MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi vợ chồng là kiến trúc sư: Đêm ngủ cũng bật dậy bàn chuyện thiết kế, xung đột ý kiến thì phải thuyết trình

01-01-2023 - 21:27 PM | Lifestyle

Khi vợ chồng là kiến trúc sư: Đêm ngủ cũng bật dậy bàn chuyện thiết kế, xung đột ý kiến thì phải thuyết trình

Bên nhau không chỉ trong đời sống thường ngày mà cả trong công việc liệu có tốt?

Tham gia trong tập 3 của chương trình thực tế Là Nhà, KTS Hoài Ly và KTS Kiên Đoàn đã đem đến thiết kế lạ mắt và đầy tính sáng tạo trước đề bài khó nhằn là cải tạo phòng cho cậu bé 8 tuổi. Được biết, cả 2 vừa là cộng sự trong công việc vừa là vợ chồng. Điều này đã khiến nhiều khán giả không khỏi tò mò bởi vì đây là quyết định không mấy dễ dàng, có ý kiến cho rằng làm việc cùng nhau thì không nên… quá thân chứ chưa nói đến là vợ chồng.

 Khi vợ chồng là kiến trúc sư: Đêm ngủ cũng bật dậy bàn chuyện thiết kế, xung đột ý kiến thì phải thuyết trình - Ảnh 1.

KTS Kiên Đoàn (trái) và KTS Hoài Ly (phải)


“Là Nhà đối với tụi mình là trận đánh lớn"

Lý do gì đã đưa KTS Hoài Ly - KTS Kiên Đoàn tham gia chương trình thực tế Là Nhà?

MAD.e studio là văn phòng kiến trúc nhỏ được thành lập đầu năm 2022. Chúng mình còn trẻ, mới bắt đầu nên… nói thực là nhiều chủ đầu tư chưa tin tưởng hoàn toàn vào năng lực của chúng mình. Thời điểm đó chúng mình đã rất bối rối vì không biết đi tiếp ra sao.

May mắn được ekip của chương trình biết đến thông qua một số bài đăng trên MXH và mời chúng mình đến Là Nhà. Khi đó, danh sách kiến trúc sư tham gia chương trình đã gần hoàn thiện, chúng mình là 1 trong 2 đội cuối cùng được mời.

Chúng mình chỉ có chưa đến 10 ngày để khảo sát địa điểm, lên ý tưởng, vẽ phác thảo, lên phương án, tìm kiếm vật liệu phù hợp, hoàn thiện thiết kế và thuyết trình. Đó thực sự là 1 trận đánh lớn, vì chúng mình thực sự hiểu rằng cơ hội ấy quý giá đến như nào. Vậy nên lúc nhận được tin là phương án được chọn thì chúng mình đã rất xúc động, cả văn phòng kéo nhau đi ăn mừng.

 Khi vợ chồng là kiến trúc sư: Đêm ngủ cũng bật dậy bàn chuyện thiết kế, xung đột ý kiến thì phải thuyết trình - Ảnh 2.
 Khi vợ chồng là kiến trúc sư: Đêm ngủ cũng bật dậy bàn chuyện thiết kế, xung đột ý kiến thì phải thuyết trình - Ảnh 3.

Căn phòng Mận Cơm trước khi cải tạo


Trong chương trình 2 bạn đã nhận được đề bài Gigi Hương Giang đưa ra là cải tạo phòng cho em bé. Theo bạn, thiết kế phòng cho em bé có khó khăn gì hơn so với phòng của người lớn?

Làm phòng em bé khó lắm, bởi vì các em sẽ lớn rất nhanh, tâm sinh lý thay đổi rất nhiều, thậm chí theo ngày. Chẳng hạn, lần đầu tiên khi gặp, Mận Cơm nói chỉ thích màu xanh Doraemon, chuyện ô tô xe cộ. 1 tuần sau lúc nói chuyện bé thích thêm màu vàng mặt trăng, miền viễn Tây. Sở thích thay đổi chóng mặt, đó chính là đặc trưng riêng của trẻ con. Vậy nên, đầu bài đầu tiên đặt ra là không gian mới phải có tính tùy biến cao, thiết kế phải có thể đáp ứng được liên tục các nhu cầu của bé trong từng giai đoạn ngắn và siêu ngắn, nhưng về tổng thể vẫn phải mạch lạc để bé sử dụng lâu dài, không khó chịu.

Tiếp theo, bởi vì tính chất đặc thù của gia đình, dù không trực tiếp nói ra nhưng đôi lúc Mận Cơm sẽ có những lúc cô đơn. Mận Cơm là cậu bé cực hiểu chuyện nên lại càng khó mở lòng hơn. Từ đó, KTS phải thực sự thấu hiểu và đưa ra thiết kế sao cho giảm đi nỗi niềm ấy của bé.

