Khó khăn vì COVID-19, doanh nghiệp lại thêm hụt hẫng vì ngành thuế sửa nửa vời
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn do những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang tỏ ra khá hụt hẫng trước quyết định mới nhất của Bộ Tài chính liên quan đến dự thảo sửa đổi Nghị định 20 liên quan đến trần lãi vay.
- 06-03-2020Bộ Tài chính đề xuất phương án sửa quy định trần lãi vay: Vì sao bỏ ngỏ việc hồi tố số thuế đã nộp tạm?
- 19-12-2019Sửa Nghị định 20 thế nào để doanh nghiệp bớt nỗi lo bị “siết” nhầm?
- 16-12-2019Sửa Nghị định 20: Nâng trần lên 30%, cần "hồi tố" tránh thuế chồng thuế
- 29-11-2019Tin vui cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp: Chính phủ sẽ sửa nhanh Nghị định 20 về chi phí lãi vay của DN, có thể nới trần lên 30%
Với việc phát sinh nhiều bất cập trong quá trình triển khai, điển hình là tạo thêm gánh nặng thuế cho rất nhiều doanh nghiệp trong nước, Bộ Tài chính đã đưa ra phương án sửa đổi Nghị định 20 là áp dụng lãi vay thuần (lãi vay trừ lãi tiền gửi, tiền cho vay) và nâng trần lãi vay từ 20% lên 30%.
Tuy nhiên điều khó hiểu là Bộ Tài chính lại quyết định không cho hồi tố những khoản thuế phát sinh từ quy định bất cập này của kỳ quyết toán thuế năm 2017, 2018 mà chỉ thực hiện từ kỳ quyết toán thuế 2019.
Theo phần đông ý kiến của các chuyên gia, việc cho hồi tố sẽ tránh được nguy cơ thuế chồng thuế khi mà bên vay lẫn cho vay đều phải nộp thuế cho phần vượt mức trần. Việc công ty mẹ đứng ra vay rồi cho các công ty con vay lại là việc hết sức phổ biến trong mô hình các tập đoàn kinh tế hiện nay.
Là một trong những đơn vị chịu ảnh hưởng lớn của trần lãi vay với số thuế phát sinh hàng trăm tỷ đồng trong 2 năm qua, phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than khoáng sản Lê Quang Dũng đã chia sẻ trên VTV: "Nếu quy định không cho hồi tố thì đơn vị này sẽ rất khó khăn, đặc biệt là các khoản vay đứng ra thu xếp hộ đơn vị thành viên, Tập đoàn hoàn toàn không có khoản thu chênh lệch gì mà cuối cùng cả công ty mẹ lẫn các đơn vị thành viên đều phải chịu thuế".
Do đang trong quá trình cầm cự để tái cấu trúc hoạt động, CEO HAGL Võ Trường Sơn nhận định việc không cho hồi tố khiến tập đoàn lâm vào tình cảnh khó mà vực dậy được. Việc đang thua lỗ nhưng vẫn phải nộp hàng trăm tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp là một nghịch lý rất lớn, làm doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn thêm.
Với kỳ vọng sẽ được hồi tố tiền thuế đã nộp để giảm bớt khó khăn đang gặp phải, trong nửa đầu năm 2019, Hoàng Anh Gia Lai đã ghi nhận một số khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp đã được trích lập vào báo cáo tài chính tổng hợp những năm trước lũy kế đến 31/12/2018 với số tiền 335,3 tỷ đồng liên quan đến Nghị định 20.
Nếu phương án không hồi tố được "chốt" thì theo như ý kiến loại trừ của kiểm toán, HAGL sẽ phát sinh thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành khoảng 155 tỷ đồng và lỗ lũy kế tăng thêm 491 tỷ đồng.
Với góc nhìn tổng quan hơn, luật sư Trần Minh Hải, giám đốc điều hành công ty luật Basico cho rằng Bộ Tài chính cần phải quay lại vấn đề cốt lõi của Nghị định 20 là chống chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI chứ không phải chỉ là sửa đổi trần lãi vay từ 20% lên 30%. "Đối với các DN trong nước đã có luật Thuế thu nhập DN điều chỉnh. Trong đó các chi phí, thu nhập liên quan đến tài chính, lãi vay đều phải theo quy định của luật thuế là hợp lý, hợp lệ" – luật sư Trần Minh Hải chia sẻ trên báo Thanh niên.
Rõ ràng trong lúc các doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang tìm cách ứng phó với tác động của Covid-19, Bộ Tài chính cần sửa đổi Nghị định 20 theo hướng tháo gỡ triệt để khó khăn cho doanh nghiệp.
Nếu được hồi tố khoản thuế đã nộp, đây có thể coi như một liều vắc xin giúp doanh nghiệp trụ vững qua khó khăn hiện tại. Và nó cũng sẽ đi đúng theo tinh thần của chỉ thị 11/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên là Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử.