Trung Quốc nhắm tới "kho báu" 1.000 tỷ USD ở Afghanistan: Cơ hội nghìn năm có một hay sẽ là vũng lầy?
Những người đứng đầu Taliban đã tuyên bố họ muốn quan hệ tốt với các nước, đặc biệt là Trung Quốc.
- 28-08-2021Các ngân hàng Afghanistan đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất?
- 24-08-20211 tuần sau ngày Kabul thất thủ: Sân bay vẫn hỗn loạn, hàng chục ngàn người Afghanistan tranh giành đến tuyệt vọng để trốn chạy khỏi Taliban
- 22-08-2021Bitcoin ở Afghanistan: Bên trong "thế giới ngầm" ở nơi ngân hàng đóng băng, nội tệ mất giá và lạm phát tăng vọt
Khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan năm 2001, kinh tế toàn cầu là 1 bức tranh hoàn toàn khác so với hiện nay: Tesla không phải là 1 công ty, iPhone chưa từng tồn tại và trí tuệ nhân tạo được biết đến nhiều nhất thông qua 1 bộ phim của đạo diễn Steven Spielberg.
Giờ thì cả 3 điều nói trên đang là những "mũi nhọn" của 1 nền kinh tế hiện đại được dẫn dắt bởi những con chip công nghệ cao và những viên pin có công suất lớn. Quá trình làm ra chip và pin sử dụng rất nhiều loại khoáng sản, trong đó có đất hiếm. Và Afghanistan đang ngồi trên "kho báu khoáng sản" có giá trị ước tính vào khoảng 1.000 tỷ USD hoặc thậm chí hơn thế. Đất nước này được cho là có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới, nếu như có ai đó có thể khai thác.
Tuy nhiên 4 thập kỷ chiến tranh liên miên – đầu tiên là với Liên Xô, sau đó là cuộc nội chiến và mới đây nhất là với Mỹ - đã ngăn cản điều đó xảy ra. Sau khi nắm quyền kiểm soát Afghanistan, những dấu hiệu ban đầu cho thấy lực lượng Taliban muốn áp đặt lại chế độ từng đối xử thậm tệ với phụ nữ và hạn chế nhiều quyền tự do cơ bản khác thay vì hướng tới 1 tương lai thịnh vượng.
Cơ hội của Trung Quốc?
Trong bối cảnh đó, 1 bài xã luận đăng trên tờ New York Times cuối tuần trước do tác giả Zhou Bo – người từng là tướng lĩnh cao cấp của quân đội Trung Quốc từ năm 2003 đến 2020 – viết: "Bắc Kinh có thể đem đến cho Kabul những thứ họ cần nhất: dòng vốn đầu tư kinh tế và sự cân bằng chính trị. Đổi lại, Afghanistan sẽ đem đến cho Trung Quốc cơ hội thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và quan trọng hơn là khả năng tiếp cận nguồn khoáng sản trị giá 1.000 tỷ USD vẫn chưa ai đụng đến".
Điều đó có xảy ra hay không sẽ phụ thuộc vào những gì diễn ra trong vài tuần tới. Mặc dù Mỹ đã nhanh chóng sơ tán hàng nghìn người Mỹ và cả người Afghanistan sau khi chóng vánh rút quân để kết thúc cuộc chiến đã kéo dài 20 năm, Tổng thống Joe Biden vẫn có đủ quyền lực để cô lập chính phủ mới do Taliban lập nên khỏi hệ thống kinh tế quốc tế.
Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm vận áp đặt lên Taliban, và Mỹ cũng có thể phản đối bất kỳ động thái nào của Trung Quốc và Nga nếu 2 nước này muốn nới lỏng lệnh hạn chế đối với Taliban. Washington đã đóng băng gần 9,5 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Afghanistan và IMF đã cắt nguồn viện trợ dành cho nước này, trong đó có 500 triệu USD đáng lẽ đã được giải ngân đến như Taliban không lên nắm quyền.
Để tiếp cận được các nguồn vốn này, điều quan trọng là Taliban phải tạo điều kiện để người nước ngoài và cả những người Afghanistan yếu thế được sơ tán một cách êm đẹp. Tiếp đó là đàm phán để ngăn 1 cuộc nội chiến xảy ra và tránh bị buộc tội vi phạm nhân quyền.
Khủng hoảng kinh tế cận kề
Taliban có nhiều lý do để nhân nhượng. Kabul đang đối mặt với 1 cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng lan rộng. Giá các mặt hàng thiết yếu như dầu và bột mì đã tăng mạnh, thuốc men khan hiếm và những chiếc máy ATM thì cạn kiệt tiền mặt. Cách đây ít ngày Thống đốc NHTW mới đã được bổ nhiệm để giải quyết những vấn đề cấp bách, trong khi người tiền nhiệm đã lưu vong cảnh báo rằng các cú sốc sẽ khiến đồng nội tệ Afghanistan trượt giá hơn nữa, khiến lạm phát tăng vọt và dẫn đến những biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ.