Cuối cùng là cả nhà thương bé, lúc nào cũng muốn ở bên cạnh, do vậy đôi khi khiến Mận Cơm thấy hơi "ngột ngạt". Do vậy, trong thiết kế, team MAD.e cũng dành riêng những góc cho người lớn, những góc để người lớn có thể quan tâm em nhưng không gây khó chịu cho em.

Sau khi tập 3 Là Nhà phát sóng, có nhiều luồng ý kiến trái chiều rằng trên bản vẽ có thể rất đẹp nhưng công năng khi sử dụng sẽ không thiết thực, chẳng hạn như góc leo trèo của bé Mận Cơm vì trẻ con lớn sẽ nhanh chán. Bạn có suy nghĩ gì về quan điểm này?

Khu leo núi gắn tường là trải nghiệm hấp dẫn khi bé còn nhỏ. Lúc lớn lên, không leo trèo nữa, có thể gỡ toàn bộ phần tay nắm trên tường để biến nó thành 1 chiếc bảng để treo đồ, trưng bày kỷ niệm mới. Những viên sỏi cuội dưới sàn làm bằng xốp và bông để đảm bảo trong những lần chạy nhảy bé sẽ không bị ngã đau.

 Khi vợ chồng là kiến trúc sư: Đêm ngủ cũng bật dậy bàn chuyện thiết kế, xung đột ý kiến thì phải thuyết trình - Ảnh 4.
 Khi vợ chồng là kiến trúc sư: Đêm ngủ cũng bật dậy bàn chuyện thiết kế, xung đột ý kiến thì phải thuyết trình - Ảnh 5.
 Khi vợ chồng là kiến trúc sư: Đêm ngủ cũng bật dậy bàn chuyện thiết kế, xung đột ý kiến thì phải thuyết trình - Ảnh 6.
 Khi vợ chồng là kiến trúc sư: Đêm ngủ cũng bật dậy bàn chuyện thiết kế, xung đột ý kiến thì phải thuyết trình - Ảnh 7.

Phương án của MAD.e studio


Vừa là vợ chồng, vừa là cộng sự giúp dễ dàng thấu hiểu khách trên nhiều phương diện

Dù làm trong cùng 1 lĩnh vực, nhiều cặp đôi thường không muốn trở thành đồng nghiệp của nhau. Tại sao 2 bạn lại quyết định vừa là vợ chồng vừa là cộng sự?

Các cặp đôi ngại không muốn thành đồng nghiệp chắc vì mọi người ngại cãi nhau đó! Thực tế, trước đó chúng mình đã làm bạn thân với nhau rất lâu. Hơn nữa, cùng có đam mê là kiến trúc nên hầu như những cuộc tranh luận chỉ xoay quanh công việc.

Bên cạnh đó, điểm đặc biệt của văn phòng mình là có 2 KTS trưởng khác giới tính, là bạn thân và còn là vợ chồng, 24 tiếng ở cạnh nhau. Chúng mình ngồi với nhau để thảo luận công việc rất nhiều, đến đêm ngủ cũng bật dậy bàn chuyện thiết kế. Do đó, trong mỗi thiết kế chúng mình đều có đủ cả tính nữ và tính nam trong đó. Chúng mình dễ dàng thấu hiểu khách hàng trên nhiều phương diện.

Khi làm việc cùng nhau, 2 bạn đã bao giờ xung đột ý tưởng chưa?

Có nhiều sự xung đột ý tưởng. Và chúng mình chọn giải pháp là phải thuyết trình. Với mỗi dự án chúng mình sẽ dành ra ít nhất 2-4 ngày để nghiên cứu khách hàng, trong giai đoạn này ai tìm được cái gì hay sẽ phải chia sẻ với nhau.

Sau đó là 2-3 ngày để tự làm phương án, chuẩn bị file thuyết trình nghiêm chỉnh. Tất cả chọn ra 1 ngày, cả văn phòng ngồi lại nghe từng phương án, chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu và bình xem phương án nào được chọn. Sau khi chọn thì lại cùng nhau phát triển ý tưởng đến tối đa. Ở MAD.e thì cả 2 bọn mình làm sáng tạo và vận hành. Chúng mình không chia vai trò rõ ràng, mà thay đổi theo từng dự án.

 Khi vợ chồng là kiến trúc sư: Đêm ngủ cũng bật dậy bàn chuyện thiết kế, xung đột ý kiến thì phải thuyết trình - Ảnh 8.
 Khi vợ chồng là kiến trúc sư: Đêm ngủ cũng bật dậy bàn chuyện thiết kế, xung đột ý kiến thì phải thuyết trình - Ảnh 9.

Khách hàng trẻ ngày nay thường ưu tiên tính thẩm mỹ

Theo quan sát của KTS, khách hàng trẻ có chi mạnh tay để đầu tư không gian sống không?

