Khó khăn vẫn bủa vây kinh tế tư nhân
Mặc dù có những bước tiến nhất định, kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều hạn chế về vốn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, trình độ và năng lực quản trị nội bộ yếu...
- 17-05-2020Kinh tế tư nhân hậu Covid-19: Tận dụng “cơ hội vàng” để bứt phá
- 04-12-2019Kinh tế tư nhân: Cái khó bó cái khôn
- 25-10-2019Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được công nhận
Đánh giá về nhân tố tạo nên động lực phát triển khối kinh tế tư nhân, ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của WB. Cụ thể, Việt Nam đã đạt kết quả ấn tượng, từ thứ hạng 100 lên 70, tăng 30 bậc. Tuy nhiên, 2 năm qua, mặc dù điểm số Việt Nam có tăng nhưng thứ hạng lại không được cải thiện.
Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế, mặc dù có những cải thiện nhất định nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, trình độ phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam còn thấp do thiếu vốn và mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, manh mún, mang nặng tính chất gia đình, ít liên kết với nhau hoặc với kinh tế Nhà nước hay kinh tế tập thể.
Cùng với đó, trình độ công nghệ và tay nghề của công nhân chưa cao, máy móc, thiết bị lạc hậu, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, chưa tạo được nhiều sản phẩm uy tín, có thương hiệu. Năng lực quản trị nội bộ ở nhiều doanh nghiệp còn yếu, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn...
Ngoài ra, cơ cấu ngành nghề của kinh tế tư nhân còn bất cập khi tập trung vào lĩnh vực hoạt động thương mại, dịch vụ, trong khi chỉ có 1% đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều khó khăn vẫn bủa vây kinh tế tư nhân. (Ảnh minh họa)
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không thể ép hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, mà chỉ có thể khoác một tấm áo pháp lý mới cho hộ kinh doanh; đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Các loại hình doanh nghiệp như: doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đều lao đao và có nguy cơ phá sản, do đó, đã đến lúc cần đẩy nhanh quá trình cải cách, giúp môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân.
“Điểm then chốt nhất vẫn là phải đẩy mạnh cải cách thể chế cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Cần tái khởi động đà cải cách để tái khởi động nền kinh tế đang là một yêu cầu bức thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện nay, nền kinh tế đất nước đang tồn tại nhiều điểm nghẽn, kinh tế tư nhân cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ những điểm nghẽn này.
“Điều quan trọng nhất lúc này là cần cải cách Bộ máy hành chính nhà nước, loại bỏ nhiều giấy phép con và các thủ tục hành chính rườm rà, phiền hà; Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân cũng như doanh nghiệp. Điều này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu từ rất lâu rồi. Mới đây, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam đã có báo cáo về mức độ hài lòng của doanh nhân, doanh nghiệp đối với cải cách của của các bộ, qua đó cho thấy, một số bộ có cải cách nhưng có những bộ không hề có cải cách”, TS. Lê Đăng Doanh thẳng thắn nêu.
Để kinh tế tư nhân phát triển và phát huy vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, cần ban hành chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trọng tâm là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa - bộ phận lớn của kinh tế tư nhân nhưng năng lực còn hạn chế.
Cùng với đó, cần có chính sách tài chính hỗ trợ kinh tế tư nhân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất kinh doanh nhằm tăng giá trị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; Xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận được các hình thức huy động vốn khác như thuê tài chính, phát hành trái phiếu, vay nợ quốc tế, tín dụng qua các tổ chức tài chính vi mô, nâng cao nhận thức tài chính của kinh tế cá thể và các doanh nghiệp siêu nhỏ./.
VOV