khác ở cùng vị trí. Đừng quên những khoản lương thưởng khác bạn nhận được từ công ty như tiền thưởng, cổ phiếu, bảo hiểm và tiền hoàn phí.

Thời điểm đàm phán vô cùng quan trọng

Đó là sau khi bạn nhận được đánh giá tốt về quá trình làm việc, có những thành tựu nổi bật trong công việc, được cấp trên khen ngợi, đồng nghiệp công nhận. Bạn cũng cần xem xét giữa nhu cầu cá nhân và hoàn cảnh thực tế, đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay, tình trạng tài chính của công ty và những chính sách về lương thưởng.

Trong môi trường doanh nghiệp hiện nay, nhiều công ty tăng lương trước hoặc một số chỉ tăng lương ở một thời điểm nhất định trong năm. Một vài công ty cũng phân chia các thứ bậc, đề ra mức lương cố định để tránh việc đòi hỏi tăng lương vượt quá so với trình độ hoặc chức vụ của nhân viên. Bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức nếu tìm hiểu trước về những thông tin đó.

Bạn nên chọn thời điểm khi tình hình công ty đang ổn định, khối lượng công việc vừa phải và cấp trên của bạn không gặp quá nhiều áp lực để chủ động đưa ra đòi hỏi tăng lương.

Trước buổi gặp, hãy xác định cụ thể con số bạn có thể chấp nhận, chuẩn bị tâm lý và phản ứng nếu yêu cầu không được đáp ứng. Bạn cũng có thể tập trước giọng điệu và phong thái của mình, sao cho những lời nói của bạn hợp lý và thuyết phục nhất.

Trong buổi thương lượng, nếu không được trả lương tương xứng và không đáp ứng được kỳ vọng đặt ra, bạn cũng không được cư xử tiêu cực. Tỏ ra giận dữ cùng với thái độ bất mãn sẽ chỉ khiến cuộc thương lượng thất bại, không những lần này mà còn cả lần sau nữa.

Bạn cần duy trì sự bình tĩnh, thái độ tích cực và chuyên nghiệp. Bạn có thể nói với cấp trên là bạn hạnh phúc như thế nào khi được làm việc cho công ty, quá trình làm việc, những mục tiêu trước mắt, định hướng gắn bó lâu dài với công ty, những đề xuất và giải pháp mang tính xây dựng đối với sự phát triển chung của công ty.

Nếu cấp trên từ chối tăng lương cho bạn, hãy tiếp tục lắng nghe. 

Có thể thay vì tăng lương trực tiếp cho bạn, cấp trên sẽ đưa ra những bổng lộc khác như tăng thời gian nghỉ, giờ làm việc linh động hơn, thưởng xứng đáng với công sức của bạn hơn.

Dù đã nỗ lực hết sức, bạn có thể vẫn không đạt được mức đền bù xứng đáng khi đòi hỏi tăng lương của bạn không được chấp nhận. Đôi khi cách duy nhất để được tăng lương là đổi công việc khác. Tuy nhiên, nếu bạn chưa sẵn sàng làm điều đó, hãy cố gắng vượt qua những suy nghĩ tiêu cực trước mắt.

Chủ động tìm hiểu, tham khảo ý kiến cấp trên về những việc bạn cần làm để được tăng lương đồng thời tìm cách quay lại vấn đề này trong tương lai. Đừng đưa ra kết luận cuối cùng nếu bạn chưa thực sự sẵn sàng.

Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

Trở lên trên