Khi người Nhật ám ảnh với... đúng giờ
Đất nước Nhật Bản vào tháng rồi đã chấn động bởi vụ bê bối liên quan đến chuyện Bộ trưởng An ninh mạng và Thế vận hội Yoshitaka Sakurada đến muộn 3 phút trong một cuộc họp Quốc hội.
Đối mặt sự phản đối mạnh mẽ của phe đối lập và công chúng, ông Sakurada buộc phải lên tiếng xin lỗi. Theo báo South China Morning Post, vụ việc phần nào nêu bật tầm quan trọng của tính đúng giờ trong mắt người Nhật Bản. Còn nhớ hồi năm 2018, Công ty Đường sắt JR-West đã hứng chịu làn sóng chỉ trích vì một chuyến tàu của họ rời ga sớm 25 giây.
Công ty Đường sắt JR-West đã hứng chịu làn sóng chỉ trích vì một chuyến tàu của họ rời ga sớm 25 giây Ảnh: SHUTTERSTOCK
Trong mắt người nước ngoài, nỗi ám ảnh về đúng giờ thường bị xem là một trong những điều kỳ lạ nhất ở Nhật Bản. Tuy nhiên, chính sự chậm chạp ở nơi làm việc lại có tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Theo một báo cáo của Công ty Heathrow Express, những người hay đi làm việc trễ nải khiến nền kinh tế Anh chịu tổn thất đến 11,7 tỉ USD.
Trong khi đó, theo một báo cáo năm 2018 của tạp chí Inc, tình trạng đi làm trễ giờ khiến 2 bang New York và California tại Mỹ bị thiệt hại 700 triệu USD và 1 tỉ USD. Ông Makoto Wantanabe, chuyên gia tại Trường ĐH Hokkaido Bunkyo (Nhật Bản) nhận định sự đúng giờ gắn liền với hiệu suất làm việc tại các doanh nghiệp. "Nếu người lao động đến muộn, công ty sẽ thiệt hại" - ông nhận định.
Tuy nhiên, không phải ai ở Nhật cũng thấy thoải mái với văn hóa xem trọng tính đúng giờ. "Bạn gái tôi làm việc cho JR Railways. Cấp trên đã cảnh báo cô ấy vì đến muộn 10 giây" - Takoyada Shinoda, một chàng trai 21 tuổi, phàn nàn. Thậm chí, từng có bi kịch xảy ra liên quan đến vấn đề này. Hồi năm 1990, một nữ sinh 15 tuổi đã thiệt mạng do bị cánh cổng nhà trường chèn chết tại tỉnh Hyogo. Nạn nhân gặp chuyện khi tìm cách vượt qua cánh cổng đóng lúc 8 giờ 30 phút (giờ địa phương).
Người Lao động