“Khó nhất với doanh nghiệp bán lẻ là vay được vốn ngân hàng”
“Các doanh nghiệp đều nói rằng khó khăn lớn nhất là vấn đề vay được vốn để kinh doanh. Tất cả mọi thứ trong hoạt động bán lẻ đều phải thuê, mà đi thuê thì không thể có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng”, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chỉ ra thực tế.
- 11-06-2016Kết nối doanh nghiệp với các nhà bán lẻ nước ngoài
- 06-06-2016Vẫn còn cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chiến bán lẻ
- 10-05-2016Thấy gì từ việc các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam?
Tại buổi tọa đàm “Nhận diện các rủi ro về chính sách đối với ngành bán lẻ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” vừa qua, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thẳng thắn cho rằng, vấn đề vốn vay đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp bán lẻ.
“Vay vốn là vấn đề thiết yếu nhất đối với doanh nghiệp bán lẻ. Các doanh nghiệp đều nói rằng khó khăn lớn nhất với họ là việc làm sao vay được vốn để kinh doanh. Tất cả mọi thứ trong hoạt động bán lẻ đều phải thuê, làm gì có ai có thể xây dựng hạ tầng thương mại để phục vụ cho hoạt động bán lẻ, trừ các doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Mà đi thuê thì không thể có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng”, ông Vượng nói.
Theo đó, trong quá trình hội nhập hiện nay, ông Vượng cho rằng việc có hướng để hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất cần thiết. Nó gần như là sự cứu cánh, quyết định sự tồn tại hay diệt vong của doanh nghiệp.
Thực tế hiện nay, khi các doanh nghiệp trong nước cần sửa chữa, nâng cấp, cải tạo cửa hàng đều phải vay vốn lưu động với lãi suất rất cao. Do vậy hiệu quả sản xuất kinh doanh càng khó cạnh tranh hơn. Trong khi đó, các tập đoàn bán lẻ thì không cần quan tâm đến vấn đề vốn, vì vốn của họ quá nhiều, và vốn vay của nước ngoài rẻ hơn ở Việt Nam .
Ông Vượng so sánh, đối với các tập đoàn nước ngoài, chưa chắc họ đã hoạt động hiệu quả, nhất là ở các trung tâm thương mại vì lượng khách mua sắm khá ít ỏi. Tuy nhiên, đối với các tập đoàn lớn trên thế giới thì một vài chi nhánh ở một số nước hoạt động không hiệu quả cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Mục tiêu của họ là chiếm giữ vị trí lâu dài và vì lợi ích sau này chứ không phải vì lợi ích trước mắt.
Còn với doanh nghiệp bán lẻ Việt, để tồn tại được là cực kỳ khó khăn. Do đó, vấn đề thông thoáng hơn trong việc vay vốn sẽ giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp Việt và thúc đẩy họ phát triển hơn.
Theo ông Vượng, đối với trường hợp của Hapro, hiện nay Tổng công ty Thương mại Hà Nội với tư cách là công ty mẹ không được đứng ra bảo lãnh cho các công ty thành viên vay vốn ngân hàng nữa. Đây là điều rất khó cho các công ty thành viên trong việc triển khai thực hiện chuỗi ở các tỉnh, họ hoàn toàn đều phải đi thuê cửa hàng và không có điều kiện tài chính để vay ngân hàng.
“Tôi nghĩ rằng điều này cần bàn tay hỗ trợ của Nhà nước. Đối với ngân hàng, họ rất muốn cho vay nhưng chỉ sợ rủi ro, họ cần người bảo lãnh, nhưng theo quy định mới thì không được bảo lãnh nữa. Có thể nói, vay vốn ngân hàng là điều khó nhất đối với nhiều doanh nghiệp. Nếu Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề này thì tôi nghĩ sẽ ra chính sách, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ không đi ngược lại với WTO cũng như hội nhập quốc tế”, đại diện Hapro đề xuất.
Bizlive