Khó khăn bất ngờ ập đến với nước giải khát Sá Xị: Doanh thu giảm mạnh, kinh doanh thua lỗ
Hơn chục năm qua, CDbeco liên tục kinh doanh có lãi, doanh thu trăm tỷ mỗi năm nhưng trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu công ty bỗng giảm mạnh, lỗ 4 tỷ đồng.
Công ty cổ phần nước giải khát Chương Dương (CDbeco) tiền thân là nhà máy Usine Belgique, được xây dựng vào năm 1952 trực thuộc tập đoàn BGI của Pháp chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng bia, nước đá và giải khát các loại. Trong đó, sản phẩm chủ lực của công ty là nước giải khát có gaz Sá Xị.
Từ năm 1993 đến nay, CDbeco trực thuộc Tổng công ty Sabeco và đến năm 2004 được cổ phần hóa. Trong cơ cấu cổ đông CDbeco hiện nay, Sabeco sở hữu tỷ lệ chi phối khi nắm 62% vốn góp.
Theo số liệu từ sau khi cổ phần hóa đến nay, CDbeco năm nào cũng có lãi, doanh thu giai đoạn 2005-2011 tăng trưởng ổn định trong khoảng 15%/năm. Tuy nhiên, kể từ năm 2012 đến nay, hoạt động kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu thất thường. Doanh thu 2012 đột ngột giảm tới 20% và các năm 2013-2016 doanh thu cũng chỉ đạt xấp xỉ thời kỳ hoàng kim 2011.
Bất ngờ hơn cả, trong 6 tháng đầu năm 2017 vừa qua, doanh thu CDbeco chỉ đạt 159 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2016. Doanh thu giảm trong khi các loại chi phí gần như không đổi đã khiến CDbeco lỗ thuần 4,2 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và báo lỗ trước thuế gần 4 tỷ đồng.
Theo nhận định của lãnh đạo CDbeco thị trường nước giải khát hiện nay rất khó khăn do có ới hơn 1.600 cơ sở sản xuất, trong đó bao gồm các tập đoàn lớn như Coca Cola, Pepsi và hàng nghìn doanh nghiệp trong nước.
Từ năm 2016, công ty đã nhận thấy rất rõ sức ép của thị trường bán lẻ khi các hãng bán lẻ nước ngoài đi vào Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. CDbeco đánh giá, các doanh nghiệp FDI đang chiếm lĩnh thị trường dưới dạng siêu thị lớn, nhỏ, mặt hàng nước giải khát nước ngoài vào Việt Nam chưa bao giờ nhiều như hiện nay. Đồng thời, CDbeco còn đối mặt với khó khăn về giá cả sản phẩm ,khi các hãng nước giải khát nước ngoài luôn đưa ra chiến lược cạnh tranh giảm giá bán để ép các hãng nước giải khát trong nước.
Không những vậy, CDbeco còn gặp khó khăn về công nghệ. Công ty cho biết, công nghệ, máy móc thiết bị mới nhất của mình được đầu tư từ năm 2000. CDbeco muốn đầu tư máy móc thiết bị phải làm theo quy trình từng bước, xin chủ trương và được Tổng công ty phê duyệt. Hiện tại, CDbeco đã trình Tổng công ty và đang chờ phê duyệt dự án xây dựng nhà máy mới ở Củ Chi, khi đó sẽ đầu tư đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại
CDbeco hiện có hơn 400 đại lý phân phối, siêu thị cùng hàng ngàn điểm bán cấp 1, cấp 2, tập trung tại TPHCM, Long An và Bình Dương. Công ty đang xây dựng và mở rộng thị trường ở các khu vực mới và tiềm năng như Miền Đông, Tây Nguyên, Miền Trung, Miền Bắc và khu vực sông Hậu nhằm tránh tình trạng mất cân đối trong hệ thống đại lý/nhà phân phối giữa các vùng miền.
Năm 2017, CDbeco đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ 38,9 tỷ lít, doanh thu 494 tỷ đồng và lợi nhuận trước thues 37,95 tỷ đồng. Sau những gì đạt được trong 6 tháng đầu năm, CDbeco sẽ rất khó hoàn thành kế hoạch năm nay.
Trí thức trẻ