Khó giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị
Mặc dù Chính phủ cho phép bổ sung một cấp phó là nữ đối với các bộ, cơ quan chưa có nữ lãnh đạo cấp phó, tuy nhiên một số bộ, cơ quan đến nay vẫn chưa có nữ cán bộ chủ chốt...
Đây là thông tin được nêu tại báo cáo mới nhất của Chính phủ về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2015 và giai đoạn 2011 - 2015.
Một trong số các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới của giai đoạn này là “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”.
Nhưng xem ra đây là mục tiêu rất khó. Chính phủ cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, chỉ tiêu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp chưa đạt kế hoạch.
Đối chiếu với chỉ tiêu 1 mục tiêu 1 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 thì tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tại cả 3 cấp cơ sở, huyện, tỉnh đều không đạt tỷ lệ 25% đề ra, báo cáo nêu rõ.
Cũng không đạt là chỉ tiêu 2: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ
Theo báo cáo, tính đến hết tháng 2/2015, có 15/30 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt, chiếm tỷ lệ 50%. Gồm 12/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 3/8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Trong ngành Công an, lần đầu tiên có 3 nữ được phong quân hàm thiếu tướng. Bộ Quốc phòng cũng bổ nhiệm một nữ Trung tướng và hai nữ Thiếu tướng.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, mặc dù Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo cho phép bổ sung thêm 1 cấp phó là nữ đối với các bộ, cơ quan chưa có nữ lãnh đạo cấp phó, tuy nhiên một số bộ, cơ quan đến nay vẫn chưa có nữ cán bộ chủ chốt.
Đó là các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Đặc biệt, khối ngành khoa học công nghệ mặc dù có số lượng nữ công chức, viên chức đông, có trình độ chuyên môn cao nhưng đến nay vẫn chưa từng có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Một số bộ đã có thứ trưởng nữ như Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng sau khi luân chuyển thì hiện không có nữ thứ trưởng.
Theo thống kê 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nữ đảm nhiệm chức vụ chủ tịch, phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, chiếm tỷ lệ 38%. Trong đó, có 1/63 Chủ tịch Ủy ban nhân dân là nữ (Tây Ninh) chiếm 1,58%; có 23/219 phó chủ tịch Ủy ban nhân dân là nữ (chiếm 10,4%). Hiện có 27/63 tỉnh, thành phố không có nữ đảm nhiệm một trong 6 chức danh chủ chốt cấp tỉnh.
Như vậy, chỉ tiêu này không đạt so với yêu cầu đề ra, Chính phủ nhìn nhận.
Với mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, một trong số các chỉ tiêu đặt ra là tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015
Kết quả, qua rà soát có 33 địa phương báo cáo thống kê được số liệu về chỉ tiêu này, trong đó có 9 địa phương đạt theo yêu cầu của Chiến lược là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang.
Tuy nhiên theo báo cáo điều tra lao động và việc làm năm 2014 thì tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp/giám đốc trên toàn quốc là 24,9% (tăng 0,5% so với năm 2013). Như vậy kết quả này chưa đạt chỉ tiêu của chiến lược đề ra là 30% vào năm 2015.
VnEconomy