Dạo gần đây chúng mình nhận thấy khách hàng trẻ chi khá mạnh tay cho không gian sống. Nhu cầu có lẽ đến từ việc các bạn làm việc ở nhà khá nhiều.

Bên mình cũng được đồng hành với rất nhiều khách hàng đang khởi nghiệp, có rất nhiều chi phí phải lo. Vậy nên khách hàng của mình thường lựa chọn thuê 1 không gian lớn, vừa làm văn phòng, vừa là nhà ở. Do đó việc đầu tư trong không gian sống hợp lý là điều thực sự cần thiết.

Chi phí đóng vai trò như thế nào trong cải tạo, thiết kế không gian sống?

Đây là vấn đề đầu tiên khi bạn muốn cải tạo nhà. Chi phí không chỉ đơn giản là để bạn mua được những thứ mình cần, có được những thứ mình muốn,… chi phí cho bạn sự tự tin để bắt đầu cải tạo ngôi nhà của mình. Ví dụ bạn có 10 triệu mà muốn sửa nhà, chắc chắn bạn sẽ không dám. Nhưng nếu bạn có 100 triệu, dù căn nhà đó sửa hết 300 triệu, bạn vẫn cảm thấy tự tin hơn nhiều chứ.

Khi đã có đủ tự tin bắt tay vào sửa nhà, chi phí lại không phải là vấn đề quá lớn nữa. Nếu nhiều tiền, bạn dùng gỗ tự nhiên, lát sàn xịn, nội thất cao cấp. Ngân sách ít hơn, bạn có thể cân nhắc xem phần nào chi trước, phần nào chi sau, cái nào cần bền thì đầu tư nhiều, cái nào cần đẹp sẽ chi ít hơn cho mục đó.

Theo trải nghiệm của bạn, khách hàng trẻ thường sẽ ưu tiên phần công năng hay thẩm mỹ hơn?

Mình thấy mọi người thường ưu tiên thẩm mỹ nhiều hơn. Vì như đã nói bên trên thì các bạn mang việc về nhà làm rất nhiều, không gian phải thực sự vui và sáng tạo để tạo cảm hứng nữa. Hơn nữa, trên thị trường xây dựng ngày nay, có rất nhiều loại vật liệu mới đảm bảo được tính bền với thời gian.

KTS có lời khuyên gì để khách hàng trẻ dễ dàng lựa chọn đơn vị thiết kế phù hợp với nhu cầu của bản thân?

Vì khách hàng trẻ ngày nay ưu tiên thẩm mỹ nên họ cũng thay đổi rất nhanh. Có khi chỉ vài tháng đã cảm thấy chán không gian sống. Vậy nên KTS phải là người có tầm nhìn xa và chuyên môn sâu, có năng lực tư vấn chi tiết, lường trước và đưa ra những thiết kế có tính tùy biến cao.

Khi lựa chọn KTS, bạn nên cân nhắc thật kỹ, tìm kiếm thông tin về họ trên Internet, nhắn tin hỏi về quy trình làm việc, thời gian thiết kế, chi tiết các công tác. Tiếp đó là dành thời gian để đến trực tiếp văn phòng kiến trúc nói chuyện với KTS, hãy biến họ thành bạn của mình để hai bên được thấu hiểu nhau. Cuối cùng là về nhà bàn bạc với gia đình và quyết định lựa chọn.

Là Nhà - Chương trình truyền hình thực tế "làm mới" căn nhà thân quen của khán giả, biến từng khoảng không gian sống thành chốn nghỉ ngơi, vỗ về xúc cảm và chứa đựng câu chuyện ý nghĩa của chính gia chủ. Không chỉ là một chương trình về kiến trúc thông thường, Là Nhà lồng ghép kiến thức chuyên môn với câu chuyện cá nhân của mỗi chủ nhà để tạo nên chương trình đầy xúc cảm và nhân văn.

Là Nhà sẽ phát vào 15 giờ Chủ Nhật hàng tuần trên VTV3 và 20 giờ cùng ngày trên Megalivestream của VCCorp.

Chương trình được sản xuất bởi WOWMedia cùng Nhà phát triển BĐS Văn Phú - Invest (VPI) ; Nhà tài trợ Kim Cương Panasonic ; Nhà tài trợ Bạc Paint & More; Đơn vị truyền thông và phát hành VCCorp - Admicro và VTV; Đơn vị hợp tác thương mại VCCorp - Adsponsor; đồng thời đưa tin trên ELLE Decoration , Group Nghiện Nhà và Happynest .


 Khi vợ chồng là kiến trúc sư: Đêm ngủ cũng bật dậy bàn chuyện thiết kế, xung đột ý kiến thì phải thuyết trình - Ảnh 11.

Theo TÔ DIỆP - THIẾT KẾ: THÀNH ĐẠT

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên