MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi nhà máy Mỹ rời bỏ Trung Quốc: Liệu Mexico có trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam?

Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico – Canada (USMCA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, mở ra cơ hội cho Mexico vốn gần Mỹ về mặt địa lý, chính trị. "Mexico đã và sẽ luôn luôn là đối tác quan trọng của Mỹ", ông Đặng Hoàng Hải Anh, Giáo sư thỉnh giảng ĐH Indiana, Mỹ nói với Trí Thức Trẻ. Điều này đặt trong bối cảnh làn sóng doanh nghiệp Mỹ rời bỏ Trung Quốc tạo ra nhiều ý nghĩa.

Nước Mỹ đồng thuận về giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc


-Gần đây truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc đang đối diện với làn sóng phẫn nộ từ Mỹ, châu Âu vì đại dịch Covid-19. Tại Mỹ, theo cảm nhận của ông, vấn đề này được nhìn nhận như thế nào?

Tôi nghĩ vấn đề này phức tạp và nên được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Về mặt dịch tễ, dịch bệnh như cúm Covid-19 chưa có tiền lệ trong khoảng trăm năm nay nên đã gây ra nhiều sự bất ngờ cho các chính phủ. Về mặt thông tin, gần đây một số kênh truyền hình và báo chí trong Mỹ cũng đưa tin chính quyền muốn điều tra kỹ về nguồn gốc, cách thức lây lan ban đầu, cũng như thời điểm dịch cúm bắt đầu.

Truyền thông cũng có nêu giả thiết là nếu có những cảnh báo sớm hơn khi dịch bệnh mới bắt đầu, thì có thể cộng đồng quốc tế đã có những biện pháp phòng ngừa sớm hơn. Nhưng chúng ta cần theo dõi tình hình thêm và không nên vội vàng đưa ra kết luận.

-Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ - Larry Kudlow, cho biết Washington sẽ bù đắp chi phí khi các công ty nước này đưa hoạt động sản xuất ra khỏi đại lục – dù chưa có kế hoạch chi tiết. Điều này được giới học giả, nghiên cứu tại Mỹ đánh giá như thế nào?

Ý tưởng này mới được ông Larry Kudlow đưa ra gần đây, nhưng cũng phản ánh quan điểm đa số hiện nay trong giới học giả và lưỡng đảng ở Mỹ là cần giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế Mỹ vào Trung Quốc. Một số mặt hàng Mỹ gần như nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, chẳng hạn như hơn 90% thuốc kháng sinh, 70% điện thoại thông minh, và 70% nước táo.

Tuy nhiên, quan hệ kinh tế Mỹ-Trung đã hoạt động khá tốt (trước khi dịch bệnh xảy ra) trong vòng mấy chục năm qua, nên việc Mỹ muốn chuyển dần chuỗi sản xuất sang các nước khác sẽ cần thời gian. Việc thực hiện kế hoạch này cũng đòi hỏi chi phí khá lớn, nên có thể khó khả thi trong ngắn hạn khi mà Mỹ vẫn chưa khống chế xong dịch bệnh.

Khi nhà máy Mỹ rời bỏ Trung Quốc: Liệu Mexico có trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam? - Ảnh 1.

Với cá nhân ông thì sao?

Tôi cho là trong tương lai dài hạn, chính quyền Mỹ sẽ tìm cách đa dạng hóa các đối tác thương mại và sẽ chuyển bớt các hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc thời gian qua cũng bắt đầu khiến một số chính khách và học giả lo ngại sẽ đe dọa vị thế của nước Mỹ. Đã có những nguồn tin trên báo chí về việc giới hạn các dự án liên quan đến chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, hay thậm chí xu hướng giảm bớt số lượng sinh viên Trung Quốc ở Mỹ.

Bên cạnh đó, chi phí lao động ngày càng tăng cao hơn ở Trung Quốc cũng khiến một số công ty Mỹ muốn di chuyển nhà máy tới nơi khác có chi phí thấp hơn.

-Việc đưa sản xuất về Mỹ được các nhà nghiên cứu đánh giá ra sao? Có những sự lựa chọn ở nước ngoài nào được cân nhắc?

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc đưa sản xuất về Mỹ sẽ kém hấp dẫn vì chi phí lao động cao. Ví dụ như mức lương tối thiểu ở Mỹ cao gấp 4 lần ở Trung Quốc. 

Như vậy các nước có chi phí nhân công rẻ, và chế độ chính trị tương đối ổn định để thay thế Trung Quốc có thể là trong khu vực Mỹ La tinh như Mexico, hay trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines hoặc Việt Nam.

Khi nhà máy Mỹ rời bỏ Trung Quốc: Liệu Mexico có trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam? - Ảnh 2.

Thu hút doanh nghiệp Mỹ, lợi thế Việt Nam là gì?


-Với Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), liệu Mexico có trở thành kẻ cạnh tranh lớn của Việt Nam hay không?

Tôi cho rằng Mexico đã và sẽ luôn luôn là một đối tác quan trọng của Mỹ vì nhiều lý do. Thứ nhất là khoảng cách địa lý gần gũi thuận tiện cho việc giao thương. Thứ hai là yếu tố chính trị, vì Mỹ cần một đồng minh tin cậy trong khu vực. Ngoài ra cả hai nước cũng đã sẵn có một bề dày quan hệ về thương mại và văn hóa gắn bó theo thời gian. Vì thế có lẽ sẽ thực tế hơn khi Việt Nam xác định cho mình những lợi thế riêng trong quan hệ với Mỹ.

Những lợi thế mà Việt Nam có thể khai thác là một thị trường có nhiều tiềm năng, chi phí lao động tương đối thấp, dân số khá trẻ, năng động, và thân thiện với nước Mỹ. Việt Nam cũng có lợi thế nhất định với yếu tố địa chính trị trong khu vực. 

