MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi người Singapore dần cởi bỏ khẩu trang...

31-03-2022 - 13:36 PM | Tài chính quốc tế

Từ Việt Nam quay lại Singapore, cả nhà chúng tôi cảm thấy vô cùng hào hứng. Lúc quay lại đảo quốc sư tử, việc đeo khẩu trang khi ra ngoài sẽ là lựa chọn chứ không phải bắt buộc.

Nếu nói về kiểm soát đại dịch Covid-19 chặt chẽ và nghiêm ngặt, ngoài Trung Quốc, đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) thì chắc khó có ai làm nghiêm và chặt đến... nghẹt thở như Singapore. Sau hơn 2 năm bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà nếu không muốn bị phạt 300 SGD (khoảng 5 triệu đồng), cho nên quy định mới này với chúng tôi là một tin vui.

Tuy nhiên, thói quen đeo khẩu trang kéo dài và nỗi lo vẫn còn có thể bị lây nhiễm khiến nhiều người chưa quen với cảm giác không đeo khẩu trang.

Trưa 30-3, ngày thứ 2 chính thức áp dụng quy định được phép bỏ khẩu trang nếu đi ra ngoài, tỉ lệ người bỏ khẩu trang vẫn rất ít. Ở trạm xe buýt Little India trên đường Bukit Timah, hơn 90% người đứng chờ xe buýt vẫn còn đeo khẩu trang.

Cô giúp việc người Myanmar Soe Soe ở nhà tôi kể cô vẫn cảm thấy sợ bị phạt suốt 2 ngày vừa qua vì trên đường đi ra chợ Pek Kio vẫn còn rất nhiều người đeo khẩu trang nên việc cô không đeo giống như "đang vi phạm" quy định phòng chống dịch.

Khi người Singapore dần cởi bỏ khẩu trang... - Ảnh 1.

Nhiều người vẫn đeo khẩu trang khi ra đường như một thói quen đã hình thành trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hơn 2 năm qua

Theo quy định mới được áp dụng, các hoạt động trong nhà (vào siêu thị, thể thao trong nhà, đi xe buýt, đi thang máy…) vẫn bắt buộc đeo khẩu trang. Chính phủ Singapore cũng cho phép các nhóm tụ tập, gặp gỡ có thể tăng từ 5 người như trước đây lên 10 người. Với công sở, trường học, sự kiện thì cho phép tụ tập 1.000 người và nhiều quy định chặt chẽ cũng được nới lỏng.

Gần 90% dân số Singapore tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầy đủ và gần 70% dân số đã tiêm mũi 3. Singapore cũng đã triển khai tiêm ngừa cho trẻ từ 5-11 tuổi từ năm ngoái và đa phần đã tiêm đủ 2 mũi.

Có lẽ vui nhất là mấy trẻ ở bậc tiểu học, khi các môn học thể dục thể thao trong trường được mở trở lại. Con trai lớn nhà tôi đăng ký chơi quần vợt ở trường nhưng mấy năm qua vì dịch Covid-19 buộc phải ngưng.

Ngày học đầu tiên của học kỳ thứ II (năm học ở Singapore năm nay bắt đầu từ ngày 3-1 và chia làm 4 học kỳ, kết thúc vào giữa tháng 11), con trai dậy sớm hơn mọi khi, hứng thú chuẩn bị vợt, giày để sau giờ học ở trường sẽ cùng bạn được chạy nhảy, đánh banh.

Tôi cũng không thể nào tả được sự xúc động khi nhìn và đọc những dòng chữ hân hoan với các tấm ảnh cập nhật ở tài khoản Facebook của trường con trai khi lần đầu tiên sau hơn 2 năm, tất cả học sinh được đứng cùng nhau trong hội trường. Một niềm vui bình dị mà to lớn lắm thay!

Vui đó nhưng nhiều gia đình cũng âu lo khi chi phí trung bình mỗi tháng ở Singapore - quốc đảo luôn nằm trong tốp 3 thành phố sinh sống đắt đỏ nhất thế giới trong nhiều năm qua - đã gia tăng, khiến cuộc sống nhiều người thêm căng thẳng. Cuộc xung đột diễn ra tại Ukraine và giá xăng dầu leo thang khiến giá thực phẩm và dịch vụ cùng tăng.

Kênh truyền hình Channel News Asia của Singapore làm một khảo sát đối với 14 loại thực phẩm phổ biến được bán ở siêu thị, cho thấy có đến 8 loại tăng giá hơn so với cùng kỳ năm ngoái, 3 loại giá không đổi và chỉ 3 loại giảm giá - gồm thịt đông lạnh, cam và táo.

Theo Lê Lam

Người Lao động

Trở lên trên