MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó di dời nhà ven kênh rạch tại Tp.HCM

14-10-2020 - 11:43 AM | Bất động sản

Theo Sở xây dựng Tp.HCM, việc di dời nhà trên và ven kênh rạch của Tp.HCM đang gặp khó do số lượng di dời lớn. Thành phố có 2.953 tuyến sông, kênh, rạch; trong đó, hầu hết các tuyến kênh, rạch nhỏ không thực hiện được việc mở rộng biên độ chỉnh trang hoặc không có giá trị thương mại nên không hấp dẫn nhà đầu tư.

Đại diện Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết trên địa bàn thành phố có 21.851 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung nhiều nhất ở Quận 8, Bình Thạnh, Quận 7, Quận 4.

Giai đoạn 2016-2020, thành phố phấn đấu cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch bằng việc thực hiện 65 dự án; trong đó, có 59 dự án sử dụng ngân sách.

Về sau thành phố đã điều chỉnh mục tiêu, phân kỳ lại kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành di dời 10.000 căn, đến năm 2021 là 6.646 căn và số còn lại sẽ hoàn thành trước năm 2025.

Theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, trong 59 dự án dùng ngân sách chỉ có 3 dự án đã hoàn tất bồi thường, di dời được 1.086 căn, giải ngân được 3.849 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020, tổng số căn hộ đã bồi thường và di dời đạt được từ đầu chương trình là 2.487/20.000 căn (đạt 12,4%).

Đối với 6 dự án xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư (PPP) chỉ có 3 dự án đang triển khai các bước chuẩn bị thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, báo cáo đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.

Hiện nay, việc di dời nhà trên và ven kênh rạch đang gặp khó do số lượng di dời lớn. Thành phố có 2.953 tuyến sông, kênh, rạch; trong đó, hầu hết các tuyến kênh, rạch nhỏ không thực hiện được việc mở rộng biên độ chỉnh trang hoặc không có giá trị thương mại nên không hấp dẫn nhà đầu tư và phải sử dụng ngân sách trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp.

Khó di dời nhà ven kênh rạch tại Tp.HCM - Ảnh 1.

Trình tự thủ tục đối với dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách phức tạp, kéo dài nhiều giai đoạn, dẫn tới 42/59 dự án sử dụng ngân sách dừng lại ở các bước chuẩn bị đầu tư, chỉ có 17/59 dự án được phê duyệt dự án bồi thường để thực hiện tiếp theo nhằm chi trả bồi thường. Đó là chưa kể sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các sở ngành, ủy ban nhân dân quận huyện trong việc xác định ranh thực địa thực hiện dự án, vấn đề trượt giá, điều chỉnh ranh giới, tổng mức đầu tư, không kịp ghi kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm, áp giá bồi thường…

Bên cạnh đó, thành phố không có nhiều quỹ đất để thành toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) trong khi pháp luật về dự án BT thay đổi, nhất là Luật Đầu tư theo Phương thức đối tác công tư vừa được ban hành (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) quy định không triển khai dự án BT mới.

Việc tìm kiếm nhà  đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm cũng khó khó khăn trong khi thành phố đang điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060 nên một số khu vực, nhất là khu vực thuộc hành lang bảo vệ sông, kênh rạch phải điều chỉnh cục bộ, ảnh hưởng chung đến tiến độ kêu gọi các nhà đầu tư tham gia chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch.

Hạ Vy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên