Động thái mới của tỷ phú Quang khi nắm trọn "chiếc vương miện 7 tỷ đô": Kết hợp Techcombank tiếp cận 50 tỷ USD nhàn rỗi trong dân
Sự kết hợp giữa Masan và Techcombank để tạo ra mô hình cửa hàng tiện lợi phục vụ cả đời sống tài chính của người dân, qua đó có thể tiếp cận 50% ngân sách tiêu dùng.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Masan Group tại thị trấn Sapa, Lào Cai có sự xuất hiện của một nhân vật đặc biệt, ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank, người bạn tâm giao của ông Nguyễn Đăng Quang.
Masan Group đang sở hữu 20% cổ phần Techcombank (công ty liên kết), hai bên trước nay hỗ trợ nhau nhiều trong công việc làm ăn.
Nhưng tỷ phú Quang và tỷ phú Hùng Anh đang có một kế hoạch cùng nhau biến các cửa hàng bán lẻ hiện đại của VinCommerce thành một nơi vượt ra ngoài phạm vi của các cửa hàng nhu yếu phẩm thông thường.
Bắt đầu từ năm nay, VinMart (tương lai là WinMart) sẽ triển khai các dịch vụ tài chính do Techcombank cung cấp, ít nhất trên 50% số cửa hàng.
Ý tưởng này xuất phát từ câu chuyện mà ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông. Dịch vụ tài chính Masan, theo ông Quang là financial life, đáp ứng đời sống tài chính của mỗi người dân.
"Khoảng 60 – 70% người Việt Nam đang sống tại nông thôn, không có thẻ tín dụng, thẻ thanh toán, không có ngân hàng bên cạnh để phục vụ họ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có đời sống tài chính. Chỉ là đời sống tài chính của họ đang dựa trên tiền mặt, trên các tài sản họ tích lũy từ tiền tiết kiệm hàng năm", ông mở đầu.
Không có ngân hàng không phải là nông thôn không có tín dụng, chơi hụi cũng là một hình thức tín dụng, ông Quang ví von.
Chủ tịch Masan Group cho rằng nông thôn cũng có đời sống tài chính đầy đủ, nhưng khác với đời sống tài chính gắn với ngân hàng mà nhiều người vẫn nghĩ.
"50 tỷ USD là giá trị tiền mặt đang giữ trong túi của 100 triệu người Việt Nam mà không để ở ngân hàng. Nếu nói về lượng vàng còn nhiều hơn, một số đáng kể nằm ở ngoại tệ mạnh".
"Việt Nam là nước số hiếm trên thế giới mà khi ngân hàng huy động vốn (fixed deposit) phải trả lãi suất cao như vậy. Nhật Bản nhiều năm lãi suất âm, châu Âu lãi suất âm, Mỹ lãi suất gần bằng 0. Có nghĩa một người ở châu Âu, gửi tiền ở ngân hàng, sẽ phải trả thêm tiền để ngân hàng giữ tiền cho".
"Vậy sao ở Việt Nam ngân hàng phải trả 5%, 6%, 7%...? Ngân hàng đang mua tiền mặt nằm trong túi của 100 triệu người dân, đó là động lực để người dân đưa tiền đến ngân hàng. Nhưng đấy là cái giá cao mà ngân hàng đang phải trả để mua được lượng tiền tệ trong dân, NHNN hàng năm phải in ra lượng tiền giấy khổng lồ để đáp ứng nhu cầu luân chuyển tiền mặt".
"Chúng ta có thể sống tiếp với điều đó hoặc chúng ta sẽ tìm cách", ông Quang nói.
"Những người dân sẽ chỉ làm điều đó khi thanh toán phi tiền mặt thuận tiện như tiền mặt. Thứ hai là nó phải có lợi hơn dùng tiền mặt".
"Nhiều ngân hàng nói rằng dùng tiền mặt nguy hiểm lắm. Đâu có gì nguy hiểm. Các bà cụ già hay để tiền trong một cái gọi là "ruột tượng" dắt bụng. Bà nói: Con ơi, con không biết đâu, đồng tiền phải liền khúc ruột", ông Quang tiếp tục ví von.
"Chúng ta phải thay đổi nhận thức, tập quán, phải mang lại những giá trị lớn hơn. Chúng tôi ở đây nhìn rất đơn giản, mỗi người chúng ta đều có đời sống vật lý, tinh thần, và đời sống tài chính. Hãy nhìn, hiểu họ, và tìm cách để phục vụ họ tốt hơn".
"Ở đây đơn giản là đặt người tiêu dùng ở giữa, hãy tìm cách hiểu họ", Chủ tịch Masan nói.
Việc kết hợp cung cấp nhu yếu phẩm và dịch vụ tài chính có thể giúp Masan Group tiếp cận 50% ngân sách cho tiêu dùng, đây là luận điểm mà ban điều hành tập đoàn đưa ra khi mở rộng sang các dịch vụ mới.
Techcombank với 300 chi nhánh tại khu vực thành thị, sẽ kết hợp với khoảng 1.500 điểm bán VinMart+ (trong năm nay) để trở thành các điểm phục vụ đời sống tài chính cho người dân. Ưu tiên trước mắt của Masan là thúc đẩy thói quen người tiêu dùng và tạo độ phủ rộng khắp từ offline đến online.
Tầm nhìn cái bắt tay giữa The CrownX và Techcombank giúp cả hai có thể tiếp cận tập 30 – 50 triệu khách hàng đến năm 2025. Phía Techcombank, thông qua các điểm cung cấp dịch vụ tài chính sẽ không cần mở thêm chi nhánh, Masan gọi đây là mô hình thị trường mass chi phí thấp.
The CrownX và Techcombank hướng đến hơn 2 tỷ USD CASA (tiền gửi không kỳ hạn) từ 50 triệu khách hàng; 6 tỷ USD giao dịch thông qua các trung gian thanh toán; 1 -2 tỷ USD cho vay tiêu dùng; hơn 200 triệu USD cho vay bán lẻ GT; và 1 – 2 tỷ USD sản phẩm đầu tư. Đây là những chỉ tiêu cho tầm nhìn của Masan - Techcombank.
Khi được cổ đông hỏi về mức định giá nào cho cổ phiếu Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang trả lời hóm hỉnh: "Câu trả lời sẽ nằm ở cuối con đường, hãy đi cùng chúng tôi đến cuối con đường, các bạn sẽ thấy được thành quả".
Danny Le
Còn Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group, ông nói rằng:
"Nếu chỉ nhìn vào những con số sẽ không công bằng. Chúng tôi vừa tái định hình nền tảng, gần như bấm nút reset khi sáp nhập VinCommerce.
Chúng ta cần nhìn vào lộ trình và thấy được tiềm năng hơn là những con số hiện tại. Cái chúng tôi làm ở đây không phải để kiếm lợi nhiều hơn từ việc tăng biên lợi nhuận và tính tiền cho người tiêu dùng. Cái chúng tôi muốn làm là tạo ra giá trị, chuyển đổi và thay đổi bình diện chung của hoạt động tiêu dùng bán lẻ ở Việt Nam".
Nhịp sống kinh tế