Ngoài ra, cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng lên tới gần 2 triệu người, có vị trí trong nhiều ngành nghề kỹ thuật cao, với thu nhập bình quân cao hơn mức trung bình của xã hội. Đây là những lợi thế trong quan hệ thương mại với Mỹ không phải quốc gia nào cũng có được, mà chúng ta cần tận dụng hơn nữa.

-Tại Mỹ, theo quan sát của ông, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khi nhìn về thị trường Việt Nam, họ đánh giá như thế nào? Liệu Covid-19 có phải là dịp để họ quan tâm hơn Việt Nam khi chúng ta được truyền thông quốc tế nhắc đến nhiều như là một đất nước có sự quản trị tốt khi xảy ra sự cố?

Các nhà đầu tư Mỹ đang ngày càng quan tâm hơn đến Việt Nam, vì những lợi thế nêu ở trên. Và nhất là nếu Việt Nam có thể chứng tỏ khả năng thay thế được cho thị trường Trung Quốc. Tôi nghĩ thành công kiểm soát Covid-19 của Việt Nam đang được ghi nhận tốt. Chúng ta nên tiếp tục những cố gắng đó để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư từ khắp nơi, không chỉ từ Mỹ.

Khi nhà máy Mỹ rời bỏ Trung Quốc: Liệu Mexico có trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam? - Ảnh 3.

-Việt Nam nếu muốn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ, cần phải làm những gì?

Môi trường kinh doanh thông thoáng, cởi mở với thể chế pháp luật đầu tư nước ngoài rõ ràng là yếu tố hàng đầu. Xu hướng chính phủ điện tử đang được nhiều nước áp dụng trên thế giới có thể giúp tinh gọn thủ tục, phục vụ nhà đầu tư tốt hơn.

Trong khuôn khổ luật hiện hành về tài chính và môi trường, Việt Nam có thể khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới của chính quyền cấp tỉnh để hấp dẫn nhà đầu tư. 

Ví dụ gần đây ở Mỹ, khi Amazon công bố kế hoạch mở trụ sở thứ hai trên nước Mỹ, các chính quyền tiểu bang đều tích cực tìm cách thu hút công ty này về bằng nhiều cách khác nhau như cải cách thủ tục hành chính thật nhanh gọn, ưu đãi thuế, hay giảm giá thuê cơ sở hạ tầng. Bang Virginia thậm chí còn xây hẳn một cơ sở mới cho một trường đại học lớn để có thể cung cấp nhân lực chất lượng cao cho Amazon. Cuối cùng thì Amazon đã chọn bang Virginia.

Tôi cũng cho rằng một giải pháp khác trong tầm tay là chúng ta nên tiến tới phổ cập tiếng Anh ở bậc đại học, để yêu cầu các sinh viên sau khi tốt nghiệp đều phải sử dụng tiếng Anh thành thạo trong công việc. 

Như vậy chúng ta có thể tạo thêm sức hút qua khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng tốt, có thể giao tiếp bằng tiếng Anh cho các doanh nghiệp Mỹ. Một lý do quan trọng mà ngành công nghệ thông tin Ấn Độ phát triển là các kỹ sư của họ đều nói và viết tiếng Anh thành thạo.

-Nếu Việt Nam trở thành quốc gia bổ sung cho sản xuất, bên cạnh Trung Quốc, chúng ta có thể bổ sung cho Trung Quốc những gì?

Chúng ta có thể ưu tiên phát triển các ngành nghề có thế mạnh sẵn có, như là các ngành may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử. Nhưng trong nền kinh tế mở và toàn cầu hóa hiện nay, nền kinh tế nào cũng tham gia vào xuất khẩu.

Yếu tố quyết định hiệu quả và thứ hạng cạnh tranh của mỗi quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu (global value chain) là xuất khẩu loại mặt hàng gì, chất lượng kỹ thuật như thế nào, giá trị có cao hay không?

Một ví dụ là hiện nay có tới 50% thiết bị di động của Samsung cung cấp ra thị trường toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam, nhưng lưu ý là các sản phẩm đó được tạo ra bởi công nghệ của Samsung và do đó phần lớn lợi nhuận bán hàng thuộc về Samsung. Trong khi phần đóng góp của chúng ta hiện nay chủ yếu mới chỉ là ở khâu lắp ráp có hàm lượng giá trị thấp, và do đó lợi nhuận của chúng ta cũng thấp. Cho nên tôi cho rằng chúng ta cần hướng tới nâng cao hàm lượng giá trị xuất khẩu.

Khi nhà máy Mỹ rời bỏ Trung Quốc: Liệu Mexico có trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam? - Ảnh 5.

Nhưng trong lâu dài, tôi cho rằng ngành sản xuất chỉ là điểm tựa ban đầu để chúng ta củng cố vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng này, chúng ta cần phát triển những ngành nghề mới thành thế mạnh của mình, chẳng hạn như công nghệ thông tin (IT). 

Rộng hơn nữa, nếu chúng ta có chính sách giáo dục phù hợp, thì tôi thấy đào tạo nhân lực cao cho ngành IT rất khả thi. Chúng ta có thể tập trung dạy từ bậc tiểu học những kỹ năng cơ bản như toán, tiếng Việt, ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh), và kỹ năng máy tính và số hóa (computer and digital skills). Tôi cho rằng một người trưởng thành nếu nắm vững được các kỹ năng cơ bản này là có thể tự học để trau dồi trình độ suốt cả đời.

Cảm ơn ông!

Khi nhà máy Mỹ rời bỏ Trung Quốc: Liệu Mexico có trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam? - Ảnh 6.

Phương Ánh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên