Khi tôi chơi chứng khoán: Lãi thì trời xanh nắng vàng, tắc đường cũng thật dễ chịu, còn lỗ thì lập tức thấy cuộc đời tẻ nhạt và chẳng tha thiết làm gì
Sau nhiều năm đầu tư "mất máu", nhiều người nhận ra rằng: Chơi chứng khoán là để cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng sống không phải chỉ để làm mỗi việc đó.
- 18-08-2021Gặp Gen Z: Mua vàng từ cấp 2, bỏ việc lương nghìn đô để startup, chơi chứng khoán mất luôn 30 triệu sau một chuyến bay
- 18-07-2021Chiến lược kỳ lạ giúp chàng vũ công kiếm 2 triệu USD chỉ sau 18 tháng chơi chứng khoán, trở thành huyền thoại đầu tư nhờ "1 chiếc hộp" và... ngủ khi người khác giao dịch
- 09-07-2021Không an phận làm văn phòng, giới trẻ học chơi chứng khoán để làm giàu nhanh dù kiến thức tài chính chưa vững
Có cổ phiếu trong tay chứ đừng có cổ phiếu trong tim
Người ta nói nhiều về sự "ngon ăn" của chơi chứng khoán, còn về chuyện cả ngày cứ quanh quẩn dõi theo biểu đồ nến, tâm trạng lên xuống thất thường theo những đường xanh đỏ thì có lẽ chưa.
Nhiều người ban đầu có công việc ổn định và chuyên môn đặc biệt, nhưng do háo hức muốn nhanh chóng tích lũy tài sản thông qua thị trường chứng khoán, họ đã từ bỏ tất cả những gì họ có và tập trung vào thị trường chứng khoán, ngày đêm mơ về cuộc sống tự do, dư dả và không áp lực.
Nhưng "ngon ăn" thế thì ai cũng giàu, nhiều người đầu tư vào chứng khoán rồi tiền mất, tật mang, tổn hại sức khỏe, mất tự tin, chán nản, thậm chí là trầm cảm.
Đừng để cổ phiếu ám ảnh tâm trí bạn, lãi lỗ là chuyện bình thường. Hãy trang bị cho bản thân một tâm lý vững vàng. Mức độ cao nhất của giao dịch chứng khoán là "có cổ phiếu trong tay, nhưng không có cổ phiếu trong tim".
Tâm trạng lên xuống theo giá cổ phiếu, ăn uống hay đi vệ sinh cũng dán mắt vào điện thoại
N.T.Mạnh (37 tuổi), hiện đang làm nhân viên văn phòng tại một công ty ở Hà Nội cho biết mình đã chơi chứng khoán được hơn 10 năm nay. Anh không giấu gì chuyện từng bị cuốn sâu vào vòng xoáy của các giao dịch chứng khoán, giống như một con nghiện vậy.
Thời gian đầu, với tâm lý thích "ăn xổi", anh đã lựa chọn đầu cơ ngắn hạn và kết cục như hầu hết người chơi nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán này, lãi thì ít mà thua thì nhiều. Tiền tích cóp trong nhiều năm đi làm, anh Mạnh đã đầu tư hết vào chơi chứng khoán.
Anh phát hiện ra rằng, trong khoảng thời gian còn nghiện chứng khoán, những dao động của thị trường có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của mình.
"Cảm xúc của tôi dao động nghiêm trọng theo sự lên xuống của thị trường và những cổ phiếu tôi nắm giữ hàng ngày. Thậm chí, đồng nghiệp còn trêu đùa rằng chỉ cần nhìn mặt là biết thị trường chứng khoán hôm nay lên xuống thế nào", anh Mạnh nhớ lại.
Sức hút của thị trường này không phân biệt giới tính. Không chỉ các anh, hội chị em cũng rất dễ nghiện hình thức đầu tư này.
N.T.Ngọc (27 tuổi), một nhân viên văn phòng chia sẻ rằng tình cờ biết chứng khoán thông qua một người bạn. Mới đầu, Ngọc chỉ sử dụng số tiền "nhàn rỗi" để đầu tư và được khuyên nên giữ cổ phiếu trong dài hạn. Tuy nhiên, càng chơi càng ham, Ngọc đã dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình để đầu tư chứng khoán.
N.T.Ngọc
"Bất cứ khi nào kiếm được tiền, tôi cảm thấy trời xanh và ánh nắng thật đẹp, đến độ tắc đường ở Hà Nội cũng là một trải nghiệm cuộc sống thú vị. Nhưng mỗi khi thua lỗ, tôi cảm thấy cuộc sống thật tẻ nhạt và chẳng muốn làm gì. Tôi không làm được bất cứ điều gì ngoại trừ ngắm nghía cổ phiếu mỗi ngày", Ngọc cho biết.
"Mỗi khi đặt lệnh mua cổ phiếu, tâm trạng của tôi lên xuống theo biểu đồ giá của thị trường, ăn uống đi vệ sinh tôi đều dán chặt mắt vào màn hình điện thoại. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, cái bảng xanh xanh đỏ đỏ lúc nào cũng song hành bên mình kể cả khi làm việc, đi tụ tập với bạn cũng liếc mắt xem, đến đi bar nhảy đầm cũng xem, lúc nào cũng xem, làm gì cũng xem, xem miết.
Khi thị trường đóng cửa vào ngày lễ, tôi buồn tẻ và cảm thấy kỳ nghỉ là một cực hình, tôi đã đánh mất niềm vui khi đến cuối tuần. Tôi đặc biệt mong chờ thứ Hai đến, còn mong hơn cả lương về tài khoản", Ngọc chia sẻ thêm.
Thực tế, thị trường chứng khoán có tính gây nghiện cao. Nếu bạn không giao dịch trong một ngày và thị trường không mở cửa, bạn có thể sẽ cảm thấy buồn chán.
Trạng thái này có thể giống như hút thuốc, uống rượu hoặc chơi cờ bạc. Đây đều là những thứ gây nghiện và hiển nhiên, nghiện thì làm gì có lợi. Một khi bạn đã nghiện giao dịch chứng khoán thì khả năng cao là bạn sẽ bị thua, bởi khi coi thị trường như một trò chơi đỏ đen thì việc thua nhiều thắng ít là một điều hiển nhiên.
Trong lúc đang lao đao vì đầu tư chứng khoán, một cú sốc lớn lại ập đến với anh Mạnh: Mẹ anh bị mắc bệnh suy thận và cần tiền chạy thận hàng tuần. Cũng chính biến cố này đã buộc anh phải suy nghĩ lại thói quen chơi chứng khoán của mình.
Anh cho biết, dù không từ bỏ hoàn toàn nhưng anh đã bắt đầu giảm đầu tư vào chứng khoán để dành thời gian chăm lo cho gia đình và tương lai của chính mình.
Còn Ngọc, cô bạn cũng cho biết, sau một thời gian ăn ngủ cùng chứng khoán, đầu tư theo "hệ tâm linh" nhưng không có lãi, thậm chí còn âm vốn, Ngọc đã chịu khó tìm đọc các tin tức liên quan, cũng như tìm hiểu các kỹ thuật phân tích biểu đồ chứng khoán trước khi quyết định đầu tư vào một cổ phiếu nào đó.
"Kể từ khi cai nghiện chứng khoán, tôi có thể lập kế hoạch giao dịch hợp lý và từ bỏ thói quen xấu là thường xuyên giao dịch. Lợi tức từ cổ phiếu tăng dần, tâm lý càng ngày càng vững. Cuộc sống của tôi trở lại trạng thái cân bằng hơn", anh Mạnh chia sẻ.
Chơi chứng khoán: Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi
Ngày càng có nhiều bạn trẻ đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thực tế, rất ít người có thể thu được lợi nhuận từ thị trường đầy biến động này.
Thứ nhất, ranh giới giữa đánh bạc và đầu tư cổ phiếu rất mong manh. Nếu bạn lăn xả vào thị trường chứng khoán mà không có thông tin, không kỹ thuật phân tích thì điều đó chẳng khác gì canh bạc đỏ đen. Hãy là một người đầu tư thông minh, có hiểu biết và kiến thức.
Thứ hai, trước khi tham gia thị trường chứng khoán, bạn cần chuẩn bị một tâm lý thật vững vàng. Nếu tâm lý của nhà đầu tư bị thị trường thao túng, bạn sẽ rất khó có thể đưa ra được quyết định đầu tư sáng suốt.
Chứng khoán không dành cho những người thiếu kiến thức, thiếu thông tin. Đến Hoa hậu "bất bại" của làng đầu tư chứng khoán Việt Nam Mai Phương Thúy cũng từng chia sẻ cô đã mất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, học hỏi. Hoa hậu Việt Nam 2006 từng đùa rằng: "Xét về độ tuổi tâm lý, khéo tôi phải 50 rồi".
Thứ ba, để tránh việc đầu tư vào chứng khoán tác động lớn đến cuộc sống hàng ngày, bạn cần đảm bảo rằng, số vốn bạn rót vào thị trường này là "tiền nhàn rỗi". Thời gian đầu năm 2021, chúng ta đã chứng kiến khá nhiều vụ việc vì vay mượn tiền đi đầu tư chứng khoán nhưng thua lỗ mà nhiều người trở thành con nợ. Thậm chí, một số trường hợp còn tìm đến cách xử lý tiêu cực vì không đủ khả năng trả nợ.
Thị trường chứng khoán từng thịnh hành câu nói: Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi. Không nên nhăm nhăm mua bán liên tục, bạn phải quản lý tài chính, quản lý cảm xúc, quản lý tư duy thì mới thắng được. Đầu tư không chỉ nhằm kiếm được giá trị vật chất mà còn là cả giá trị tinh thần.
Ảnh: NVCC
Pháp luật & bạn đọc