MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó khăn bủa vây các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài: Hàng hóa tắc nghẽn, bị Amazon tấn công, châu Âu tăng thuế

04-08-2021 - 13:08 PM | Tài chính quốc tế

Khó khăn bủa vây các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài: Hàng hóa tắc nghẽn, bị Amazon tấn công, châu Âu tăng thuế

Các công ty Trung Quốc muốn vươn ra toàn cầu đang gặp phải 1 vấn đề bất thường: vận tải.

Lâu nay khả năng tiếp cận các trung tâm sản xuất giá rẻ ở quê nhà vẫn là 1 lợi thế cạnh tranh lớn giúp các doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh ở nước ngoài. Tuy nhiên giờ đây điều đó lại trở thành 1 bất lợi, vì đại dịch và tình trạng căng thẳng thương mại khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn.

Theo Fang Xueyu, phó Chủ tịch phụ trách marketing toàn cầu và thị trường châu Á Thái Bình Dương của nhà sản xuất đồ điện tử gia dụng Hisense, hiện nay rất nhiều hàng hóa không thể xuất đi.

Cước phí vận chuyển container đã tăng gấp 5 lần, từ 3.000 lên 15.000 USD cho mỗi container. Thời gian vận chuyển hàng hóa tới châu Âu cũng tăng thêm 1 tuần.

Từ vụ tàu Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez hồi tháng 3 tới các ổ dịch Covid-19 mới ở trung tâm xuất khẩu Quảng Châu hồi tháng 6, chuỗi cung ứng toàn cầu đã liên tục bị gián đoạn suốt từ đầu năm đến nay.

"Với những gì đang diễn ra ở châu Âu (lũ lụt) và trên toàn thế giới, chưa đến mức hỗn loạn nhưng mạng lưới logistics đang bị gián đoạn trên rất nhiều điểm", Alexander Klose, phó chủ tịch hãng xe điện Aiways nói. "Vì thế chúng tôi phải đặt lại tàu, hàng hóa thường xuyên về trễ bởi không có tàu, không có container. Mức độ ảnh hưởng rất lớn", Klose chia sẻ với CNBC.

Aiways sản xuất xe ô tô tại Trung Quốc và sau đó bán chúng tại thị trường châu Âu. Nhiều lô hàng bị trễ tới 2-3 tháng chỉ bởi vì những chiếc xe đã được chuyển ra cảng nhưng chờ mãi mà không được vận chuyển đi.

Nhu cầu của các thị trường nước ngoài đối với các sản phẩm "Made in China" là rất lớn, theo tính toán của các công ty cũng như theo số liệu chính thức do chính phủ công bố. Theo Tổng cục hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu sang EU tăng 35,9% so với 1 năm trước, lên 233 tỷ USD. Xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng 42,6%, lên 252,86 tỷ USD.

Hisense vẫn tiếp tục mở rộng thị trường nước ngoài, đạt doanh thu 7,93 tỷ USD từ các thị trường quốc tế trong năm ngoái. Công ty dự định đến năm 2025 sẽ tăng gấp 3 doanh thu từ thị trường nước ngoài, lên 23,5 tỷ USD.

Tuy nhiên những khó khăn về vận chuyển đang là thách thức mới nhất mà các công ty Trung Quốc phải đối mặt. Trong số khoảng 3.400 công ty Trung Quốc đang hoạt động ở nước ngoài, chỉ có khoảng 200 công ty kiếm được doanh thu hơn 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài, theo James Root, chuyên gia đang làm việc tại công ty tư vấn Bain.

"Khi đào sâu nghiên cứu, bạn sẽ thấy những công ty tiên phong – như Lenovo, Haier hay Huawei – là những ngoại lệ thay vì những hình mẫu mà đa phần các tập đoàn đa quốc gia của Trung Quốc có thể học tập. Các công ty Trung Quốc cần suy nghĩ lại khi đứng trước cơ hội tăng trưởng tốt nhất đang bày ra trước mặt họ.

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và rất nhiều chuyên gia kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ soán ngôi nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ trong vài năm tới.

Lệnh cấm của Amazon, thuế và các rủi ro khác

Thời gian gần đây, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon của Mỹ đang ráo riết thực hiện chiến dịch loại bỏ các bình luận giả mạo trên nền tảng bán hàng của hãng mà mục tiêu chủ yếu của chiến dịch chính là các doanh nghiệp Trung Quốc.

"Một số công ty đã vi phạm tiêu chuẩn người bán của Amazon và dẫn đến bị hạn chế hoạt động", ông Li Xianggan, giám đốc phòng ngoại thương trực thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc nói. "Chúng tôi luôn yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định và pháp luật của các nước, tôn trọng khách hàng bản địa và phát triển hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ luật pháp", ông bổ sung thêm.

Ngoài ra các doanh nghiệp Trung Quốc còn đối mặt với mức thuế cao hơn ở EU. "Các thử thách về chính trị, kinh tế, luật pháp, hậu cần và nhân sự mà các doanh nghiệp Trung Quốc gặp phải ở nước ngoài đang ngày càng tăng lên", tờ Nhân dân nhật báo nhận định hồi cuối tháng 6.

Lợi thế đường hàng không của Alibaba

Đối với Alibaba, tập đoàn thống trị thị trường thương mại nội địa Trung Quốc, chiến lược xâm nhập thị trường nước ngoài bao gồm cả đầu tư cho mảng logistics có tên Cainiao. Thông qua mối quan hệ hợp tác giữa Cainiao và các công ty thuê chuyến vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, Alibaba phát triển được mạng lưới vận tải khá ổn định kết nối với các nước châu Âu, William Wang, tổng giám đốc phục trách các thị trường Tây Ban Nha, Pháp và Italy của AliExpress cho biết.

Nhờ đó mà những người bán trên AliExpress có thể giao hàng cho khách mà không bị chậm trễ. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển bằng đường hàng không cao hơn khá nhiều, do đó sẽ khó áp dụng đối với những mặt hàng như ô tô hay các thiết bị gia dụng cỡ lớn.

Tăng số lượng nhà kho ở nước ngoài

Trước những thách thức đang gặp phải, nhiều công ty Trung Quốc đang "nội địa hóa" sâu hơn tại các thị trường quốc tế. Ví dụ, các công ty thương mại điện tử đã xây dựng hoặc thuê lại các nhà kho ở gần với khách hàng châu Âu. Bằng cách này hàng hóa sẽ được ship đến trước và được gửi cho khách từ 1 nhà kho ở ngay gần khách thay vì từ châu lục khác như bình thường.  

Số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy các công ty Trung Quốc đã xây dựng khoảng 100 nhà kho mới ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm. Năm ngoái đã có tới 800 nhà kho mới.

Năm tới AliExpress có kế hoạch tăng gấp đôi nhân sự ở Pháp, Tây Ban Nha và Italy so với mức 200 nhân viên hiện tại. Còn đối với Hisense, công ty có kế hoạch thâu tóm hoặc xây dựng thêm nhà máy ở Mỹ vì thuế quan đang khiến giá bán bị đội lên đáng kể.

Tham khảo CNBC


Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên