MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kho bạc Nhà nước rút ròng gần 66.000 tỷ tiền gửi thanh toán tại 3 ngân hàng lớn

02-08-2018 - 15:41 PM | Tài chính - ngân hàng

Tiền gửi thanh toán của KBNN tại 3 ngân hàng giảm còn gần 170.000 tỷ đồng vào cuối quý II. Ở chiều ngược lại, giải ngân vốn đầu tư công hoàn thành 37,5% dự toán sau 7 tháng, tăng vọt so với hồi cuối quý I.

Tính đến cuối quý II/2018, tổng tiền gửi thanh toán Kho bạc Nhà nước (KBNN) đặt tại Vietcombank, VietinBank và BIDV xấp xỉ 170.000 tỷ đồng, giảm 28% so với hồi đầu năm.

Trong 6 tháng đầu năm, chỉ riêng VietinBank được KBNN nâng số dư tiền gửi thanh toán lên gấp 3 lần. Dù vậy, tiền gửi của Kho bạc tại VietinBank vẫn ít nhất trong nhóm ba ông lớn.

Ở chiều ngược lại, KBNN giảm gửi tiền tại Vietcombank và BIDV lần lượt 59% và 6%. Gần 100.000 tỷ đồng từ Kho bạc Nhà nước rút khỏi Vietcombank là một trong các nguyên nhân khiến tổng nguồn vốn của nhà băng này tuột mốc 1 triệu tỷ đồng dù huy động tiền gửi khách hàng tăng khá mạnh (7,9%). Xem thêm

Kho bạc Nhà nước rút ròng gần 66.000 tỷ tiền gửi thanh toán tại 3 ngân hàng lớn - Ảnh 1.

Giá trị tiền gửi thanh toán của KBNN tại 3 ngân hàng

Ba ngân hàng cổ phần có vốn Nhà nước hiện là các ngân hàng được Kho bạc Nhà nước chọn gửi lượng lớn tiền gửi thanh toán, bên cạnh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). Tuy nhiên, Agribank không công bố lượng tiền gửi của năm 2017 và nửa đầu 2018. Tính tới cuối năm 2016, KBNN gửi 23.607 tỷ đồng tại Agribank.

Nhiều khả năng tổng số dư tiền gửi của KBNN tại hệ thống các ngân hàng sẽ giảm đáng kể so với cuối năm 2017 bởi hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đã cải thiện trong thời gian qua.

Tới cuối quý I, chi đầu tư phát triển của Nhà nước mới chỉ đạt 17.500 tỷ đồng, hoàn thành 4,4% dự toán. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chi đầu tư phát triển đến ngày 20/7 đạt 150.000, đạt 37,5% dư toán.

Kho bạc Nhà nước rút ròng gần 66.000 tỷ tiền gửi thanh toán tại 3 ngân hàng lớn - Ảnh 2.

Chi đầu tư phát triển tăng mạnh các tháng gần đây - Nguồn: TCTK

Vốn đầu tư công giải ngân ì ạch trong các năm trước cùng những khoản tiền lớn thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN đã giúp lượng tiền của ngân sách trên kho bạc nhà nước trở nên "rủng rỉnh" hơn. Dù tỷ suất lợi nhuận thấp do tiền gửi kì hạn ngắn, KBNN ước tính vẫn thu lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm khi gửi tiền.

Thực chất, chậm trễ trong giải ngân vốn ngân sách lại cũng chính là điểm nghẽn cản trở tăng trưởng kinh tế mà liên tục thời gian qua các lãnh đạo Chính phủ yêu cầu đưa ra giải pháp để "phá băng". Nguồn tiền gửi này đã từng tăng vọt trong năm trước.

Kho bạc Nhà nước rút ròng gần 66.000 tỷ tiền gửi thanh toán tại 3 ngân hàng lớn - Ảnh 3.

Tiền gửi thanh toán của KBNN tại 3 ngân hàng tăng vọt trong năm 2017

Đơn vị: Tỷ đồng

Tuy nhiên, trong khi nguồn tiền gửi Kho bạc rút dần khỏi hệ thống, ngành ngân hàng vẫn đang huy động được nhiều hơn tiền gửi từ thị trường dân cư, tổ chức kinh tế. Thống kê riêng tại 17 ngân hàng niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, tiền gửi của khách hàng đã tăng thêm gần 432.000 tỷ đồng, tương đương tăng 11,1% so với cuối năm 2017.

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên