MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khổ như xin việc mùa dịch: Thạc sĩ 29 tuổi nộp tới 800 CV, phỏng vấn 80 cuộc vẫn chịu cảnh thất nghiệp

06-02-2021 - 09:01 AM | Tài chính quốc tế

Khổ như xin việc mùa dịch: Thạc sĩ 29 tuổi nộp tới 800 CV, phỏng vấn 80 cuộc vẫn chịu cảnh thất nghiệp

Sau 800 đơn xin việc và 80 cuộc phỏng vấn, chàng trai 29 tuổi Abdul Kader Tizini vẫn ở trong tình trạng thất nghiệp.

Khi tốt nghiệp bằng thạc sĩ kỹ thuật cơ khí tại RWTH Aachen, một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Đức, Abdul Kader Tizini nghĩ sẽ chỉ mất vài tuần để có công việc mơ ước.

Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau, đại dịch Covid-19 đã lan nhanh đến Đức, chặn đứng chuỗi bùng nổ việc làm kéo dài hàng thập kỷ tại đây. Thời điểm hiện tại, sau 800 đơn xin việc và 80 cuộc phỏng vấn, chàng trai 29 tuổi người Syria này vẫn ở trong tình trạng thất nghiệp.

Là người ngoại quốc cũng là một bất lợi trong việc kiếm việc làm ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Tizini nói rằng rào cản còn lớn hơn khi số có ít vị trí tuyển dụng hơn.

Anh chia sẻ với Reuters: "Các công ty nghĩ rằng với người nước ngoài, họ sẽ phải giải thích hai lần trong khi người bản địa chỉ cần một lần".

Khổ như xin việc mùa dịch: Thạc sĩ 29 tuổi nộp tới 800 CV, phỏng vấn 80 cuộc vẫn chịu cảnh thất nghiệp  - Ảnh 1.

Tizini vẫn trong tình trạng thất nghiệp.

Việc tuyển dụng bị đóng băng và sa thải diễn ra ở hàng nghìn công ty ở Đức có nghĩa là những sinh viên nước ngoài mới tốt nghiệp như Tizini phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với những sinh viên bản xứ và những người thất nghiệp khác.

Ngoài ra, không giống công dân Đức và Liên minh châu Âu (EU), nhiều sinh viên nước ngoài tốt nghiệp không đủ điều kiện để nhận trợ cấp thất nghiệp trong đại dịch.

Hàng trăm nghìn sinh viên quốc tế đã đổ đến Đức trong thập kỷ qua do bị thu hút bởi hệ thống giáo dục đại học uy tín gần như miễn phí cùng triển vọng nghề nghiệp tươi sáng sau khi tốt nghiệp.

Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết số lượng sinh viên quốc tế ở Đức đã tăng khoảng 70% từ năm 2009 đến năm 2019.

Rào cản ngôn ngữ, văn hóa

Anja Robert, cố vấn nghề nghiệp tại RWTH Aachen, cho biết sinh viên quốc tế ở Đức gặp khó khăn hơn khi tìm việc làm so với người bản địa.

Cô nói rằng nhu cầu về các buổi tư vấn và hỗ trợ tâm lý đã tăng lên kể từ tháng 3, khi nước Đức bước vào đợt phong tỏa đầu tiên để chống lại đại dịch.

Tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã đạt mức 6,4% ngay sau đó, tăng từ mức 5% trong những tháng trước. Tháng 1 năm nay, tỷ lệ này là 6%.

Tác động của đại dịch đối với thị trường việc làm Đức phần nào được giảm thiểu nhờ chương trình "Kurzarbeit" của chính phủ, cho phép người sử dụng lao động cắt giảm giờ làm việc trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Nhưng việc này cũng khiến tuyển dụng trở nên khó khăn hơn.

Ludwig Christian, phát ngôn viên của Văn phòng Lao động Liên bang Đức, cho biết các công ty tham gia chương trình này có thể tuyển nhân viên trong những trường hợp bắt buộc.

Từ tháng 4/2020 đến tháng 1 năm nay, số lượng vị trí tuyển dụng mới ở Đức đã giảm 430.000, tương đương 26% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Văn phòng Lao động.

Một thách thức khác mà sinh viên nước ngoài phải đối mặt là mạng lưới các mối quan hệ xã hội và nghề nghiệp yếu hơn. Vấn đề này càng trở nên trầm trọng do hàng loạt hội chợ việc làm và sự kiện kết nối bị hủy bỏ hoặc chuyển sang trực tuyến trong đại dịch.

Jana Koehler, một nhà tuyển dụng quốc tế có trụ sở tại Berlin, cho biết: "Tạo dựng mối quan hệ trên mạng khó khăn hơn, đặc biệt nếu bạn đến từ một quốc gia khác và không quen với cách các mối quan hệ ở đây hoạt động".

Hai đợt phong tỏa vào mùa xuân và mùa đông năm ngoái cũng khiến các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ đóng cửa, đồng nghĩa với việc có ít việc làm bán thời gian hơn cho sinh viên.

Tháng 4 năm ngoái, chính phủ Đức đã bổ sung người nước ngoài vào một chương trình cho vay không lãi suất cho sinh viên. Tuy nhiên, những người vừa tốt nghiệp lại không được tham gia. Khoản hỗ trợ thất nghiệp cho nhóm này cũng chỉ giới hạn với người đã sống ở Đức 5 năm.

Về phần mình, Tizini cho biết anh tồn tại chủ yếu nhờ sự hỗ trợ hàng tháng của anh trai. Sau khi đầu tư rất nhiều thời gian và hơn 10.000 euro (12.032 USD) để học tại Đức, quay trở lại Syria không phải là một lựa chọn đối với anh.

Anh nói trong tuyệt vọng: "Không có cách nào để sống ngoài việc chờ đợi sự giúp đỡ của người khác. Tôi đã cố gắng hết sức có thể, nhưng tất cả đều vô ích".

Nguồn: Reuters

Theo Mộc Tiên

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên