MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kho báu "vàng trắng" cực khủng của Việt Nam: Ngủ quên dưới lòng đất, giá lên tới 43 tỷ USD

11-12-2021 - 09:19 AM | Thị trường

Kho báu "vàng trắng" cực khủng của Việt Nam: Ngủ quên dưới lòng đất, giá lên tới 43 tỷ USD

Nhu cầu ngày càng tăng của cao lanh trên thế giới khiến các quốc gia đều tham gia khai thác và sử dụng với số lượng lớn.

Mới đây, trong quá trình san lấp giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư xã Đại An (huyện Thanh Ba) thuộc Dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, nhóm công nhân đã phát hiện một mỏ khoáng sản cao lanh.

Cao lanh (hay kaolin) là khoáng chất công nghiệp được loài người biết đến và sử dụng từ lâu. Ngày nay, cao lanh vẫn là nguyên liệu quan trọng và được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, có thể kể đến như sản xuất gốm sứ, gạch chịu lửa, làm chất độn trong công nghiệp sản xuất giấy, sơn, phân bón, cao su, chất dẻo...

Tiềm năng lớn từ cao lanh

Cao lanh còn được sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp để cải thiện độ bền, độ bóng, độ sáng và độ trắng của nhiều loại sản phẩm. Trữ lượng chính của cao lanh là ở Mỹ, Châu Âu và Nam Mỹ. Sự mở rộng của ngành xây dựng trên toàn cầu đã thúc đẩy nhu cầu về đồ gốm sứ chất lượng cao, do đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường cao lanh.

Sản lượng cao lanh đã tăng đáng kể trên toàn cầu với nhu cầu ngày càng tăng và việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến cao lanh. Quy mô thị trường cao lanh toàn cầu đạt 4,76 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 3,5% từ năm 2020 đến năm 2027.

Các công ty hàng đầu trên thị trường đang tập trung vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua quan hệ đối tác chiến lược dưới hình thức mua bán và sáp nhập, điều này được cho là sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường.

Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), hoạt động khai thác cao lanh trên thế giới rất sôi động. Trong năm 2020, cả thế giới khai thác 44 triệu tấn cao lanh, trong đó các nước khai thác hàng đầu là Đức (5,2 triệu tấn), theo sau là Mỹ và Trung Quốc (khoảng 5 triệu tấn), Uzbekistan (4,5 triệu tấn).

Đáng lưu ý, dù khai thác nhiều nhưng nhu cầu sử dụng của các quốc gia cũng rất lớn. Ví dụ, Trung Quốc xuất khẩu cao lanh thô và vẫn phải nhập khẩu cao lanh chất lượng cao từ nước ngoài với giá đắt gấp 9 lần hàng thô. Trong khi đó, Mỹ dùng hơn một nửa lượng cao lanh trong nước và chỉ xuất khẩu phần còn lại.

Trữ lượng của Việt Nam

Trong năm 2020, khoảng 1,9 triệu tấn cao lanh từ Mỹ được xuất khẩu chủ yếu để làm chất phủ và chất độn giấy; làm thành phần trong sản phẩm gốm và chất độn trong các sản phẩm sơn, nhựa và cao su. Trung Quốc, Mexico và Nhật Bản là những điểm đến hàng đầu của cao lanh Mỹ.

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cùng Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện năm 2008, cao lanh có mức phân bố khá rộng rãi và phổ biến ở nhiều nơi trên lãnh thổ nước ta, tập trung chủ yếu ở các khu vực: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Trên cơ sở các kết quả điều tra thăm dò địa chất và thực trạng công tác khai thác cao lanh tính đến năm 2008, các tác giả của nghiên cứu cho biết Việt Nam có trữ lượng cao lanh xác nhận là khoảng 267 triệu tấn ở 67 tụ khoáng và mỏ đã được phát hiện, tìm kiếm hoặc thăm dò.

Với số lượng tài nguyên và trữ lượng cao lanh nêu trên, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về nguyên liệu cao lanh ở vùng châu Á, Thái Bình Dương và chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ - nghiên cứu nhận định.

Theo USGS, giá cao lanh thành phẩm nói chung (đã làm tròn) là khoảng 160 USD/tấn, cao nhất trong số các loại đất sét phổ thông được thống kê trong nghiên cứu.

Như vậy, với trữ lượng 267 triệu tấn cao lanh (ước tính), Việt Nam đang sở hữu "mỏ vàng trắng" có giá trị khoảng 43 tỷ USD.

Tới nay, chưa đủ số liệu để thống kê về sản lượng khai thác hàng năm. Tuy nhiên, căn cứ theo nhu cầu của các ngành sử dụng cao lanh khoảng thời gian năm 2008 trở về trước, có thể ước đoán mỗi năm Việt Nam khai thác được khoảng 200.000 tấn cao lanh.

Với giả thiết số liệu ước đoán là sát thực tế, thì số lượng cao lanh đã khai thác trong 40 năm (tính đến mốc năm 2008) là khoảng 8 triệu tấn. Việt Nam mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ so với trữ lượng tiềm năng và "kho báu" hơn 200 triệu tấn cao lanh vẫn đang ngủ quên chưa được sử dụng tới.

Dựa trên con số này, dễ thấy rằng Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về nguồn nguyên liệu cao lanh, có khả năng đáp ứng cho các ngành công nghiệp khác nhau không chỉ trong nước mà có khả năng cạnh tranh trên thị trường nguyên liệu khoáng khu vực và thế giới trong nhiều năm tới.


Theo Tất Đạt

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên