Khó khăn chồng chất, xuất khẩu vẫn sẽ đạt hơn 260 tỷ USD?
Tăng trưởng xuất khẩu (XK) nửa đầu năm nay chỉ bằng khoảng một nửa so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, XK cả năm được dự báo vẫn đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, với tổng kim ngạch đạt khoảng 261-262 tỷ USD, tăng 7-7,5%.
- 10-08-2019Nông sản Mỹ giá rẻ tràn ngập: Thị trường trong nước vừa mừng vừa lo
- 10-08-2019Xuất khẩu cà phê 7 tháng giảm gần 20%
- 09-08-2019VASEP: Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc nửa cuối năm 2019 sẽ hồi phục
Dấu ấn của DN nội
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương: Tính đến hết tháng 7, kim ngạch XK ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018, thấp hơn khoảng 1 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng đề ra. 7 tháng đầu năm, đã có 24 mặt hàng XK đạt trên 1 tỷ USD. Có tới 33/45 mặt hàng có kim ngạch XK tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý trong "bức tranh" XK từ đầu năm đến nay là tác động của mặt hàng điện thoại đến XK nói chung. Theo Bộ Công Thương: XK dựa nhiều vào mặt hàng điện thoại nên khi XK mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng không cao đã kéo tốc độ tăng trưởng XK chung chậm lại, cũng như làm kết quả XK sang một số thị trường như EU, Trung Quốc giảm mạnh. Nếu như không tính mặt hàng điện thoại và linh kiện, XK cả nước đạt 117,8 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn 1,1% so với mức tăng 7,5% của XK khi tính cả mặt hàng điện thoại).
Bên cạnh đó là sự sụt giảm mạnh mẽ của nhóm mặt hàng nông sản, thủy sản. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, có tới 6/9 mặt hàng XK chính trong nhóm hàng nông sản, thủy sản có kim ngạch XK giảm gồm: Thủy sản, rau quả, hạt điều, gạo, cà phê và sắn. Tính chung nhóm hàng nông sản, thủy sản 7 tháng đầu năm, tác động giảm do giá đã làm giảm kim ngạch XK 1,22 tỷ USD, trong khi tác động tăng về lượng XK chỉ giúp tăng 288 triệu USD, không đủ bù lại tác động do giá XK giảm.
Bộ Công Thương chỉ rõ có nhiều nguyên nhân làm XK nông sản, thủy sản giảm như: Tình trạng cung vượt cầu, tồn kho của thế giới ngày càng lớn của một số mặt hàng kéo giá XK giảm trong khi lượng không tăng; chủ nghĩa bảo hộ diễn biến ngày càng rõ ràng, phức tạp hơn; tác động của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung tới XK sang thị trường Trung Quốc và cả một số thị trường khác. XK nông sản, thủy sản vẫn còn khả năng tăng trưởng nhờ thị trường nước ngoài được mở rộng, nhưng nếu không giải quyết được vấn đề về kiểm dịch động, thực vật, kiểm dịch vệ sinh an toàn chất lượng thì XK nhóm hàng này cũng khó có đột biến.
Bên cạnh những khó khăn chồng chất trong XK nhiều mặt hàng, nhìn từ góc độ DN XK, thông tin khả quan là sự vươn lên của khối DN nội. Kim ngạch XK của khu vực 100% vốn trong nước trong 7 tháng ước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn tốc độ tăng của khối DN FDI (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước). Khác với thời gian trước, động lực tăng trưởng của khối trong nước trong 7 tháng đầu năm không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. XK nhiều mặt hàng như gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm dệt may, sản phẩm chất dẻo,... của khối DN trong nước tăng trưởng tốt. Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục XNK, điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của DN, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Mỗi tháng XK phải đạt khoảng 23,2-23,4 tỷ USD
Từ nay đến hết năm, ông Phan Văn Chinh nhận định, XK tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: Xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, các nước tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như Ủy ban châu Âu (EC) siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc....; xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, ông Phan Văn Chinh thông tin thêm: Ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, trong khi nhiều nước đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn NK dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong XK hàng hóa nông sản, thủy sản. Do vậy, giá XK nông sản không còn là yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu.
Dự báo, cả năm 2019 XK đạt khoảng 261-262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018. Như vậy, từ nay tới cuối năm, bình quân mỗi tháng XK phải đạt khoảng 23,2-23,4 tỷ USD.
Xung quanh câu chuyện thúc đẩy XK, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Xuất nhập khẩu phải chủ động nghiên cứu công tác phối hợp với các đơn vị trong Bộ để xây dựng các kịch bản tăng trưởng XNK trong 5 tháng còn lại ở các thị trường và các ngành hàng; Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại đánh giá lại và lựa chọn những nhóm hàng có nguy cơ sẽ dính vào những tranh chấp thương mại kể cả các đối tác lớn cũng như đối tác ngày càng quan trọng của Việt Nam, từ đó có những biện pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Công an cũng như một số địa phương để có những giải pháp đảm bảo sự phát triển phù hợp với quy định, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác kinh tế thương mại của Việt Nam để đảm bảo tính hiệu quả cao...
Với những nỗ lực trong việc mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại đẩy mạnh XK của Chính phủ, các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp, XK hàng hóa được kỳ vọng có thể hoàn thành mục tiêu đề ra".
Báo Hải Quan