"Kho báu" tầm cỡ thế giới bị bỏ quên hàng thập kỷ: Một quốc gia săn lùng vì "bài học" từ Trung Quốc
Mùa hè vừa qua là quãng thời gian bận rộn đối với công ty khai thác Almonty Korea Tungsten Corp khi việc phát triển mỏ vonfram ở Sangdong, Hàn Quốc tăng tốc.
- 17-08-2023Trung Quốc phát minh ‘siêu cỗ máy’ bất bại, có khả năng xây cầu thần tốc, nâng vật nặng lên tới 1000 tấn: Người làm nhàn tênh
- 17-08-2023WTO ra phán quyết có lợi cho Mỹ, Trung Quốc không chịu thua
Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Mỏ vonfram nằm ở Sangdong, cách thủ đô Seoul 180 km về phía đông nam, đang được hồi sinh để khai thác kim loại hiếm, có giá trị mới trong thời đại kỹ thuật số như sản xuất điện thoại, chip cho đến xe điện và tên lửa.
"Tại sao phải mở cửa trở lại sau 30 năm? Bởi vì đó là lời tuyên bố chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên," Lee Dong-seob, phó chủ tịch Almonty Korea Tungsten Corp nói với Reuters.
"Tài nguyên đã trở thành vũ khí và tài sản chiến lược".
Theo Almonty, mỏ Sangdong từng là một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới và là một trong số ít mỏ vonfram chất lượng cao bên ngoài Trung Quốc.
Còn theo Reuters, Sangdong cũng là một trong ít nhất 30 mỏ khoáng sản và nhà máy chế biến quan trọng trên toàn cầu được đưa vào hoạt động hoặc mở cửa trở lại bên ngoài Trung Quốc trong 4 năm qua. Bên cạnh đó là dự án phát triển lithium ở Úc, đất hiếm ở Mỹ và vonfram ở Anh.
Quy mô của các kế hoạch cho thấy áp lực đối với các quốc gia trên thế giới trong việc đảm bảo nguồn cung cấp các khoáng chất quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, bao gồm lithium trong pin ô tô điện, magie trong máy tính xách tay và neodymium trong tua-bin gió.
Năm 2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, nhu cầu tổng thể đối với các khoáng sản quý hiếm như vậy dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2040. Đối với nguồn nguyên liệu được sử dụng trong xe điện và bộ lưu trữ pin, nhu cầu dự kiến sẽ tăng gấp 30 lần.
Nhiều quốc gia coi hoạt động khai thác khoáng sản là vấn đề an ninh quốc gia vì Trung Quốc kiểm soát việc khai thác, chế biến hoặc tinh chế nhiều nguồn tài nguyên này.
Theo một nghiên cứu năm 2019 của Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc, quốc gia tỷ dân châu Á này là nhà cung cấp khoáng sản quan trọng lớn nhất cho Mỹ và Châu Âu.
Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất 13 trong số 35 khoáng sản được Mỹ liệt kê là quan trọng, như các nguyên tố đất hiếm cần thiết cho các công nghệ năng lượng sạch.
Trung Quốc cũng là nguồn cung lớn nhất 21 loại khoáng sản quan trọng cho EU, như antimon, được sử dụng trong pin.
Thậm chí, Julian Kettle, Phó Chủ tịch cấp cao về kim loại và khai thác tại công ty tư vấn Wood MacKenzie, còn ví von: "Trong nhà hàng nguyên liệu thô quan trọng, Trung Quốc đang ngồi ăn món tráng miệng trong khi phần còn lại của thế giới đang ngồi trên taxi xem thực đơn".
"Phải có kế hoạch B"
Rủi ro đặc biệt cao đối với Hàn Quốc, quê hương của các nhà sản xuất chip lớn như Samsung. Hàn Quốc là nước tiêu thụ vonfram bình quân đầu người lớn nhất thế giới và phụ thuộc vào Trung Quốc đến 95% nhu cầu.
Theo CRU Group, nhà phân tích hàng hóa có trụ sở tại London, Trung Quốc kiểm soát hơn 80% nguồn cung vonfram toàn cầu.
Mỏ ở Sangdong, từng là một thị trấn nhộn nhịp với 30.000 cư dân, hiện chỉ còn 1.000 người sinh sống, có một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới và có thể sản xuất 10% nguồn cung toàn cầu khi đi vào hoạt động.
Lewis Black, Giám đốc điều hành của Almonty Korea Tungsten Corp nói với Reuters rằng họ có kế hoạch cung cấp khoảng một nửa sản lượng thành phẩm cho thị trường nội địa Hàn Quốc như một giải pháp thay thế cho nguồn cung của Trung Quốc.
"Thật dễ dàng để mua hàng từ Trung Quốc và đây cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc nhưng [Seoul] nhận ra họ đang quá phụ thuộc" , ông Black nói. "Bạn phải có một kế hoạch B ngay bây giờ".
Được phát hiện vào năm 1916, vonfram ở Sangdong từng là xương sống của nền kinh tế Hàn Quốc, chiếm 70% nguồn thu xuất khẩu trong những năm 1960.
Mỏ đã bị đóng cửa vào năm 1994 do xuất hiện nguồn cung rẻ hơn từ Trung Quốc nhưng hiện tại Almonty đang đặt cược vào nhu cầu của thế giới.
"Chúng ta nên tiếp tục khai thác loại mỏ này để chuyển giao công nghệ mới cho các thế hệ tiếp theo" , Kang Dong-hoon, một người quản lý ở Sangdong. "Chúng ta đã lạc lối trong ngành khai thác 30 năm rồi, mất cơ hội này thì không còn nữa".
Trước đó, Hàn Quốc đã thành lập lực lượng đặc trách các hạng mục chính về an ninh kinh tế sau cuộc khủng hoảng nguồn cung vào tháng 11/2021 khi Trung Quốc siết chặt xuất khẩu dung dịch ure - nhiên liệu mà nhiều phương tiện chạy bằng động cơ diesel Hàn Quốc bắt buộc phải sử dụng để cắt giảm lượng khí thải.
Vào thời điểm đó, Seoul nhập khẩu gần 97% sản lượng dung dịch ure từ Bắc Kinh và tình trạng thiếu hụt đã tạo nên khủng hoảng tại các trạm xăng ở Hàn Quốc.
Để tránh tái diễn tình trạng thiếu hụt tương tự đối với vonfram, chính phủ Hàn Quốc cam kết hỗ trợ khoảng 37% chi phí đào hầm ở Sangdong và sẽ xem xét hỗ trợ thêm để giảm thiểu bất kỳ thiệt hại môi trường tiềm ẩn nào.
Nhịp sống thị trường