Kho hàng giả mạo nhiều thương hiệu nổi tiếng chốt hơn 655.000 đơn trong 6 tháng
Lực lượng quản lý thị trường phát hiện kho hàng tiêu dùng nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu rất lớn tại Hà Nội.
- 30-03-2021Livestream 12 tiếng bằng trung tâm thương mại bán cả năm, "vua sale Trung Quốc" Xinba là ai?
- 30-03-2021Hà Nội: Phát hiện kho giày dép "khủng" giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, chuyên bán livestream
Ngày 30/3, Tổ công tác 368 phối hợp với Đội QLTT (quản lý thị trường) số 1 và Đội QLTT số 14, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra kho hàng tiêu dùng do Nguyễn Văn Ngọc, sinh năm 1992, hộ khẩu thường trú tại thôn Bằng Y, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì (Hà Nội) làm chủ kinh doanh
Theo cơ quan chức năng, kho hàng này chứa hàng trăm mã hàng với hàng vạn sản phẩm đủ thể loại từ quần áo, giày dép, chăn gối đến mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, pin sạc và sách truyện... Tất cả các sản phẩm đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hoặc là hàng nhập lậu.
Trong quá trình làm việc với đoàn kiểm tra, cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa ngoài Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Tuy nhiên, địa điểm đăng ký được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là ở thôn Bằng Y, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội nhưng thực tế kho hàng lại được đặt ở Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như Gucci, Chanel, LV, Adidas. Cùng hàng nghìn sản phẩm gia dụng nhập lậu như bếp từ, bếp nướng, nồi cơm điện, chảo điện....
Kho hàng chứa nhiều sản phẩm nhập lậu và giả mạo thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: QLTT
Qua điều tra của lực lượng chức năng, một trong những cách được cơ sở này sử dụng là thông qua hệ thống phần mềm mang tên TPOS cả chục Facebook khác sẽ đồng loạt chia sẻ các livestream này để chốt đơn hàng. Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở trên, chỉ trong 6 tháng có tới hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán.
Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Tổ trưởng Tổ công tác 368, cái khó nhất của cơ quan chức năng trong việc tiếp cận các kho hàng này là phải xác minh được địa chỉ IP Facebook vì hoạt động bán hàng online rất chuyên nghiệp, việc vận chuyển cũng được phối hợp với các đơn vị chuyển phát rất nhanh chóng.
Còn theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1, dù kho hàng cách trung tâm thành phố Hà Nội 80km. Tuy nhiên, thông qua hình thức chuyển phát nhanh, các đơn hàng sau khi được chốt nhanh chóng được vận chuyển đến khắp mọi miền đất nước từ Bình Định, Khánh Hòa, đến Thanh Hóa, Quảng Ninh.
Đến 20h ngày 30/3, các Đội Quản lý thị trường số 1, số 14 TP Hà Nội vẫn niêm phong sản phẩm để vận chuyển về kho phục vụ việc xác minh làm rõ các vi phạm của cơ sở để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
NDH