MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó khăn chồng chất với khách sạn nhỏ và vừa tại TP.HCM

24-03-2023 - 10:34 AM | Bất động sản

Khó khăn chồng chất với khách sạn nhỏ và vừa tại TP.HCM

Thiếu nguồn khách, nhân sự, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng trong khi lãi suất ngân hàng tăng cao và siết cho vay… là những khó khăn, thách thức mà nhiều khách sạn nhỏ và vừa trên địa bàn TP.HCM đang gặp phải.

Muốn sửa chữa nhưng không có tiền

Nhiều chủ khách sạn ở TP.HCM cho biết, dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã để lại hậu quả quá nặng nề. Sau 2 năm đóng cửa vì đại dịch, cơ sở vật chất của các cơ sở lưu trú du lịch bị xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng tăng và siết cho vay khiến hầu hết các chủ khách sạn gặp khó trong đầu tư sửa chữa, thay mới.

Từ đó, nhiều khách sạn nhỏ và vừa không thể đáp ứng tiêu chí về điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú theo quy định, không thể cạnh tranh, khiến khó khăn chồng chất khó khăn. Mặt khác, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều nhân sự của các cơ sở lưu trú du lịch phải nghỉ việc, chuyển ngành nghề hoặc về quê và không quay trở lại, khiến lĩnh vực này thiếu hụt nhân lực trầm trọng, nhất là nhân sự có tay nghề, kinh nghiệm.

Khó khăn chồng chất với khách sạn nhỏ và vừa tại TP.HCM - Ảnh 1.

Đại diện khách sạn vừa và nhỏ trình bày nhiều khó khăn, vướng mắc

Bà Nguyễn Thị Thúy Loan - đại diện hệ thống khách sạn A25 cho biết đến tận bây giờ lượng du khách vẫn chưa ổn định như trước, doanh thu vẫn đang sụt giảm: “Tình hình kinh doanh thì chỉ có ngày thứ Sáu, thứ Bảy, cuối tuần là doanh thu của chúng tôi có thể nhích lên một chút. Còn đầu tuần thì hầu như không có khách, rất vắng. Chúng tôi đang rất khó khăn về nhân sự và tài chính. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn Nhà nước có thể hỗ trợ vốn vay, giảm lãi suất, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp dịch vụ lưu trú như chúng tôi có cơ hội đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách”.

Không sửa thì không đủ điều kiện đón khách

Khó khăn chồng chất với khách sạn nhỏ và vừa tại TP.HCM - Ảnh 2.

Thượng tá Nguyễn Đức Vinh, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Công an TP.HCM giải đáp các vướng mắc quy định về PCCC.

Những cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ xây dựng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực lại càng khó khăn. Vì cơ sở xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chí về điều kiện phòng cháy nên các cơ sở này không được cơ quan quản lý thẩm duyệt, không được cấp giấy chứng nhận về an ninh trật tự.

Giải đáp những vướng mắc về quy định, điều kiện phòng cháy chữa cháy, Thượng tá Nguyễn Đức Vinh, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Công an TP.HCM cho biết, các cơ sở lưu trú nhỏ và vừa thường được chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ, chứ không phải được thiết kế, xây dựng với mục đích là công trình dịch vụ, thương mại, kinh doanh từ ban đầu. Do đó, các cơ sở này hiện nay không đáp ứng về tiêu chuẩn hệ thống cầu thang thoát hiểm.

"Khi chúng ta chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ qua các dịch vụ khác thì kèm theo các điều kiện về an toàn phòng cháy sẽ bị siết chặt và khó khăn rất nhiều. Điều này là nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trước đây, toàn TP.HCM có trên 98 cơ sở thuộc diện phải cải tạo, sửa chữa để đảm bảo quy định PCCC. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có cơ sở nào thực hiện các giải pháp để đảm bảo hoạt động".

Khó khăn chồng chất với khách sạn nhỏ và vừa tại TP.HCM - Ảnh 3.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM giải đáp thắc mắc của đại diện các cơ sở lưu trú.

Nhiều chủ khách sạn nhỏ và vừa cũng đề nghị cơ quan chức năng tại TP.HCM rà soát việc một số khách sạn hạng sao đã hết hạn nhưng không xếp hạng mới hoặc không đăng ký xếp hạng sao mà tự ý phong sao. Rà soát và chấn chỉnh việc này sẽ phần nào đem lại sự cạnh tranh công bằng giữa các khách sạn với nhau.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết sẽ quyết liệt xử phạt đối với đơn vị vi phạm: “Đây là hành vi vi phạm hành chính, vi phạm quy định về xếp hạng cơ sở lưu trú. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ rà soát nhiều hơn nữa, dành thời gian nhiều hơn nữa để làm sao đánh giá một cách công bằng và trả lại sự công bằng cho các đơn vị, giữa đơn vị cơ sở lưu trú có xếp hạng sao và đơn vị không xếp hạng sao. Chúng tôi sẽ quyết liệt trong việc xử phạt hành chính đối với những đơn vị vi phạm này".

Thời gian qua, ngành du lịch TP.HCM liên tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho các cơ sở lưu trú du lịch. Sở Du lịch TP.HCM khuyến nghị các cơ sở lưu trú nhỏ và vừa cần tăng cường đẩy mạnh chuyển đổi số để hoạt động kinh doanh hiệu quả, tăng sức cạnh tranh.

Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn thành phố có 3.227 cơ sở lưu trú du lịch các loại, tương ứng với hơn 65.000 phòng đủ điều kiện kinh doanh. Trong đó, 325 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao, tương ứng với 17.613 buồng/phòng đạt tiêu chuẩn; 2.902 khách sạn đạt tiêu chí tối thiểu cơ sở vật chất và kỹ thuật dịch vụ, tương ứng với hơn 48.000 buồng/phòng đạt tiêu chuẩn. So với cuối năm 2019, tổng số cơ sở lưu trú hạng từ 1-5 sao, giảm từ 1.342 cơ sở còn 325 cơ sở (tương ứng giảm 312% so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giảm mạnh tập trung ở đối tượng từ 1-2 sao./.

Tỳ Huỳnh

VOV

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên