MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Khó nhất là duy trì được tính hấp dẫn của sản phẩm chứng khoán sau khi triển khai'

Là đầu não nghiên cứu, triển khai các sản phẩm đầu tư, Phòng R&D của HoSE đã cho ra đời nhiều giải pháp nhằm gia tăng thanh khoản, hoàn thiện cấu trúc hàng hóa cho thị trường.

Khó nhất là duy trì được tính hấp dẫn của sản phẩm chứng khoán sau khi triển khai - Ảnh 1.

Ngày 28/7/2000, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã chính thức có phiên giao dịch đầu tiên với chỉ 2 mã chứng khoán niêm yết. Tính đến cuối tháng 5, số lượng sản phẩm niêm yết trên HoSE đã tăng lên 381 cổ phiếu, 3 chứng chỉ quỹ đóng, 4 chứng chỉ quỹ ETF, 63 chứng quyền có bảo đảm và 42 trái phiếu doanh nghiệp.

Để có được sự phát triển đa dạng các sản phẩm đầu tư, giữ vai trò chủ đạo trong việc kiến thiết và triển khai các sản phẩm đầu tư mới là Phòng R&D, thuộc HoSE. Người Đồng Hành đã có buổi phỏng vấn với ông Nguyễn Địch Thanh – Phó Giám đốc Phòng Nghiên cứu Phát triển xoay quanh câu chuyện về công tác xây dựng các sản phẩm và những định hướng nghiên cứu trong thời gian tới.

Khó nhất là duy trì được tính hấp dẫn của sản phẩm chứng khoán sau khi triển khai - Ảnh 2.

- Ông có thể điểm lại các sản phẩm lớn nào mà HoSE đã xây dựng thành công trong 20 năm vận hành?

- Trải qua 20 năm, HoSE luôn chủ động trong việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán (TTCK), cũng như nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tạo thêm nhiều tiện ích trong hoạt động giao dịch trên chứng khoán.

Nói riêng về các giải pháp kỹ thuật, trước đây nhà đầu tư phải sử dụng phiếu đặt lệnh thủ công gây nhiều bất tiện và chỉ khớp lệnh định kỳ, đặc biệt khi thị trường bùng nổ năm 2006 dẫn đến nhiều phiếu lệnh không kịp nhập lên hệ thống. Trước thực trạng đó, nhiều giải pháp kỹ thuật đã được HoSE liên tục nghiên cứu và triển khai như khớp lệnh liên tục (năm 2007), giao dịch trực tuyến (năm 2009), kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều (năm 2012), mở rộng biên độ dao động hàng ngày lên 7% (năm 2013) và chia nhỏ bước giá (năm 2016)…Những giải pháp kỹ thuật này giúp cho nhà đầu tư thực hiện giao dịch dễ dàng hơn, tiết kiệm chi phí và là tiền đề giúp cho thanh khoản thị trường được gia tăng liên tục trong thời gian qua.

Đối với việc phát triển sản phẩm, kể từ 2006, HoSE thành lập một nhóm nghiên cứu triển khai sản phẩm cho thị trường. Sản phẩm lớn đầu tiên được nghiên cứu là phái sinh. Sau khi đi học hỏi thông lệ quốc tế, chúng tôi đã hoàn thành đề án này và trình lên Chính phủ vào năm 2007.

Tuy nhiên do việc phân khúc lại thị trường, sản phẩm chính thức đầu tiên của HoSE là quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Sản phẩm được nghiên cứu và triển khai từ năm 2012, quỹ ETF đầu tiên niêm yết vào 6/10/2014.

Sản phẩm lớn thứ hai được ra mắt gần đây là chứng quyền có đảm bảo (CW), được giới thiệu vào 28/6/2019. Cấu trúc sản phẩm ngày càng hoàn thiện và tiệm cận hơn với xu hướng quốc tế, giúp đa dạng hóa các lựa chọn đầu tư và góp phần tăng thanh khoản trên thị trường cơ sở.

