Khi những Vato, Fast Go, Aber.. đã tỏ ra đuối sức, liệu tân binh Go-Viet có đủ sức thay thế Uber trở thành đối trọng xứng tầm của Grab?
Thị trường gọi xe công nghệ trở nên nóng hơn bao giờ hết khi Go-Viet, đối thủ được cho là xứng tầm nhất với Grab ở thời điểm hiện tại, đã có màn ra mắt chính thức vào ngày 12/9 vừa qua.
Hậu thâu tóm Uber, thị trường gọi xe công nghệ trở thành sân chơi riêng của Grab
Cuối tháng 3 năm nay, Uber Đông Nam Á tuyên bố bán mình cho Grab, phá vỡ thế chân vạc trong cuộc cạnh tranh giữa Grab, Uber và Taxi truyền thống tại Việt Nam. Khoảng trống thị phần Uber để lại ở thị trường hơn 90 triệu dân với nhu cầu vận chuyển liên tục tăng là địa hạt màu mỡ để các thương hiệu khác nuôi tham vọng thế chân.
Liền ngay sau đó, người ta liên tục nhận thấy sự xuất hiện của những Vato, Xelo, Fast Go, Aber,…và sắp tới là Now (Foody). Chính đồng sáng lập Grab, Tan Hooi Ling cũng thừa nhận trong một buổi gặp gỡ báo chí Việt Nam rằng ngay sau động thái Grab thâu tóm Uber, đã có 9 đơn vị khác cũng triển khai hoạt động dùng khoa học công nghệ kết nối tài xế và khách hàng.
Nhưng tiềm lực tài chính không đủ mạnh để chạy các chương trình khuyến mại, quảng bá rầm rộ nhằm thu hút tài xế và khách hàng là nguyên nhân khiến cuộc chiến giữa các ứng dụng nội và Grab chỉ là cuộc chiến giữa "người khổng lồ" và những "gã tý hon".
Ra mắt từ tháng 6/2018 nhưng theo tiết lộ mới đây, FastGo mới có gần 15.000 đối tác xe ô tô và xe máy tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Vato, nhân tố được nhiều người hy vọng sẽ làm "nên chuyện" sau cuộc tháo chạy của Uber Việt Nam cũng không khá hơn. Chưa rõ quyết định đầu tư 100 triệu USD vào Vato của hãng xe Phương Trang đã tiến hành ra sao và có thay đổi tình hình gì không, nhưng tính đến thời điểm tháng 5 năm nay, nhà sáng lập Trần Thành Nam tiết lộ mạng lưới có 24.000 tài xế đăng ký. Hai con số thống kê kể trên đều quá "khiêm tốn" so với số lượng 175.000 đối tác tài xế đang hoạt động cho Grab.
Xế ít, đồng nghĩa thời gian chờ đợi của khách hàng cho một lượt gọi xe bị kéo dãn ra, chưa kể nhiều ứng dụng mới xuất hiện nên hoạt động không "mượt mà", thiết kế cũng kém thân thiện. Kết quả là người dùng không còn lựa chọn nào khác ngoài Grab, thị trường gọi xe Việt Nam gần như là sân chơi riêng của ông lớn đến từ Malaysia.
Và đúng với kịch bản độc quyền thường thấy trong kinh tế học, giá cho mỗi chuyến đi của Grab sau đó đã tăng chóng mặt. Nhiều khách hàng ước tính giá cước trung bình cho mỗi chuyến đi đã tăng 25-30%. Trong giờ cao điểm, con số này thậm chí có thể tăng gấp đôi.
Tương tự, phía tài xế Grab cũng có nhiều than phiền về việc cắt bớt chương trình thưởng chuyến so với trước đây, bị cấm dùng thêm ứng dụng đặt xe khác và có đội ngũ thường xuyên đi kiểm tra bắt lỗi.
