Khi ngân hàng lớn cũng kẹt đường tăng vốn
Hiện nay các ngân hàng thương mại, kể cả các ông lớn có cổ đông Nhà nước chi phối đang chật vật tìm cách tăng vốn để đáp ứng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) thông qua nhiều cách như bán vốn hoặc không chia cổ tức.
- 17-10-2016Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động khối ngân hàng thương mại giảm
- 27-09-2016Vốn ngân hàng “ế”, vì sao?
Kế hoạch vẫn chỉ nằm trên giấy
Mùa ĐHCĐ thường niên 2016 đã cho thấy năm nay sẽ hứa hẹn là một năm vô cùng sôi động của các nhà băng có kế hoạch tăng vốn. Hàng loạt ngân hàng lớn, nhỏ đều xin cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn trong mùa Đại hội năm nay.
Lãnh đạo của một số ngân hàng cho chúng tôi biết, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết do các ngân hàng đang tiến tới áp dụng chuẩn mực Basel II đợt đầu tiên, dự kiến từ tháng 2/2017, với những yêu cầu cao hơn so với quy định tỷ lệ an toàn vốn hiện hành.
Hơn nữa, việc tăng vốn điều lệ/vốn chủ sở hữu do vậy sẽ giúp tăng các giới hạn liên quan tới cấp tín dụng cho khách hàng, thêm nguồn vốn trung, dài hạn để tài trợ cho các chương trình cấp tín dụng của ngân hàng. Ngoài ra, việc tăng vốn giúp các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, ứng phó biến động thị trường.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các ngân hàng, hạn chế trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, để nâng cao năng lực vốn.
Nhưng thống kê nhanh của chúng tôi cho thấy, trong năm 2016 có hơn 10 ngân hàng đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo số liệu được công bố gần nhất thì rất hiếm ngân hàng trong danh sách này được xem là hoàn thành chỉ tiêu.
Ông lớn cũng chật vật
Tại ĐHCĐ bất thường diễn ra mới đây, ngân hàng BIDV đã chốt phương án chi trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ giữ nguyên ở mức 8,5%. Tuy nhiên, thay vì bằng cổ phiếu, hình thức chi trả cổ tức sẽ là bằng tiền mặt.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2016, cổ đông BIDV đã nhất trí chi trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 8,5% với hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng sau, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV và VietinBank biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước vào ngân sách.
Có ý kiến cho rằng do khó khăn về ngân sách nên Bộ Tài chính phải đòi cổ tức của các ngân hàng. Nhưng theo cơ quan này, việc một số ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ đã tự quyết định hình thức phân chia lợi nhuận là không đúng theo quy định của pháp luật, không thống nhất với Bộ Tài chính.
Với 3.418 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính, BIDV sẽ phải chi trả 2.900 tỷ đồng cổ tức lần này. Với việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt, cổ đông nhà băng này cũng đặt ra câu hỏi về hệ số CAR liệu có đạt yêu cầu không?
Lãnh đạo ngân hàng BIDV cho biết hiện hệ số CAR của BIDV là hơn 9%, gần ngưỡng quy định. BIDV là một trong 10 ngân hàng được lựa chọn để thực hiện áp dụng tiêu chuẩn Basel II dự kiến vào năm sau. Nếu sang năm tiếp tục chi trả cổ tức bằng tiền mặt, BIDV sẽ phải điều chỉnh các hoạt động để đảm bảm hệ số CAR bằng cách vừa tăng trưởng trưởng vốn tự có vừa kiểm soát, gia tăng vừa phải tài sản có rủi ro. Vì vậy, việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu là điều ngân hàng rất cân nhắc. Việc trả tiền mặt để nộp ngân sách sẽ rất khó để tăng vốn.
Trong khi đó, tại ĐHCĐ thường niên diễn ra tháng 4, VietinBank tuyên bố không trả cổ tức năm 2015. Lãnh đạo ngân hàng giải trình việc không chia là có ý nghĩa chiến lược để VietinBank nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn, tiếp tục phát triển hoạt động, đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đồng thời gia tăng sức mạnh để VietinBank hội nhập khu vực và quốc tế.
Cùng chung một số phận nhưng BIDV đã công bố trả cổ tức bằng tiền mặt, theo ý kiến của giới quan sát VietinBank cũng khó tránh khỏi tình huống tương tự?!
Thương vụ nhận sáp nhập PGBank được dự kiến và mong mỏi sẽ hoàn tất vào cuối năm, giúp VietinBank nâng vốn điều lệ lên 49.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay ngân hàng vẫn chưa công bố về tiến độ của thương vụ này đi đến đâu.
Chỉ duy nhất Vietcombank trong số nhóm các ngân hàng lớn được xem là thành công khi mới đây ngân hàng này công bố thỏa thuận ghi nhớ bán cho nước ngoài. Cụ thể, quỹ GIC (Singapore) sẽ hoàn tất thương vụ mua 7,73% cổ phần của Vietcombank vào cuối năm, tiếp đó, Vietcombank sẽ phát hành cổ phiếu thưởng 35% theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông đầu năm 2016.
Bên cạnh các ngân hàng lớn thì hàng loạt ngân hàng khác vẫn "dậm chân tại chỗ" khi chưa thể tăng vốn. Việc thực hiện kế hoạch tăng vốn là không dễ, nhất là đối với nhà băng quy mô vừa và nhỏ. Những ngân hàng có hệ số an toàn vốn - CAR chưa cao sẽ phải tính đến phương án tăng vốn cấp 1 hoặc cấp 2.
Rõ ràng, áp lực đang ngày càng đè nặng lên đôi vai của các ngân hàng trong hệ thống để tuân theo các chuẩn mực quốc tế.
"Hệ số CAR của nhiều ngân hàng đang ở mức tối thiểu 9%. Với hệ số CAR như hiện nay, ngoài cách chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc không chia các ngân hàng cần phải đẩy nhanh việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài hoặc phát hành thêm cổ phiếu", một chuyên gia bình luận.