Khi quỹ đầu tư và công ty gia đình "góp gạo thổi cơm chung": Vì sao có nhà ăn cơm lành, có cặp làm niêu vỡ?
Một bên sẽ muốn cầm tiền và tự ý tiêu theo ý thích, còn một bên cần cầm đằng chuôi, biết được đồng tiền mình bỏ ra tiêu vào đâu, hiệu quả đến đâu. Quá trình "hòa hợp" sẽ phụ thuộc thiện chí giữa các bên, nhường nhau đến đâu và tin nhau đến đâu.
Khi người chủ vẫn có suy nghĩ "người ta" vào cướp mất của mình
Từ việc ồn ào của bún Nguyễn Bính trên Shark Tank Việt Nam tới vụ trứng gà Ba Huân tố VinaCapital "chơi không đẹp", cho thấy một khoảng cách lớn còn tồn tại giữa chủ doanh nghiệp với các đối tác đầu tư tài chính. Không có bên đúng bên sai ở đây, khi một bên muốn mở rộng quy mô nhưng vẫn muốn ôm khư khư đứa con của mình, còn một bên chỉ cố gắng đảm bảo đồng tiền bỏ ra được tiêu đúng cách và tối đa lợi ích. Khi đã không hiểu nhau và tin nhau, hợp tác chỉ thêm gượng ép và trong diễn biến mới nhất, VinaCapital bất ngờ phải chịu điều tiếng.
Hầu hết chủ doanh nghiệp sẽ có tư duy công ty thành công là do công sức của mình, hơn nữa tài sản được tích lũy qua quá trình sản xuất, nên khi định giá thường cảm tính. Trong khi các quỹ đầu tư tư nhân luôn phải định lượng giá trị, một đồng đầu tư bỏ ra kỳ vọng thu bao nhiêu, bao lâu hoàn vốn, kế hoạch thoái vốn thế nào ở mức giá bao nhiêu.
Hẳn nhiên một bên sẽ muốn cầm tiền và tự ý tiêu theo ý thích, còn một bên cần cầm đằng chuôi, biết được đồng tiền mình bỏ ra tiêu vào đâu, hiệu quả đến đâu. Quá trình "hòa hợp" sẽ phụ thuộc thiện chí giữa các bên, nhường nhau đến đâu và tin nhau đến đâu.
Lịch sử M&A tại Việt Nam không thiếu những cuộc hôn nhân hạnh phúc, như cái cách Mekong Capital đưa Thế giới di động trở thành doanh nghiệp tỷ đô, khi chia tay hai bên đều thỏa mãn. Nhưng cũng không thiếu trường hợp chủ bị đẩy khỏi doanh nghiệp mình sáng lập chỉ sau 1-2 năm hợp tác như trường hợp của The Kafe. Đôi khi quỹ cũng phải ôm trái đắng vì đòi hỏi quá nhiều, như Red River và Vicostone, cũng có trường hợp phải lôi nhau ra tòa như trường hợp của chính VOF kiện Mai Linh để đòi thực hiện theo cam kết.
Nhìn chung với giới quản lý quỹ, kiếm được deal PE "ngon" đã khó, vận hành nó sinh lời còn khó hơn. Phần thưởng có thể là tỷ suất hoàn vốn IRR 20% (mức kỳ vọng trung bình của hầu hết các khoản đầu tư), nhưng cũng có thể là rủi ro mất tiền thực sự.
Với chủ doanh nghiệp, bỏ ra số vốn 10 tỷ kinh doanh và sau 10 năm nói rằng doanh nghiệp của họ xứng đáng 1000 tỷ thì dễ, nhưng với quỹ đầu tư, họ chỉ quan tâm nếu bỏ thêm 100 tỷ vào doanh nghiệp sẽ thu lại bao nhiêu tiền trong 3-5 năm tới.
Nếu không may doanh nghiệp chết đi thì rủi ro của người chủ là 10 tỷ và 10 năm công sức, còn với quỹ là 100 tỷ tiền của cổ đông đã bị đặt sai chỗ. Đó là lý do hầu hết khoản đầu tư cần cam kết, doanh thu bao nhiêu, lợi nhuận thế nào, nếu không đạt được thì quỹ được gì, nhưng hãy tin rằng các quỹ sẽ không muốn mua chi phối đến mức phải trực tiếp vận hành một doanh nghiệp, vì cái họ cần là đồng tiền sinh lời, không phải là một công ty bị ấn vào tay chỉ vì trước đây trót lạc quan quá mức!
Trở lại chuyện giữa VOF với Ba Huân
Sẽ thật khó tin với một quyết định bán vốn 1/3 công ty mà bên bán bây giờ mới tá hỏa với những điều khoản bất lợi cho mình vì chưa dịch thuật. Hơn nữa, việc rò rỉ thông tin cho báo chí về những điều khoản hợp tác trong hợp đồng M&A luôn là tối kị, để phải xuất hiện những lời đồn thổi không đáng có.
Ban đầu khoản đầu tư này của VOF có vẻ tốt, giải ngân ở quy mô vài chục triệu đô la vào một doanh nghiệp top đầu của ngành có tăng trưởng, với mức định giá hợp lý (tầm 1 – 1,1 doanh thu năm). Nên biết rằng ở phân khúc đầu tư vài chục triệu đô vào một deal PE tại Việt Nam là tương đối hạn chế sự lựa chọn, đặc biệt là lại vào một doanh nghiệp sản xuất.
Về phía Ba Huân, họ cũng đã xác định trước "cầm tiền vừa mừng vừa run", chấp nhận việc sự can thiệp của quỹ vào quản lý, điều hành và thậm chí là cơ cấu tổ chức. Nếu câu chuyện chỉ đơn giản là hai bên đang tiếp tục đàm phán để tìm tiếng nói chung, động tác đưa thông tin lên báo chí có vẻ là hơi quá. Nhưng nó một lần nữa chứng minh rằng hôn nhân M&A không phải bao giờ cũng tốt đẹp, nếu hai bên luôn sợ thua trước khi tìm cách cả hai bên cùng thắng.
Trí thức trẻ