MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi rác, người dân nên làm gì?

13-06-2024 - 17:30 PM | Kinh tế số

Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện triển khai đồng bộ các giải pháp về chính sách, hành chính, kỹ thuật… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các cuộc gọi rác.

Muốn phát triển SIM mới phải đăng ký đầy đủ thông tin

Ngày 15/4 là thời điểm “khai tử” của SIM rác, tuy nhiên, hiện một số người vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của quy định này và lo ngại tình trạng bị làm phiền vẫn sẽ tiếp diễn cũng như các SIM phát triển mới không đúng quy định.

photo-1718272213752

Các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo là vấn nạn chung của các nước trên thế giớI

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu rõ quan điểm: "Từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định.

Trường hợp phát hiện các vi phạm, Thanh tra Bộ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm (có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển mới); đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có hình thức kỷ luật".

Trên cơ sở đó trong thời gian qua, ngay sau khi nhận được phản ánh (trong đó có phản ánh từ các cơ quan báo chí), Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị (Thanh tra Bộ, Cục Viễn thông) tổ chức khảo sát, kiểm tra, xác minh. Đến thời điểm hiện tại, kết quả xác minh sơ bộ cho thấy các trường hợp này đều có đầy đủ thông tin thuê bao.

"Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông di động, trong thời gian qua các doanh nghiệp đã rà soát, bảo đảm tất cả các SIM đang tồn trên các kênh (các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp) đều tuân thủ theo đúng quy định, muốn phát triển mới phải đăng ký đầy đủ thông tin" - đại diện Cục Viễn thông nhấn mạnh.

Đồng thời các doanh nghiệp đã rà soát, làm rõ (chuẩn hóa lại thông tin, cam kết đang sử dụng đúng mục đích) khoảng 5,75 triệu thuê bao thuộc tập 4-9 SIM/1 giấy tờ.

Trước câu hỏi, Bộ Thông tin và Truyền thông có kế hoạch thanh kiểm tra việc thực hiện phát triển SIM mới của doanh nghiệp không?, Cục Viễn thông cho hay, Cục sẽ tiến hành khảo sát việc các doanh nghiệp viễn thông di động, các tổ chức và các cá nhân liên quan giao kết hợp đồng, mua bán, lưu thông SIM thuê bao di động trên thị trường.

Trong trường hợp phát hiện các dấu hiệu vi phạm, Cục sẽ báo cáo, trình lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép tiến hành thanh tra, kiểm tra việc giao kết hợp đồng, mua bán, lưu thông SIM thuê bao di động trên thị trường. Đồng thời, xử lý vi phạm (nếu có) theo các quy định của pháp luật như Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định 14/2022/NĐ-CP.

Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các cuộc gọi rác

Đối với các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, ông Nguyễn Phong Nhã nêu, bên cạnh công tác xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người sử dụng.

Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện triển khai đồng bộ các phương án, giải pháp về chính sách, hành chính, kỹ thuật… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, cuộc gọi giả mạo từ các số thuê bao điện thoại cố định.

Một trong những giải pháp là triển khai là cấp tên định danh (Voice brandname) các số điện thoại là các số hotline (đường dây nóng) được sử dụng để liên lạc trực tiếp với nhân dân cho các cơ quan nhà nước như Tòa án, Công an, Viện kiểm sát… (hiện nay Bộ đang phối hợp với Bộ Công an để triển khai cấp tên định danh cho các đầu mối ngành công an).

Bên cạnh đó, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cấp tên định danh cho các số hotline chăm sóc khách hàng của mình; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cố định phối hợp thực hiện các biện pháp ngăn chặn các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ các số điện thoại cố định.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý cũng như chỉ đạo các nhà mạng áp dụng các công nghệ kỹ thuật, nhằm hạn chế tối đa việc phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ số thuê bao cố định này.

Khi người dân nhận được tin nhắn, cuộc gọi rác đề nghị: Không thực hiện theo các yêu cầu của các đối tượng; kịp thời phản ánh đến các hệ thống tiếp nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông (tổng đài 5656, website: https://thongbaorac.ais.gov.vn/) hoặc tới tổng đài chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp viễn thông; phản ánh tới cơ quan công an tại địa phương với trường hợp tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Cũng theo Cục Viễn thông, Cục đã có các công văn chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ các số điện thoại cố định. Các doanh nghiệp viễn thông hiện đang tích cực phối hợp triển khai.

Tuy nhiên, các cuộc gọi rác (tele sell, tele marketing), cuộc gọi lừa đảo (spam calls, fisshing call) là vấn nạn chung của các nước trên thế giới. Cơ quan quản lý nhà nước tìm cách ngăn chặn (các biện pháp kỹ thuật, thuật toán để hạn chế) thì đối tượng cũng tìm cách để tránh khỏi các biện pháp kiểm soát này và tiếp tục thực hiện phát tán cuộc gọi.

Vì vậy, đây là cuộc chiến lâu dài giữa cơ quan chức năng và các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông để hưởng lợi, phạm tội, chỉ có thể thấy được các kết quả bước đầu chứ không thể có kết quả triệt để, chấm dứt hẳn vấn nạn này.

Theo Quỳnh Nga

Công Thương

Trở lên trên