Tình trạng gần như "một mình một ngựa" trên thị trường còn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ đặc biệt khi nhiều tài xế sẵn sàng hủy chuyến nếu khách đi cuốc ngắn, không nhận nếu khách thanh toán bằng GrapPay thay vì trả tiền mặt,…
Go-Viet, tân binh được kỳ vọng thay thế Uber
Giữa lúc thị trường gọi xe Việt Nam đang "khát" một nhân tố mới thì Go-Viet, với sự hậu thuẫn của ông lớn đến từ Indonesia là Go-Jek, chính thức xuất hiện.
Nếu Grab được định giá ở mức 6 tỷ USD thì Go Jek cũng không hề kém cạnh với 5 tỷ USD. Phía sau Grab là bóng dáng đầu tư của các tên tuổi như Didi, Softbank, Huyndai, Toyota thì phía Go-Jek có Google, Tencent, JD... rót vốn. Grab có phần nhỉnh hơn về mặt thị trường hoạt động thì Go-Jek lại có hệ sinh thái phục vụ các nhu cầu hàng ngày của người dùng một cách đa dạng hơn.
Chỉ sau 6 tuần kể từ khi có mặt tại TPHCM, Go-Viet đã có màn chào sân ấn tượng khi tuyên bố nắm 35% thị phần xe ôm công nghệ tại đây với sự cộng tác của 25.000 tài xế. Đây là con số thống kê khiến nhiều người bất ngờ, dù có nhiều hoài nghi về tính xác thực.
Đối thủ mới xuất hiện, thị trường trở nên cạnh tranh hơn, lúc này chính những khách hàng sẽ là người hưởng lợi nhất.
Lãnh đạo Go-Viet trong lễ ra mắt chính thức ngày 12/9 tại Hà Nội.
Không khó để nhận ra kể từ khi Go-Viet mới chỉ chạy thử nghiệm tại TPHCM, Grab rất chú ý đến các động thái của Go-Viet, từ đó nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách linh động nhằm giữ tài xế và giữ khách.
Tại thời điểm mở màn, ngay khi Go-Viet áp dụng chính sách 5.000 đồng, sau đó tăng lên 9.000 đồng cho quãng đường dưới 8 km của dịch vụ Go-Bike thì chưa đầy một tháng sau, Grab cũng ra chương trình khuyến mãi đồng giá cước 5.000 đồng/chuyến đi dưới 8 km cho dịch vụ Grab-Bike.
Trong ngày 27/8, Go-Viet điều chỉnh mức tiền thưởng cho tài xế dựa trên số chuyến đi lên tối đa 300.000 đồng thì Grab cũng nâng hạng lên 300.000.
Tại thị trường Hà Nội, nếu Go-Viet tung chiến lược thưởng 45.000 đồng/cuốc xe trong ngày đầu ra mắt 12/9 cho tài xế Go-Bike thì sau đó 1 ngày, Grab cũng tung ra gói thưởng lên tới 200.000 đồng/ngày cho tài xế chạy được 16 chuyến.
Nhiều khách hàng thủ đô cho biết thời điểm Grab-Bike chạy chương trình khuyến mại 5.000/chuyến tại TPHCM để cạnh tranh với Go-Viet, họ cũng nhận được chương trình giảm giá 25.000/một chuyến bất kỳ, áp dụng tối đa 30 chuyến trong suốt tháng 9. Những chương trinh giảm giá sâu, thời gian kéo dài như vậy với khách hàng là điều khá "hiếm hoi" kể từ khi Uber rời khỏi Việt Nam.
Có thể thấy sự xuất hiện của tân binh Go-Viet đang thổi một làn gió mới cho thị trường gọi xe cộng nghệ tại Việt Nam. Nhiều người kỳ vọng Go-Viet sẽ trở thành một đối trọng xứng tầm với Grab, thay thế cho Uber trước kia.
Tuy nhiên, đây mới là bức tranh tổng thể trong ngắn hạn. Còn trong dài hạn, việc Go-Viet có đủ nhân lực và tài chính để trụ vững, tiếp tục phát triển đúng với những gì vị Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Đức tuyên bố hay không thì vẫn cần thời gian để kiểm chứng.
Hãy cùng chờ xem.
Trí thức trẻ