Đóng góp không nhỏ vào việc phát triển đa dạng sản phẩm mới không thể không kể đến vai trò của các bộ chỉ số. Từ việc chỉ có duy nhất chỉ số VN-Index, HoSE đến nay đã xây dựng và tính toán hơn 30 chỉ số theo phương pháp mới, trong đó nổi bật nhất là việc ra đời chỉ số VN30 năm 2012.

VN30 hiện là một trong những chỉ số nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại đánh giá rất cao chỉ số VN30, thậm chí quỹ KIM (Hàn Quốc) và công ty chứng khoán Bualuang (Thái Lan) đang có sản phẩm mô phỏng chỉ số này của Việt Nam.

Đến năm 2014, HoSE chính thức ra mắt một bộ chỉ số đầy đủ hơn gọi là HoSE-Index, 10 chỉ số ngành theo chuẩn phân ngành quốc tế năm 2016, nhóm chỉ số theo chủ đề VNSI năm 2017. Chúng tôi cũng hợp tác với HNX để cho ra các chỉ số chung VNX-Index năm 2016-2017. Năm 2019, HoSE tiếp tục phối hợp với các thành viên cho ra đời các chỉ số đầu tư mới như VN Diamond, VNFIN Lead, VNFIN Select.

Khó nhất là duy trì được tính hấp dẫn của sản phẩm chứng khoán sau khi triển khai - Ảnh 3.

Các giải pháp kỹ thuật, các sản phẩm mới, các chỉ số mới cung cấp thêm nhiều lựa chọn cho nhà đầu tư, tạo nhiều tiện ích giao dịch, ngày càng thu hút nhà đầu tư đến với thị trường, đặc biệt là dòng tiền từ nước ngoài.

Khó nhất là duy trì được tính hấp dẫn của sản phẩm chứng khoán sau khi triển khai - Ảnh 4.

- Quá trình phát triển một sản phẩm của HoSE diễn như thế nào? Đâu là các thách thức lớn nhất để hoàn thiện sản phẩm?

- Một sản phẩm ra đời là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý thị trường, các đơn vị thành viên và sự hưởng ứng của giới đầu tư.

Quá trình phát triển một sản phẩm ra công chúng thường trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là nghiên cứu tiền khả thi, xem xét sản phẩm có đáp ứng được nhu cầu gì và đem đến lợi ích gì cho TTCK và các thành viên thị trường.

Khó khăn nhất công đoạn này là khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu thì các thị trường quốc tế đã phát triển và vận hành hàng chục, hàng trăm năm với độ mở cao. Chúng tôi phải đi tìm hiểu thực tế ở nhiều thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, HongKong, Đài Loan, Thái Lan...các thắc mắc phải hỏi trực tiếp và may mắn đều nhận được chia sẻ, hỗ trợ nhiệt tình từ các nước bạn.

Công đoạn quan trọng tiếp theo là phải xây dựng mô hình áp dụng làm sao để bám theo những chuẩn mực của quốc tế nhưng phải đồng thời phù hợp với các đặc thù, điều kiện thực tế ở Việt Nam. Lấy ví dụ như sản phẩm CW, hiện hầu như các quốc gia triển khai sản phẩm này đều không bắt buộc phải ký quỹ trước khi phát hành và phòng ngừa rủi ro đối với tổ chức phát hành. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu triển khai sản phẩm tại Việt Nam, tổ chức phát hành được yêu cầu phải ký quỹ và báo cáo hoạt động phòng ngừa rủi ro hàng ngày cho cơ quan quản lý. Việc đưa ra những quy định này nhằm đảm bảo khả năng thanh toán của tổ chức phát hành cũng như tạo dựng niềm tin đối với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Sở cũng muốn nâng cao nhận thức về công tác quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán khi triển khai các sản phẩm tài chính bậc cao. Tương lai, khi thị trường phát triển ổn định, chúng tôi sẽ xem xét đề xuất bỏ các quy định này.

Khó nhất là duy trì được tính hấp dẫn của sản phẩm chứng khoán sau khi triển khai - Ảnh 5.

Khi đã xây dựng được mô hình vận dụng thì cái khó tiếp theo là phải xây dựng khung pháp lý theo nguyên tắc đảm bảo giám sát được hoạt động, vận hành an toàn, công bằng hiệu quả và minh bạch, hạn chế thấp nhất các rủi ro nếu có. Chúng tôi còn thực hiện xây dựng, chỉnh sửa hệ thống giao dịch cũng như phần mềm tại các công ty thành viên.

Công đoạn lớn nữa là việc giới thiệu và đào tạo cho nhà đầu tư cũng như các thành viên thị trường. Chúng tôi phải trải qua nhiều đợt giới thiệu sản phẩm cũng như trực tiếp đến các công ty thành viên để đào tạo các cán bộ, môi giới. Nhiều bài viết cũng như clip giới thiệu về sản phẩm được chúng tôi thực hiện để truyền đến nhà đầu tư thông qua website của HoSE, CTCK thành viên và các phương tiện báo đài. Mặc dù vậy, nhưng chúng tôi vẫn luôn trăn trở là nhà đầu tư đã hiểu về sản phẩm chưa?

Giai đoạn cuối cùng là theo dõi, đánh giá để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, dần hoàn thiện.

- Thời gian nghiên cứu một sản phẩm thông thường mất bao lâu? HoSE từng có những kế hoạch dang dở nào không?

- Thời gian nghiên cứu tùy thuộc vào độ phức tạp của các sản phẩm, thông thường mất khoảng 3-4 năm. Đối với việc phát triển các chỉ số đầu tư thì chỉ cần khoảng 1-2 năm trong khi sản phẩm phức tạp thì cần nhiều thời gian hơn như CW chẳng hạn, chúng tôi mất khoảng 7 năm. Dù thời gian ngắn hay dài nhưng chúng tôi luôn quán triệt quan điểm là một khi sản phẩm được triển khai thì phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và giám sát được.

Khó nhất là duy trì được tính hấp dẫn của sản phẩm chứng khoán sau khi triển khai - Ảnh 6.

Dù mới chính thức có 2 sản phẩm và một số chỉ số ra thị trường, nhưng trên thực tế đang nghiên cứu nhiều sản phẩm khác. Về cơ bản, chúng tôi đã hiểu về cơ chế và mô hình vận hành, cũng như lợi ích cho thị trường. Tuy nhiên, xét về mức độ phù hợp với Việt Nam như việc xây dựng khung pháp lý, mức độ hấp thụ của thị trường…thì trong bối cảnh hiện tại có thể nói là chưa phù hợp để triển khai các công việc tiếp theo. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn theo dõi, đánh giá các điều kiện về thị trường để có thể sớm triển khai các sản phẩm này.

Khó nhất là duy trì được tính hấp dẫn của sản phẩm chứng khoán sau khi triển khai - Ảnh 7.

- Các sản phẩm đã hoàn thiện liệu có đáp ứng đúng nhu cầu thị trường hay không?

- Các sản phẩm ra mắt hầu như thành công và đáp ứng được xu thế phát triển của thị trường Việt Nam, cũng như phù hợp với chiến lược phát triển TTCK của Chính phủ. Như các quỹ ETF, giai đoạn đầu khó hút vốn do đây là sản phẩm không dành cho nhà đầu tư ngắn hạn mà phải có tầm nhìn trung và dài hạn.

Dù vậy, quỹ ETF đang có xu hướng phát triển nhanh với sự tham gia của các đơn vị như VFM, SSIAM, VinaCapital… Chúng tôi đang làm việc với các công ty quản lý quỹ để triển khai thêm một số chứng chỉ quỹ ETF trong thời gian tới. Các ETF Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các tổ chức nước ngoài và thực tế họ đang nắm giữ khoảng trên 90% tổng giá trị tài sản ròng của quỹ ETF Việt Nam.

Sản phẩm CW cũng có tốc độ phát triển khá nhanh. Sau 1 năm triển khai đã có 8 tổ chức phát hành 165 mã CW dựa trên 22 cổ phiếu cơ sở. Thanh khoản tăng lên nhanh chóng khi khối lượng và giá trị CW giao dịch lần lượt chiếm khoảng 1,93% và 0,15% so với tổng khối lượng và giá trị giao dịch của toàn HoSE. Đây là bước phát triển rất đáng quan tâm nếu như so sánh với thị trường Đài Loan sau 2 năm hoạt động thì khối lượng và giá trị CW giao dịch chỉ chiếm khoảng 0,24% và 0,04% so với toàn thị trường.

Khó nhất là duy trì được tính hấp dẫn của sản phẩm chứng khoán sau khi triển khai - Ảnh 8.

Về việc sử dụng sản phẩm, thông qua Người Đồng Hành, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng mỗi một loại sản phẩm được triển khai trên thị trường đều có công năng của riêng. Nhiệm vụ của chúng tôi trong việc phát triển sản phẩm mới là nhằm đa dạng các loại hàng hóa, tiến đến hoàn thiện cấu trúc sản phẩm trên TTCK, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán không phải là nơi "màu hồng" cho tất cả nhà đầu tư mà nó là một thị trường tài chính bậc cao, khi tham gia thì cần phải trang bị kiến thức thật tốt để gia tăng suất sinh lời bền vững. Ngược lại, nếu không tìm hiểu kỹ thì là rủi ro rất lớn. Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư khi tham gia vào một sản phẩm nào thì hãy tìm hiểu kỹ về sản phẩm đó, tính toán kỹ lưỡng xem sản phẩm đó có thật sự phù hợp với nhu cầu và sức chịu đựng rủi ro của bản thân hay không? Khi khẩu vị rủi ro không đáp ứng được với sản phẩm đó thì tốt nhất chưa nên tham gia.

- Khả năng vận hành, đáp ứng của các bên liên quan với các sản phẩm mới hiện ra sao? Tại sao các sản phẩm mới có xu hướng ngày càng phức tạp hơn và HoSE giải bài toán như thế nào?

- Tôi cho rằng các nhà đầu tư Việt Nam khá nhanh nhạy với thị trường và có quan tâm, tìm hiểu đến các sản phẩm mới. Các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư luôn phối hợp và chuẩn bị các nguồn lực để triển khai.

Khó nhất là duy trì được tính hấp dẫn của sản phẩm chứng khoán sau khi triển khai - Ảnh 9.

Cái khó nhất với chúng tôi là làm sao duy trì được tính hấp dẫn của sản phẩm sau khi triển khai. Nhiệm vụ phát triển sản phẩm một mặt giúp các nhà đầu tư có thêm các công cụ sử dụng cho nhu cầu chuyên biệt, mặt khác cũng giúp các công ty chứng khoán tăng năng lực hoạt động. Do đó chúng tôi luôn theo dõi, đánh giá và xử lý các vướng mắc phát sinh trong thực tế để có thể điều chỉnh kịp thời; song song đó thực hiện việc giới thiệu và đào tạo ra công chúng.

Phần lớn TTCK trên thế giới phát triển khá lâu nên mức độ đa dạng hóa của các sản phẩm là rất lớn, đặc biệt là mức độ phát triển của các dòng sản phẩm cấu trúc, phức hợp nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, khi lựa chọn các sản phẩm mới để triển khai tại Việt Nam cần có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện phát triển thị trường và mức độ nhận thức của nhà đầu tư. Do đó, có thể thấy những sản phẩm được triển khai tại Việt Nam vẫn đang đi theo định hướng từ đơn giản đến phức tạp.

Nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới là một trong những công tác luôn được HoSE chú trọng trong suốt 20 năm qua. Do đó, dù sản phẩm có phức tạp đến đâu thì Sở vẫn luôn chủ động trong việc chuẩn bị mọi nguồn lực nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường. Đối với các thành viên thị trường, việc tham gia vận hành các sản phẩm phức tạp hơn cũng sẽ giúp các công ty chứng khoán nâng cao được năng lực tài chính, năng lực hệ thống và khả năng quản trị rủi ro của mình.

Khó nhất là duy trì được tính hấp dẫn của sản phẩm chứng khoán sau khi triển khai - Ảnh 10.

- Hiện Sở đang tập trung vào phát triển những sản phẩm nào, vướng mắc và triển vọng ra sao?

- Chúng tôi sẽ phát triển các sản phẩm theo nguyên tắc từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp và theo lộ trình phát triển sản phẩm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trước mắt, HoSE tập trung phát triển cả chiều rộng và chiều sâu cho các sản phẩm đã triển khai.

Cụ thể với quỹ ETF, chúng tôi sẽ xem xét đề xuất mở rộng quy mô các chủng loại phức tạp hơn như ETF tổng hợp (synthetic ETF), ETF đòn bẩy, ETF đảo… khi chúng tôi nhận thấy năng lực các công ty thành viên đã nhuần nhuyễn và trình độ các nhà đầu tư được nâng cao.

Với CW, hiện chỉ có chứng quyền mua thanh toán bằng tiền mặt và thực hiện quyền kiểu châu Âu. Chúng tôi sẽ đề xuất phát triển thêm các loại mới như chứng quyền mua thanh toán bằng chuyển giao cổ phiếu cơ sở, thực hiện quyền kiểu Mỹ và chứng quyền bán. Bên cạnh đó, chứng khoán cơ sở cũng đang được chúng tôi xem xét đề xuất như là chứng chỉ quỹ ETF, chỉ số và mở rộng danh mục cổ phiếu cơ sở ngoài VN30.

Với chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), hiện chúng tôi đang nghiên cứu theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán mới đã có những quy định về về sản phẩm này, là tiền đề quan trọng để triển khai các công việc tiếp theo.

Về chỉ số, định hướng tới đây là phục vụ nhu cầu của thị trường nhiều hơn, có nghĩa là HoSE sẽ phối hợp với các thành viên thị trường để phát triển chỉ số phục vụ nhu cầu của đầu tư thay vì tự xây dựng như trước đây. Đây cũng là chiến lược phát triển của các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới.

Khó nhất là duy trì được tính hấp dẫn của sản phẩm chứng khoán sau khi triển khai - Ảnh 11.

Sắp tới chúng tôi thấy có nhiều nhu cầu để phát triển thêm các bộ chỉ số mới từ các công ty quản lý quỹ tại Việt Nam và HoSE đang phối hợp làm việc với các thành viên nhằm đưa thêm các chứng chỉ quỹ ETF lên niêm yết. Hiện có 4 quỹ ETF đang niêm yết và thời gian tới, đặc biệt vào năm 2021, sẽ có nhiều chứng chỉ quỹ ETF lên niêm yết để mô phỏng theo các chỉ số đầu tư mới.

- Việt Nam đang dần hiện đại hóa thị trường tài chính, ông có thể cho biết việc phát triển các sản phẩm đầu tư mới đóng vai trò gì trong quá trình này?

- Hiện nay số lượng tài khoản chứng khoán khoảng hơn 2,5 triệu và đang tiến tới mức khoảng 3% dân số vào cuối năm nay, mục tiêu 5% đến 2025. Với xu hướng tài khoản tăng nhanh thì việc triển khai sản phẩm phải làm sao bao phủ được nhu cầu ngày càng tăng và chuyên biệt của từng nhóm nhà đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán, khi chúng ta có đủ sản phẩm hay hàng hóa thì sẽ phục vụ được câu chuyện đầu tư và câu chuyện phòng ngừa vị thế của nhà đầu tư. Nếu làm được, điều này sẽ thu hút đông đảo sự tham gia của nhà đầu tư, công tác phát triển sản phẩm sẽ đem đến nhiều lợi ích cho các bên và cuối cùng phục vụ cho câu chuyện phát triển kinh tế.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Huy Lê - Ảnh: NDH - Thiết kế: Bảo Linh

Người đồng hành

Trở lên trên