Khi nào sự tích cực trở nên "độc hại"? Câu trả lời có thể khiến bạn nhận ra, bấy lâu nay bản thân vẫn luôn "ngược đãi" cảm xúc
Ai cũng muốn có một cái nhìn lạc quan với cuộc sống để được vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng "cố quá" lại thành "quá cố", không phải trong tình huống nào sự tích cực cũng tốt, mà chúng có thể trở thành liều thuốc độc.
Tích cực độc hại là gì?
Hãy thử tưởng tượng chú cún cưng lâu năm của bạn qua đời, hẳn bạn sẽ tự an ủi bản thân "Ít nhất thì nó không phải chịu đau đơn nữa", "Mình có thể dành thời gian cho những người bạn khác và tập trung vào công việc". Nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng chúng không có tác dụng. Cách nghĩ đó chỉ khiến bạn cảm thấy tệ hại, thà rằng cứ cảm thấy buồn bã sẽ tốt hơn.
Khi phải đối mặt với những điều không may, mọi người nghĩ nên suy nghĩ đến những thứ tích cực. Thậm chí có rất nhiều khóa học, doanh nhân khuyên bạn nên làm vậy. Đó thực sự là một lời khuyên tốt. Không những vậy, thái độ sống lạc quan còn được khoa học chứng mình mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe và tinh thần của con người.
Tuy nhiên, tích cực cũng có nhiều dạng và không phải sự tích cực nào cũng tốt. Việc cố gắng tỏ ra lạc quan khi cảm xúc bên trong không như vậy để lại nhiều hậu quả. Nó được gọi là "toxic positivity", hay là sự tích cực độc hại.
Theo Stephanie Preston - giáo sư tâm lý học tại đại học Michigan: "Tích cực độc hại là khi con người lạm dụng hoặc bắt ép những cảm giác tích cực, sự lạc quan đè nén đi những lo lắng, sự buồn bã của họ. Ai cũng có thể trải nghiệm hiện tượng này, từ người hướng ngoại cố giữ tinh thần vui vẻ của mình, hay một người trầm tính tự nói với bản thân cho tới cách mọi người an ủi nhau để vượt qua khó khăn. Dù đối tượng là ai, trong bất cứ tình huống nào, sự tích cực này cũng đem lại kết quả trái ngược".
Gail Saltz - giáo sư khoa tâm thần bệnh viện New York Presbyterian cho biết: "Cụm từ ‘Tích cực độc hại’ không phải một thuật ngữ y khoa mà phát sinh trong cuộc sống thường ngày. Đó như một cơ chế phòng ngự những tác nhân gây nên cảm xúc buồn bã, giận dữ, lo lắng...".
Khi liều thuốc chữa bệnh thành độc dược
Sự xuất hiện của hiện tượng này không mang tính quy chụp sự tích cực nói chung. Cuộc sống rất ngắn ngủi nên hãy có một cái nhìn lạc quan, vui vẻ, tự khích lệ bản thân và mọi người.
Preston nói: "Khao khát hạnh phúc là nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Dễ hiểu khi bạn muốn tránh những suy nghĩ tiêu cực trong các tình huống vượt khỏi tầm kiểm soát, để không vướng phải những cảm xúc thứ cấp".
"Cảm xúc thứ cấp" (meta/secodary emotion) - là phản ứng trước cảm xúc của chính mình. Ví dụ, bạn buồn bã sau khi chia tay người yêu (cảm xúc) và bạn cảm thấy xấu hổ vì chính điều đó (cảm xúc thứ cấp).
Cô nói thêm: "Tuy nhiên, khi bạn áp đặt lên người khác, ví dụ như thể hiện quan điểm bản thân thái quá thay vì đồng cảm, chỉ trích vì quá đa cảm hay bắt ép phải cư xử khác đi, thì bạn cần dừng chúng lại".
Biểu hiện
- Che giấu cảm xúc thật.
- Cố gắng chịu đựng những điều mình không thích bằng cách gạt bỏ cảm xúc khó chịu của bản thân.
- Chối bỏ trải nghiệm tiêu cực của người khác bằng những câu nói tích cực.
- Cố gắng đưa ra quan điểm thay vì thấu hiểu cảm xúc của người khác.
- Hạ thấp người khác khi họ có những cảm xúc không tích cực.
- Loại bỏ những điều phiền muộn với suy nghĩ "Mọi thứ vốn dĩ là như vậy!". Cảm thấy tội lỗi vì cảm xúc tiêu cực (giận dữ, xấu hổ, thất vọng,...) của bản thân.
Hậu quả
Việc kiềm nén cảm xúc là tác nhân dẫn tới nhiều bệnh lý tinh thần và tăng mức độ của cảm xúc tiêu cực.
Theo nhà tâm lý học lâm sàng Jaime Zuckerman, sự tích cực độc hại thực chất là một cách chối bỏ những khó chịu bên trong. Khi bị chối bỏ, những cảm xúc tiêu cực dần trở nên lớn hơn vì mãi vẫn không được xử lý.
Ngoài ra, họ sẽ khó kết nối với những người xung quanh. Khi phủ nhận cảm xúc của mình, chúng ta dần mất kết nối với bản thân. Điều đó cũng khiến người khác cảm thấy khó liên kết với chúng ta hơn. Khi ấy, bạn đang cố tạo nên "vỏ bọc" rằng mình ổn và không cần đến sự giúp đỡ.
Làm sao để tránh khỏi hiện tượng này?
Preston chia sẻ: "Cảm xúc thay đổi là những tín hiệu cảnh báo để chúng ta kịp thời xử lý. Không có một cảm xúc nào là xấu mà chỉ là sự không thoải mái tạm thời. Hãy lắng nghe suy nghĩ, cảm nhận của chính mình và mọi người. Để chúng được tồn tại. Những vấn đề sẽ được xử lý hiệu quả hơn khi bạn nhận biết cảm xúc và tập trung giải quyết nó".
Thiền định là một phương pháp hữu hiệu, đây là hoạt động giúp nhận thức suy nghĩ và cảm xúc bên trong mỗi người.
Cô nói thêm: "Nếu cảm thấy không đủ mạnh mẽ để đối mặt với những xúc cảm của bản thân hay người khác cũng không sao hết. Bạn chỉ cần dành thời gian lắng nghe và thấu hiểu, thay vì cố cự tuyệt cảm xúc".
*Theo Thehealthy.com