Những người đứng đầu Taliban đã tuyên bố họ muốn quan hệ tốt với các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Cuối tuần trước, người phát ngôn của Taliban viết trên Twitter rằng 1 lãnh đạo cấp cao của lực lượng này đã gặp mặt đại sứ Trung Quốc ở Kabul và "thảo luận về sự an toàn của đại sứ quán và các nhà ngoại giao Trung Quốc, tình hình hiện tại ở Afghanistan, các mối quan hệ song phương và cả sự hỗ trợ nhân đạo của Trung Quốc".
Truyền thông nhà nước Trung Quốc mới đây đã phát tín hiệu Trung Quốc muốn thúc đẩy quan hệ với Afghanistan. "Một số người nhấn mạnh họ không tin vào Taliban, còn chúng tôi muốn nói rằng không có điều gì vĩnh viễn không thay đổi", Hua Chunying, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói. "Chúng ta phải nhìn vào cả quá khứ và tương lai, lắng nghe lời nói và theo dõi hành động".
Người Afghanistan trèo lên máy bay của hãng hàng không Kam Air đang đỗ tại sân bay Kabul. Ảnh: Wakil Kohsar/AFP/Getty Images
Đối với Trung Quốc, Afghanistan có cả những giá trị kinh tế và chiến lược. Lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi Taliban ngăn chặn các phần tử khủng bố tấn công Trung Quốc và coi mối quan hệ hợp tác kinh tế là chìa khóa đảm bảo sự ổn định. Và quan trọng nhất là cơ hội đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng ở Afghanistan. Khoáng sản khai thác từ đây có thể dễ dàng được vận chuyển về Trung Quốc thông qua mạng lưới cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đã dày công phát triển, trong đó bao gồm các dự án có tổng trị giá khoảng 60 tỷ USD ở nước láng giềng Pakistan.
Năm 2010, Mỹ ước tính Afghanistan có trữ lượng khoáng sản trị giá 1.000 tỷ USD vẫn chưa được khai thác. Chính phủ Afghanistan đưa ra con số lớn gấp 3 lần. Có rất nhiều mỏ lithium, đất hiếm và đồng – đều là những vật liệu rất quan trọng đối với quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch trên toàn cầu. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng nghèo nàn cùng với an ninh kém đã chặn đứng mọi nỗ lực khai thác và làm giàu từ nguồn tài nguyên khổng lồ.
Taliban giành quyền kiểm soát vào đúng thời điểm quan trọng đối với chuỗi cung ứng các vật liệu để sản xuất pin. Các nhà sản xuất đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các mỏ để đảm bảo có đủ nguồn cung trước thời điểm xảy ra hiện tượng gọi là "thâm hụt vĩnh viễn". Mỹ, Nhật Bản và châu Âu gần đây đã tìm cách giảm phụ thuộc vào đất hiếm từ Trung Quốc, mặc dù sẽ phải tốn nhiều năm và hàng triệu USD tiền hỗ trợ từ các chính phủ.
Canh bạc đầy rủi ro
Thực tế là nền kinh tế Afghanistan đã tăng trưởng khá tốt trong vài năm trở lại đây, chủ yếu do nguồn tiền viện trợ dồi dào. Tuy nhiên điều đó khiến tăng trưởng trở nên bấp bênh và không bền vững.
Trước đây Trung Quốc từng gặp "ác mộng" ở Afghanistan. Giữa những năm 2000, một nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi tập đoàn quốc doanh Metallurgical thắng gói thầu trị giá 3 tỷ USD để được phép khai thác đồng ở Mes Aynak, địa điểm gần thủ đô Kabul. Tuy nhiên cho đến tận bây giờ sản lượng khai thác được vẫn bằng 0 vì dự án liên tục bị hoãn vì nhiều lý do, từ lo ngại an ninh, phát hiện ra cổ vật cho đến không có đường sắt và điện. Trong báo cáo thường niên năm 2020, MCC cho biết đang đàm phán lại với Chính phủ Afghanistan sau khi thừa nhận dự án này không đem lại hiệu quả kinh tế.
Taliban đang cố gắng chứng minh cho thế giới thấy họ đã thay đổi so với những năm 1990, chào đón dòng vốn đầu tư nước ngoài và cam kết sẽ không cho phép khủng bố biến Afghanistan thành căn cứ. Janan Mosazai, cựu đại sứ Afghanistan ở cả Pakistan và Trung Quốc, cho rằng "kinh tế Afghan có cơ hội rất lớn để cất cánh" nếu như Taliban chứng minh được họ thực sự nghiêm túc về chuyện "biến lời nói thành hành động".
Nhưng không có nhiều người lạc quan như vậy. Đã nổi lên những báo cáo về tình trạng giết người có mục tiêu, thảm sát các nhóm thiểu số, đàn áp biểu tình và binh lính Taliban cưỡng ép phụ nữ địa phương phải kết hôn với họ.
Tham khảo Bloomberg